Saturday 8 December 2012


- Trong Thiền tập, bạn nên ghi nhận quan sát (Chánh Niệm) các cảm giác trên thân,
hoặc các cảm xúc, tình cảm hoặc các hoạt động của tâm thức. 
Nhưng đừng nghĩ chúng là "của tôi"; chúng chỉ như chúng đang là: 
cảm giác chỉ là cảm giác, tình cảm chỉ là tình cảm, 
hoạt động của tâm chỉ là hoạt động của tâm => ĐÓ LÀ BẢN CHẤT THỰC CỦA CHÚNG.

Luôn luôn quan sát với cái nhìn như vậy, nếu không làm như thế, nếu còn coi chúng là "CỦA TÔI", thì bạn sẽ không sao tránh khỏi việc bị DÍNH MẮC vào đối tượng hoặc là CHỐI BỎ nó"

TS SAYADAW U TEJANIYA

Namo Buddhaya 

___(())___


- XÂU CHUỖI PHẬT TỔ



XÂU CHUỖI PHẬT TỔ

Có một ngôi chùa, nhân vì thờ một sợi chuỗi của Phật Tổ mà nổi tiếng.
Nơi thờ phụng sợi chuỗi chỉ có thầy trụ trì và 7 đệ tử biết.

7 người đệ tử đều rất có ngộ tính, thầy trụ trì cảm thấy tương lai đem y bát truyền cho bất kỳ người nào trong bọn họ, đều có thể làm rạng rỡ Phật Pháp. Không ngờ, sợi chuỗi đột nhiên biến mất.

Thầy trụ trì bèn hỏi 7 đệ tử: “Các ngươi ai đã lấy sợi chuỗi, chỉ cần trả về vị trí cũ, ta sẽ không truy cứu, Phật tổ cũng không trách tội.” Các đệ tử đều lắc đầu.

7 ngày trôi qua, sợi chuỗi vẫn không được trả về. Thầy trụ trì lại nói: ”Chỉ cần ai đó thừa nhận, sợi chuỗi sẽ thuộc về người đó.“ Lại trải qua 7 ngày, vẫn không ai thừa nhận.

Thầy trụ trì rất thất vọng: “Ngày mai các người hãy rời khỏi chùa xuống núi hết đi, riêng kẻ đã lấy sợi chuỗi ta cho phép ở lại đây.“

Qua ngày hôm sau, 6 đệ tử thu dọn xong hành lý, thở nhẹ một hơi dài, nhẹ nhàng ra đi. Chỉ có một người ở lại.

Thầy trụ trì hỏi đệ tử ở lại :

– Sợi chuỗi đâu ?
– Con không lấy.
– Vậy tại sao chịu mang lấy tiếng trộm cắp?
– Mấy ngày nay các huynh đệ đều nghi ngờ lẫn nhau, nếu có người đứng ra, mới giải thoát cho họ chuyện này.

Lại nói:

– Sợi chuỗi tuy mất , Phật vẫn còn đây.

Thầy trụ trì cười, lấy sợi chuỗi từ tay áo mình ra, đeo vào tay người đệ tử.

Đây là câu chuyện làm tôi cảm ngộ rất lâu.

Không phải mọi việc đều cần nói rõ ràng, cái quan trọng hơn nói rõ ràng đó là: có thể gánh vác, có thể hành động, có thể hóa giải, có thể sắp xếp, có thể thay đổi. Nghĩ về mình, càng phải nghĩ cho người khác, đây chính là Pháp.

Người hiểu bạn, không cần phải giải thích,
người không hiểu bạn, giải thích cũng vô ích.
Đây không chỉ là một loại cảnh giới
mà hơn hết là một loại đại trí huệ.

Chú thích:

(Đây chỉ là một câu chuyện ngụ ngôn, về mặt lịch sử, chưa có sử liệu chứng minh Phật Tổ Thích Ca Mâu Ni có đeo chuỗi và sợi chuỗi đó còn lưu lại đến bay giờ ).

__(())__

From email: My Huynh

- Vật Dưới Giếng



Chuyện xảy ra tại một tu viện. 

Tôn giả nọ, trong giờ chấp tác, đi ngang giếng nước, nhòm xuống, chợt thấy một cái quần đen nổi lều bều trong đó, liền hét toáng lên: 

- Chèn đét ơi! Cái giếng nước này người ta dùng để nấu ăn, nấu uống, rửa hoa cúng Phật, rửa chén cập Tăng... mà ai ăn ở bất nhơn, làm rớt cái quần xuống đây, hỏng biết nữa hà...

Sau một hồi la lối, đương sự bèn dòm dáo dác, tìm tới tìm lui xem có ai đứng gần đâu đó để ngoắc tới phân bua... Nhưng thật xui xẻo, chung quanh vắng bặt như tờ.

Tôn giả này bèn dòm xuống giếng một cách bực tức... Và chợt bụm miệng la lên:

_ Í, chết cha rồi! là cái quần của mình..

Lập tức đương sự vội vàng lấy cây khoèo cái quần đa sự lên, vừa dáo dác canh chừng xem có ai nom thấy không. Và cũng thật là may mắn.. chưa có ai nom thấy hết.

Ðương sự vội vàng làm thinh, đi phơi cái quần và giữ im lặng như là.. thánh vậy.

Em thân mến!

Ðây là một mẩu chuyện nhỏ rất thường xảy ra trong đời sống thường ngày của chúng ta. Cũng đồng thời là một sự kiện đó, một lỗi lầm đáng trách nhưng nếu do người khác gây ra thì chúng ta sẽ sẵn sàng hô hoán la rùm beng lên. Nhất là nếu người ghét cay ghét đắng thì... ta chỉ còn thiếu một việc là bắt loa phóng thanh lên để rao cho làng trên xóm dưới cùng nghe, cùng biết, cùng hay.

Nhưng, nếu lỗi lầm đó, do chính ta vô tình hoặc cố ý gây nên thì phải dáo dác nhìn xem có ai ngó thấy không và khỏa lấp đi thật lẹ... như vị tôn giả trong câu chuyện trên đây vậy.

Có lẽ vì vậy mà Phật khuyên chúng ta như thế này:

Không nên nhìn lỗi người
Có làm hay không làm
Hãy nên nhìn lỗi mình
Có làm hay không làm. (PC 50)

Và:

“Thấy lỗi người thì dễ,
thấylỗi mình mới khó.
Lỗi người, ta cố phanh tìm như tìm thóc lẫn trong gạo,
còn lỗi mình, ta cố che giấu như kẻ cờ gian bạc lận thu giấu quân bài.” (PC 252)

Trong pháp Bảo Ðàn Kinh, Lục Tổ cũng có một lời khuyên chúng ta như thế này:

“Nhược chân tu đạo nhân
Bất kiến thế gian quá...”

Nghĩa là:

Nếu thật người tu đạo
Ðừng thấy lỗi thế gian.

Ghi lại câu chuyện này cùng lời Phật Tổ dạy, để gởi cho em, người bạn đồng hành nhỏ tuổi của tôi, cũng có nghĩa là tôi tự viết cho riêng mình vậy.

Tn Hue Hanh

__(())__

Friday 7 December 2012

- CÓ BA HẠNG NGƯỜI



3 hạng người tìm Đạo:

Người không hiểu đạo thì sống trong đời. 
Người muốn hiểu đạo thì vào sống trong 
chùa, thiền viện, hay nơi hẻo lánh. 
Người đã hiểu đạo thì lại trở ra mà sống 
với đời, thấy Đạo không lìa đời .

3 hạng người làm việc Thiện:

Người chưa hiểu đạo thì làm ít việc thiện. 
Người đã hiểu đạo thì làm nhiều việc thiện. 
Người thật sự thấm đạo thì làm gì cũng là thiện.
Sống không rời Thiện một cách tự nhiên như sống thì phải thở.

3 hạng người khi nóng giận :

Hạng người thứ nhất viết chữ trên đá 
Hạng người thứ hai viết chữ trên đất.
Hạng người thứ ba viết chữ trên nước.

- Ai muốn viết đâu đó thì viết, tôi viết vào.. hư không (*___*)

Namo Buddhaya 

__(())__

Thursday 6 December 2012

- TÁM '' BÍ KÍP'' ĐỂ GIỮ TÂM HỒN BÌNH YÊN



1- Tránh xa những cuộc đối thoại tiêu cực và người tiêu cực. 

2- Đừng ôm ấp hận thù và sự giận dữ. Học cách quên lãng và biết tha thứ.

3- Đừng ganh tị với người khác.

4- Hãy chấp nhận những gì không thể thay đổi.

5- Hãy học kiên nhẫn hơn và tha thứ bao dung hơn với con người và sự việc.

6- Đừng nhìn sự vật, sự việc dưới quan điểm cá nhân, phiến diện từ một phía.

7- Đừng chìm đắm vào quá khứ mà bỏ quên hiện tại và làm ảnh hưởng đến tương lai.

8- Học cách thả lỏng tinh thần, trong một ngày hãy dành cho mình ít nhất là 10 phút để nhìn lại, để thư giãn tinh thần giữa dòng sống hối hả. 

-- Hãy nhớ, không ai có thể cho bạn sự bình yên ngoài chính bạn.

__(())__


Wednesday 5 December 2012



- Răng rất cứng, 
Lưỡi rất mềm,
đi hết cuộc đời răng người ta lại rụng hết,
nhưng lưỡi thì vẫn còn nguyên. 
Cho nên cần phải học mềm mỏng,
nhu hòa thì đời con người mới có thể tồn tại lâu dài được..!

( Đức Đạt Lai Lạt Ma)

__(())__



- Ngày mai biết sẽ ra sao
Không ai nói được với nhau phút này!
Hiện tại mầu nhiệm là đây
Vì nhau sống trọn, đong đầy Hiểu- Thương.

Như Nhiên
T T T

___(())___

- Gửi những người bạn qúi mến của tôi ...




1. Người bạn quí mến của tôi...

2. Xin hãy bảo trọng và giữ gìn sức khỏe…

3. Dù bận bịu thế nào đi chăng nữa cũng phải quan tâm tới bản thân mình.

4. Bạn bè tuy không thường xuyên liên hệ với nhau, nhưng vẫn cứ nhớ tới nhau.

5. Hãy uống ít trà sữa, không nên ăn nhiều đồ ngọt và tránh xa nguồn điện cao thế.

6. Ban ngày hãy uống nhiều nước vào, buổi tối cần uống ít đi. Không uống quá 2 cốc cà phê một ngày.

7. Hãy ăn ít thức ăn có nhiều dầu và thường xuyên đi bộ.

8. Sau 5 giờ chiều không ăn nhiều, ăn no. Mỗi ngày không uống quá 1 ly beer.

9. Nửa giờ trước lúc đi ngủ mà uống thuốc thì cần tránh uống thuốc xong là đi nằm ngay.

10. Trung bình cần ngủ đủ 6 giờ, nếu bạn cảm thấy khó ngủ, hãy xem nằm là ngủ.

11. Không sử dụng điện thoại di động khi chỉ thị nguồn điện giảm xuống còn 1 vạch. Bởi bức xạ lúc này lớn gấp 1.000 lần so với lúc bình thường.

12. Nhớ là nghe điện thoại bằng tai bên trái, bởi nghe ở tai bên phải sẽ trực tiếp làm tổn thương đến đại não.

13. Hai điều nên nhớ: Gặp phải sự việc không vui hãy bình thường hóa nó một chút. Nhìn thế giới phớt lờ một chút.

14. Hãy “Quên đi” 3 thứ: - Quên đi tuổi tác, - Quên đi quá khứ, - Quên đi ân oán.

15. “ Cần có” 4 thứ: - Có người bạn chân thành, - Có bạn tri kỷ, - Có ý tưởng hướng lên, - Có nơi ở ấm áp.

17. 6 thứ “Không thể được”: - Không để đói rồi mới ăn, - Không để khát rồi mới uống, - Không để nhíp mắt lại rồi mới đi ngủ, - Không để mệt rồi mới chịu nghỉ ngơi, - Không để phát bệnh rồi mới đi khám, - Không chờ đến quá muộn rồi mới ngồi ân hận.

18. Hãy dành thêm thời gian cho đời sống Tâm linh. 

Tiếp nhận được chia sẻ này rồi, xin hãy chuyển nó tới từng bạn hữu mà mình quý mến! Đừng quên nhé!

Chúc bạn luôn luôn vui vẻ!

Kí tên-
Một người bạn

HAVE A NICE DAY (*___*)

__(())__

- Nơi nào an lạc




Chuyện kể rằng :

Một hôm, một đệ tử đem đến cho vị thiền sư già , người đã sáng lập viện và dạy dỗ cho nhiều thế hệ thiền sinh một tin buồn như sau: “ Thưa sư phụ, đại sư huynh Vô Định , người môn sinh xuất sắc sẽ kế tục Ngài, đã lặng lẽ bỏ đi vào đêm qua”.

Nghe xong, vị thiền sư già bình thản trở lại với công việc đang làm. Ông chẳng để lộ mảy may xúc động hay buồn phiền .

Người đệ tử lòng chưa hết bang hoàng , liền hỏi :
“ Thưa sư phụ, sư huynh Vô Định là người đệ tử đầu tiên của Ngài. Sư huynh lại đức độ hơn người , có thể gánh vác trọng trách mai này. Nay sư huynh bất thần bỏ đi, sư phụ không thấy mất mát sao ?”

Vị thiền sư già ôn tồn giải thích :
“ Sư huynh của con chỉ dời chỗ ở chứ không bị tiêu diệt, sao gọi là mất mát ? ” .

Người đệ tử vẫn thắc mắc :
“ Nhưng thưa sư phụ, sư huynh ra đi mà không có lý do chính đáng, nếu mọi người biết được , đệ tử e rằng thiên hạ sẽ thị phi đàm tiếu nhiều điều gây tổn hại đến thanh danh của sư phụ , sư phụ nghĩ sao ?”.
“ Thanh danh thì cũng là Hư danh. Người ta sanh ra thanh danh rồi thì người ta cũng có thể đổi nó thành xú danh . Sao con lại quan tâm ?”

Người đệ tử vẫn chưa hết lo âu:
“ Vậy thì sư phụ không lo cho sư huynh sao ? Liệu sư huynh có an lạc khi rời bỏ nơi này chăng ?”

Vị thiền sư ung dung trả lời :
“ Sư huynh của con phải thấy rằng tâm không còn an lạc khi ở đây thì mới ra đi. Ta chẳng hề lo lắng. Nơi nào an lạc ắt đấy là nhà con ạ”.

Người đệ tử vẫn chưa hết ấm ức :
“ Thưa sư phụ, xin cho con hỏi một câu cuối: sư phụ không thấy một chút khó chịu nào hết khi sư huynh của con làm một quyết định quan trọng như thế mà không hề bàn bạc với sư phụ sao?

Vị thiền sư già cười một cách hiền hòa:
“ Con ơi, trên đời này chẳng có gì quan trọng hơn sự an lạc của mỗi chúng sanh. Con nên nhớ rằng, con phải tự đi tìm an lạc cho chính mình. Ta hiểu và thông cảm với sư huynh của con. Con nên nhớ rằng, trong cuộc đời của mỗi con người, có những quyết định mà ta không thể nào bàn bạc với ai khác ngoại trừ với chính cái TÂM của mình .

Bạn thân mến ,
Những lời khuyên nhủ minh triết và sâu sắc của vị thiền sư đối với người đồ đệ như một nhắc nhở cho chúng ta rằng, chúng ta không nên vội lên án hay kết tội một ai khi thấy đời sống của họ không tuân theo những lề luật thông thường của đạo hay của đời.

Tâm an thì cảnh tự an
Đổi thay nơi chốn sao bằng đổi tâm.

__(())__


- TÂM GIẢN DỊ CHÍNH LÀ ĐẠO.




Một hành giả hỏi Lão Hòa Thượng : 

- Trước khi đắc đạo Ngài làm gì ? 

Lão Hòa Thượng : 

- Đốn củi , gánh nước , nấu cơm.

Hành giả hỏi : 

- Vậy đắc Đạo rồi thì sao?

Lão Hòa Thượng :

- Nấu cơm. Đốn củi , gánh nước .

Hành giả lại hỏi :

- Vậy thế thì có gì khác khi chưa đắc Đạo ? 

Lão Hòa Thượng : 

- Trước khi đắc đạo , 
khi đốn củi thì lo lắng đến gánh nước , 
lúc gánh nước lại nghĩ đến chuyện nấu cơm. 
Đắc Đạo rồi thì đốn củi thì cứ đốn củi, 
gánh nước thì là gánh nước , 
nấu cơm thì cứ nấu cơm. (*___*)

__(())__


- Tâm nhàn




Khi vui tự nhủ lòng rằng
Niềm vui này chẳng thường hằng bền lâu.
Sau lưng Vui nấp nỗi sầu
Trong tia nắng đã in màu hạt mưa.

Khi buồn, chẳng thiết đuổi xua
Buồn ni rồi cũng đong đưa, vô thường,
Nhìn cho thấu rõ, tận tường
Vui, buồn tan dưới cội nguồn Chân Như...

Con Tâm này vốn huyễn hư
Cưỡi hai lượn sóng khoan thư ta về! 

Như Nhiên
(T T T)



- Nếu bạn giúp đỡ ai và chờ mong sự đền trả,
bạn đang làm thương mại chứ không là tử tế. 

__(())__



- Dù cho chỉ tụng ít kinh
Nhưng theo giáo pháp thực hành sớm khuya
Hết tham, hết cả sân, si
Lòng luôn tỉnh giác, tâm thì hiền lương
Trước sau giải thoát mọi đường.

Kinh Pháp Cú.
Phẩm Song Song

NAMO BUDDHAYA

__(())__

- Ghim Trong Lòng


Khi bị người nào đó nói hay làm gì trái ý, tổn thương thì chúng ta thường nhớ dai và nhớ hoài. Khi ngồi yên hoặc có dịp thì trong tâm lại đem những lời nói, hành động, cử chỉ của người đó chiếu lại cho ta xem và ta ngoan ngoãn ngồi xem chăm chú. Tệ hơn nữa, sau mỗi lần như vậy, sự buồn giận của ta càng tăng và ta lại tiếp tục oán hận người đó. Nhiều khi sự việc đó đã xảy ra cả chục năm trước, bây giờ người kia đã thay đổi tính tình hoặc đã chết rồi, nhưng cuốn phim cũ trong tâm ta mỗi lần chiếu lại, nó vẫn mới tinh như các phim đĩa DVD hiện nay. Nực cười thay, chúng ta không nhận ra điều làm mình khổ không phải người kia mà là chính mình. Chính mình cho phép cái tâm lôi phim cũ ra chiếu, chính mình suy nghĩ, nhớ hoài chuyện cũ. 


Dù người khác có mắng chửi, hạ nhục, đối xử tệ bạc với mình hôm qua hay hôm kia, nhưng nếu bạn lỡ uống nhằm "thuốc lú" quên hết thì hôm nay đâu có khổ. Không biết bạn có đồng ý chăng? Nếu đồng ý thì nên quay trở về điều chỉnh, dạy dỗ cái tâm của mình đừng cho nó tự tung tự tác muốn nhớ nghĩ cái gì thì nghĩ, nhất là hay nhớ nghĩ những điều sai quấy của người khác. Bởi vì mỗi khi tâm nhớ nghĩ điều sai quấy của người khác thì ai khổ trước? Mình khổ trước hay người kia? 
Ngày hôm qua, ông A, bà B đã mắng chửi, hay đánh ta một roi. 

Ngày hôm nay, nếu ta nhớ nghĩ lại hành động của họ và đau khổ tiếp, đó tức là ta tự mắng chửi và lấy roi đánh mình thêm lần nữa. Và nếu ta cứ tiếp tục nhớ nghĩ và buồn khổ hoài thì có phải là tự mình mắng chửi, hành hạ mình không? Cái này ngoài đời gọi là "thú đau thương". Khi thích cái gì thì muốn có hoài, như thích hút thuốc thì tìm thuốc hút và khi được hút thì sung sướng nên gọi là thú. Thích uống rượu mà được đi nhậu là một cái thú. Nhưng khi có được những cái "thú" đó, thay vì sung sướng thì lại đau khổ, nên gọi là "thú đau thương". 

Quá khứ đã qua rồi, bây giờ chỉ còn là ký ức. Chúng ta không thể nào quên hoàn toàn quá khứ, dù muốn dù không nó đã in vào tâm thức, nhưng đừng để cho nó làm mình đau khổ. 

Khi lái xe hơi bạn nhìn về phía trước hay nhìn kính chiếu hậu? Đương nhiên không ai nhìn vào kính chiếu hậu hoài vì sẽ gây ra tai nạn mà chỉ liếc nhìn một chút trước khi muốn lách hoặc vượt qua an toàn. Cũng thế bạn hãy nên nhìn về phía trước, nhìn tới tương lai. Chỉ khi nào cần tìm kiếm điều gì trong quá khứ thì có thể quay lại liếc nhìn, và nhớ nhìn trong giây lát thôi. 

Giả dụ trong quá khứ người kia đã làm khổ bạn thật, và khi nhớ lại dù trong giây lát thôi cũng đủ làm cho bạn khổ sở, khó chịu, vậy sao bạn không uống thuốc "Hỷ Xả"? Chỉ cần đứng trước bàn Phật nói to lên rằng: "ông A, bà B, đã làm con đau khổ trong quá khứ, nhưng hôm nay đây con phát nguyện tha thứ và hỷ xả cho họ, bởi vì làm người ai mà chẳng lầm lẫn". 

Làm một lần chưa hết thì làm nhiều lần cho tới khi nào nhớ lại chuyện cũ mà tâm bình thản như nhớ chuyện của ai khác chứ không phải chuyện của mình thì xem như thuốc "Hỷ Xả" đã có công hiệu. Nên nhớ ngay cả bệnh nhẹ như nhức đầu sổ mũi cũng phải uống thuốc nhiều lần mới hết, đâu phải chỉ uống một viên là hết bệnh, huống chi bệnh "ghim trong lòng" là một bệnh phiền não thâm căn cố đế của con người, đâu thể phát nguyện suông vài lần là hết được.

Thích Trí Siêu 
Trích "Dòng Đời Vô Tận"

__(())_


- Hãy làm chủ suy nghĩ, nếu không nó sẽ làm chủ con.




“Để có được một sức khỏe tốt, để có thể đem hạnh phúc cho gia đình nào đó, để đem bình an cho tất cả, thì người đó đầu tiên phải có nghị lực và phải làm chủ được suy nghĩ của mình.

Nếu một người có thể làm chủ suy nghĩ, người đó có thể tìm thấy con đường giác ngộ; trí tuệ và đức hạnh sẽ tự nhiên hiển lộ nơi người ấy.”

“Chính suy nghĩ của con người chiêu cảm ra nghiệp xấu, chứ không phải kẻ thù hay oan gia của họ.”

Buddha 

GOOD MORNING - HAVE A NICE DAY (*___*)

__(())__

- Hãy quán tâm mình cho rõ.




Quán sát những cảm giác đến và đi như thế nào, tư tưởng khởi lên rồi lặn xuống ra sao. Đừng vướng mắc vào bất cứ cái gì. Hãy chỉ dùng sự tỉnh giác để quán sát những gì đang khởi hiện. Làm như thế sẽ có thể ngộ ra chân lý Pháp Phật.

Hãy để mọi sự đến tự nhiên.

Tất cả những gì bạn làm trong cuộc đời đều có thể là cơ duyên để học đạo. Tất cả đều là Pháp Phật. Khi bạn làm những công việc vặt, hãy cố giữ tỉnh giác.

Khi bạn đang làm công việc dọn dẹp vệ sinh như đổ ống nhổ hoặc chùi rửa bồn cầu, đừng nghĩ là bạn đang làm ân huệ gì cho ai cả. Trong việc đổ ống nhổ cũng có Pháp Phật ở đó.

Đừng nghĩ là bạn chỉ tu khi ngồi tréo chân yên lặng tọa thiền. Có một số người than phiền rằng không có đủ thì giờ để ngồi thiền. Vậy có đủ thì giờ để thở không?

Tu thiền chính là sự tỉnh giác, sự tự nhiên trong bất cứ những gì bạn làm.

( Trích "Vấn đạo với AJAHN CHAH" Diệu Huyền dịch)

__(())__


- KINH NGƯỜI BIẾT SỐNG MỘT MÌNH



“ Đừng tìm về quá khứ
Đừng tưởng tới tương lai
Quá khứ đã không còn
Tương lai thì chưa tới

Hãy quán chiếu sự sống
Trong giờ phút hiện tại
Kẻ thức giả an trú
Vững chãi và thảnh thơi

Phải tinh tiến hôm nay
Kẻo ngày mai không kịp
Cái chết đến bất ngờ
Không thể nào mặc cả.

Người nào biết an trú
Đêm ngày trong chánh niệm
Thì Mâu Ni gọi là
Người Biết Sống Một Mình.”

Namo Buddhaya

__(())__

Tuesday 4 December 2012

- NGƯỢC LẠI VỚI YÊU


NGƯỢC LẠI VỚI YÊU

Thầy giáo đang giảng bài ở một lớp học, bỗng dừng lại hỏi các học sinh:

- Ngược lại với yêu là gì?

Cả lớp đồng thanh đáp :

- Ghét ạ!

Thày giáo trầm ngâm, ông nói:

- Thế này nhé: Ví như A đang yêu 1 cô gái, sau đó chia tay!
50 năm sau A gặp lại người cũ trong một chiều đi dạo. 
Lúc đó bà nọ chằm chằm nhìn anh và nói: "tôi ghét ông!".
Nếu tình tiết xảy ra đúng như vậy, A phải mừng! 

- Thưa vì sao mà mừng ạ?

Nghĩ kỹ xem, ghét cũng là tình cảm như yêu, tức là tình cảm của ai đó vẫn nghĩ về A. Có người ghét anh 50 năm, tức là vẫn nghĩ về A 50 năm ? 

Còn nếu như 50 sau khi anh A gặp lại người cũ, anh hỏi:

"Bà có nhớ tôi không ?".

Người nọ nhìn anh và nói:

"Thưa ông, tôi thấy ông hơi quen quen, ông là ai?".

Cả lớp cười ồ lên.

Thầy giáo khẳng định:

"Ngược lại với yêu đâu phải là ghét!"

"Ngược lại với yêu là lãng quên!"...

'' Người ơi khi ghét ai là khi lòng... Nhớ dai '' (*___*)



- Tiền cắc thì kêu rổn rảng, tiền giấy thì lại luôn im lặng,
thế nhưng tiền giấy thường mang mệnh giá cao hơn. 
Sự khiêm tốn và biết sống im lặng tạo nên giá trị và đức độ nơi một con người.

Như Nhiên 

__(())__



- Ta đã cưu mang một kiếp người
Một đời gom nhặt chẳng hề ngơi,
Trót quên, chớp mắt trần gian mộng!
Mà sống mê man cuộc khóc, cười..

Như Nhiên
(T Tánh Tuệ)

__(())__


- Có 4 điều chúng ta không thể cứu vãn




* Có 4 điều chúng ta không thể cứu vãn
(There are four things that we can not recover):

1- Viên đá... đã ném khỏi tầm tay
(the stone... after shot).

2- Lời nói... đã thốt ra khỏi miệng
(the word... after pronounced).

3- Cơ hội... đã đánh mất
(the ocasion... after lost).

4- Thời gian... đã qua đi 
(the time... after gone).

__(())__

- KHẨU NGHIỆP


Lời răn nhắc tu hành cho nữ chúng tại gia cũng như xuất gia của sư bà Chiếu Pháp ở Phật Hóa Thiền Tự


Sư bà từng dạy rằng: 

“Nữ chúng dù là tu hành tại gia hay xuất gia, nếu có thể giữ được khẩu nghiệp là đã thành Phật một nửa. 

Nên biết:

- Khẩu nghiệp là nghiệp lực khó chế phục nhất của nữ chúng.

- Khẩu nghiệp là trở lực lớn nhất ngăn cản nữ chúng chứng đạo.

- Khẩu nghiệp là đòn sát thương chí mạng nhất đối với công phu tu hành của nữ chúng.

- Khẩu nghiệp là nghiệp nhân chủ yếu khiến nữ chúng đọa vào các đường ác.

- Khẩu nghiệp là phản lực lớn nhất đối với việc vãng sanh Tây Phương của nữ chúng.

- Khẩu nghiệp làm cho đạo tràng không được thanh tịnh, thị phi liên miên.

- Khẩu nghiệp làm cho Tăng đoàn không được hòa hợp, đạo pháp suy vi.

- Khẩu nghiệp làm cho chúng sinh thối thất tâm đạo, chặt đứt căn lành của người khác.

Tội của khẩu nghiệp vô cùng nặng nề, nữ chúng tu hành nếu không dứt trừ 4 loại khẩu nghiệp: nói gian dối, nói lời ác, nói đôi chiều, nói thêu dệt, thì chịu vô lượng khổ nơi 3 đường ác trong nhiều đời nhiều kiếp, không biết ngày nào được thoát ra. Vì vậy nữ chúng đồng tu khi đối nhân xử thế phải nên cẩn thận giữ gìn lời ăn tiếng nói của mình mới có thể không bị đọa lạc trong luân hồi, chịu khổ nơi đường ác.

Nam mô A Di Đà Phật!”

( Sư bà Chiếu Pháp sinh vào ngày 12, tháng 3, năm Đồng Trị thứ 11 đời nhà Thanh (1866). Tháng 2, năm 1994, vì tuổi cao sinh bệnh, sư bà đến nương náu ở Phật Hóa Thiền Tự, lễ pháp sư Tịch Vân làm thầy. Pháp sư Tịch Vân trị bệnh cho sư bà trong 4 tháng thì hoàn toàn bình phục. Từ khi xuất gia đến lúc viên tịch, sư bà chưa từng nói một lời thừa, miệng luôn niệm A Di Đà Phật; có người hỏi chuyện, nếu liên quan đến việc tu hành thì trực tiếp khai thị, chỉ dạy; nếu không liên quan đến việc tu hành thì im lặng không nói một câu. Sư bà sống vô cùng giản dị, tất cả mọi việc ăn, ở, đi lại đều tự mình lo liệu, chưa từng nhờ người khác giúp đỡ. 

Tấm lòng của sư bà rất từ bi, thiện nam tín nữ nào đến thăm, sư bà đều vỗ lên đỉnh đầu gia trì cho họ; với những người bị bệnh khổ dày vò, sư bà thường xoa bóp, vỗ về giúp họ bớt đau nhức; sư bà luôn hành Bồ-tát đạo cứu thế gian đầy đau khổ. Ngày 20-11-2002, sư bà viên tịch, hưởng thọ 136 tuổi. Năm năm sau, ngày 08-12-2007, pháp sư Tịch Vân kiểm tra thấy nhục thân của sư bà vẫn không bị thối rữa, bèn lấy vàng dát lên, lập điện để thờ phụng.)

__(())__



- “Thời gian của bạn là hữu hạn, 
vì thế đừng phí thời gian vào việc sống cuộc đời của người khác”

– Steve Jobs.

__(())__ 




- Trí tuệ là biết mình không là gì cả
Tình Thương hiểu biết mình là tất cả,
Và tôi sống uyển chuyển giữa hai điều đó. 

- WISDOM IS KNOWING IM NOTHING
LƠVE IS KNOWING IM EVERYTHING
AND BETWEEN THE TWO MY LIFE MOVES.

Sri N Maharaj

__(())__

- CHUYỆN NHỎ THÔI, KHÔNG SAO ĐÂU!


Lỗi người, nếu biết thứ tha
Ấy là tha thứ chính ta khác nào 

__(())__

CHUYỆN NHỎ THÔI, KHÔNG SAO ĐÂU!

Tại một quán ăn ở Thượng Hải, có một cô hầu bàn phụ trách mang thức ăn lên cho chúng tôi, nhìn cô ấy trẻ trung tựa như một chiếc lá non.

Khi cô ấy bê cá hấp lên, đĩa cá bị nghiêng. Nước sốt cá tanh nồng rớt xuống, rơi xuống chiếc cặp da của tôi đặt trên ghế. Theo bản năng tôi nhảy dựng lên, nộ khí xung lên, khuôn mặt trở nên sầm xuống.

Thế nhưng, khi tôi chưa kịp làm gì, con gái yêu của tôi bỗng đứng dậy, nhanh chóng đi tới bên cạnh cô gái hầu bàn, nở một nụ cười dịu dàng tươi tắn, vỗ vào vai của cô bé và nói: “chuyện nhỏ thôi, không sao đâu”

Nữ hầu bàn vô cùng ngạc nhiên, luống cuống kiểm tra chiếc cặp da của tôi, nói với giọng lúng túng: “Tôi… để tôi đi lấy khăn lau … ”

Không thể ngờ rằng, con gái tôi bỗng nói: “Không sao, mang về nhà rửa là sạch rồi. Chị đi làm việc của chị đi, thật mà, không sao đâu, không cần phải đặt nặng trong tâm đâu ạ.”

Khẩu khí của con gái tôi thật là nhẹ nhàng, cho dù người làm sai là cô hầu bàn.
Tôi trừng mắt nhìn con gái, cảm thấy bản thân mình như một quả khí cầu, bơm đầy khí trong đó, muốn phát nổ nhưng không nổ được, thật là khốn khổ.

Con gái bình tĩnh nói với tôi, dưới ánh đèn sáng lung linh của quán ăn, tôi nhìn thấy rất rõ, con mắt của nó mở to, long lanh như được mạ một lớp nước mắt.

Tối hôm đó, sau khi quay trở về khách sạn, khi hai mẹ con nằm lên giường, nó mới dốc bầu tâm sự:

Con gái tôi phải đi học ở London 3 năm. Để huấn luyện tính tự lập cho nó, tôi và chồng không cho nó về nhà vào kỳ nghỉ, chúng tôi muốn nó tự lập kế hoạch để đi du lịch, đồng thời cũng muốn nó thử trải nghiệm tự đi làm ở Anh Quốc.

Con gái tôi hoạt bát nhanh nhẹn, khi ở nhà, mười đầu ngón tay không phải chạm vào nước, những công việc từ nhỏ tới lớn cũng không đến lượt nó làm. Vậy mà khi rơi vào cuộc sống lạ lẫm tại Anh Quốc, nó lại phải đi làm bồi bàn để thể nghiệm cuộc sống.

Ngày đầu tiên đi làm, nó đã gặp phải rắc rối.

Con gái tôi bị điều đến rửa cốc rượu trong nhà bếp. Ở đó có những chiếc cốc thủy tinh cao chân trong suốt, mỏng như cánh ve, chỉ cần dùng một chút lực nhỏ là có thể khiến chiếc cốc bị vỡ, biến thành một đống vụn thủy tinh.

Con gái tôi thận trọng dè dặt, như bước đi trên băng, không dễ dàng gì mà rửa sạch hết một đống lớn cốc rượu. Vừa mới thả lỏng không chú ý, nó nghiêng người một chút, va vào một chiếc cốc, chiếc cốc liền rơi xuống đất, “xoảng, xoảng” liên tục những âm thanh vang lên. Chiếc cốc hoàn toàn biến thành đống thủy tinh vụn lấp lánh trên mặt đất.

“Mẹ ơi, vào thời khắc đó, con có cảm giác bị rơi xuống địa ngục.” giọng nói của con gái tôi vẫn còn đọng lại sự hồi hộp lo lắng.

“Thế nhưng, mẹ có biết người quản lý ca trực đó phản ứng thế nào không? Cô ấy không hề vội vàng mà bình tĩnh đi tới, kéo con lên và nói: Em gái, em không sao chứ?”

Sau đó, cô ấy quay đầu lại nói với những người khác: Các bạn mau đến giúp cô gái này dọn dẹp sạch đống thủy tinh nhé!

Đối với con, ngay đến cả một chữ nửa câu trách móc cũng không có!”

Lại một lần nữa, khi con rót rượu, không cẩn thận làm đổ rượu vang nho lên chiếc váy trắng của khách, khiến cho chiếc váy trở nên loang lổ.

Cứ tưởng vị khách đó sẽ nổi trận lôi đình, nhưng không ngờ cô ấy lại an ủi con: “không sao đâu, rượu ấy mà, không khó giặt.”

Vừa nói, vừa đứng lên, nhẹ nhàng vỗ vào vai con, từ từ đi vào phòng vệ sinh, không nói toang lên, cũng không làm ầm ĩ, khiến con tròn mắt như con chim yến nhỏ vì quá đỗi ngạc nhiên.

Giọng nói của con gái tôi, mang đầy tình cảm: “Mẹ à, bởi vì người khác có thể tha thứ lỗi lầm của con trước đây, nên mẹ hãy coi những người phạm sai lầm kia như con gái của mẹ, mà tha thứ cho họ nhé!”

Lúc này, không khí trở nên tĩnh lặng như màn đêm, tròng mắt của tôi ướt đẫm lệ…
Tha thứ cho người khác chính là tha thứ cho chính mình. Như tác giả nổi tiếng Andrew Matthews từng viết: “Bạn tha thứ cho mọi người vì chính lợi ích thiết thân của bạn. Nó sẽ làm cho bạn hạnh phúc hơn.”

Bạn thân mến, chúng ta cảm động khi người khác cảm động, điều đó khiến chúng ta có thể thay đổi hành vi và lời nói của chính mình, hãy để những thiện ý này lưu truyền mãi về sau … như thế, mỗi ngày của chúng ta sẽ đều là hạnh phúc và may mắn!

__((()))__





- NHÂN DUYÊN CỦA GIÀU VÀ NGHÈO



Một thời, Thế Tôn ở Sàvatthi, tại tinh xá ông Anàthapindika. Có thanh niên Subha Todeyyaputta đi đến đảnh lễ, bạch Thế Tôn:

Thưa Thế Tôn, do nhân gì, duyên gì giữa loài người với nhau, chúng tôi thấy có người tài sản nhỏ, có người tài sản lớn?

Này Thanh niên, hãy nghe và suy nghĩ kỹ, Ta sẽ nói:

Ở đây, này Thanh niên, có người đàn bà hay người đàng ông không bố thí, cúng dường cho Sa môn hay Bà la môn các đồ ăn uống, y phục, xe cộ, ngọa cụ, y dược, đèn đuốc, nhà cửa….Do nghiệp ấy, sau khi thân hoại mạng chung, bị sanh vào cõi dữ, ác thú và đọa xứ. Nếu được sanh vào loài người, người ấy phải chịu nghèo hèn, có tài sản nhỏ.

Nhưng ở đây, này Thanh niên, có người đàn bà hay đàng ông có bố thí và cúng dường cho Sa môn hay Bà la môn các đồ ăn uống, y phục, xe cộ, ngọa cụ, y dược, đèn đuốc, nhà cửa….Do nghiệp ấy, sau khi thân hoại mạng chung, người ấy được sanh vào thiện thú, thiên giới. Nếu sanh vào loài người, người ấy được giàu sang, có tài sản lớn.

(ĐTKVN, Trung Bộ III, kinh Tiểu nghiệp phân biệt [trích], VNCPHVN ấn hành 1996, tr.478)

Bố thí và cúng dường là nhân lành để kết hoa trái ngọt phước báo giàu sang phú quý trong hiện tại và mai sau. Chính vì vậy, ngày hôm nay nhiều người khá giả, giàu có là nhờ phước báo bố thí và cúng dường. Ngược lại, những người không biết san sẻ và giúp đỡ nên hiện tại rất nghèo hèn, có tài sản ít ỏi dù quanh năm vất vả nhọc nhằn lao nhọc.

Trong các đối tượng thọ nhận bố thí và cúng dường thì các bậc Sa môn, những người tu hành chân chính là xứng đáng nhất. Bởi các vị ấy luôn biết buông xả và giúp đỡ mọi người, họ đã hiến đời mình cho lý tưởng giác ngộ và dấn thân làm cho đạo đời càng thêm tốt đẹp. Các ngài là ruộng phước điền tối thượng để tất cả chúng sinh gieo trồng phước đức để hoàn thiện chính mình.

Tuy nhiên, không vì thế mà người bố thí và cúng dường chỉ hướng đến những vị đạo cao đức trọng mà bỏ quên những người bất hạnh hoặc kẻ nghèo hèn thiếu thốn khó khăn. Chính sự phát tâm bố thí rộng rãi, tùy duyên không phân biệt, không cố chấp mới là người thật tâm bố thí nên hưởng quả báo an vui hạnh phúc ngay tại đây và bây giờ.

Nhiều người vẫn thắc mắc về những hiện thực dường như nhân quả chẳng công bằng tí nào? Những kẻ bất nhân không đạo đức, làm ăn phi pháp, tham nhũng lường gạt tạo nhiều oan trái trong xã hội, nhưng vẫn sống giàu sang, có nhiều thế lực và tài sản lớn hơn người khác.

Chúng ta nên nhớ rằng, sự giàu sang ấy là dư báo những việc làm tốt của họ trong nhiều kiếp về trước, chứ không phải do làm ăn bất chính trong đời này mà có được. Nhân quả mang tính cách ba thời quá khứ hiện tại và vị lai. Đồng thời những người hiền lành, làm ăn lương thiện mà vẫn chịu sự bất hạnh hoặc nghèo đói, thiếu thốn khó khăn là do họ không biết bố thí và cúng dường chứ không phải vì họ sống lương thiện mà bị thua thiệt, đói nghèo.

DMPG

__(())__

- Còn cái gì quý hơn ?


Còn cái gì quý hơn ?

Nước Tống có người nhặt được viên ngọc quý. Anh mang đến biếu quan Tư Thành là Tử Hản. Tử Hản không nhận, người được ngọc cố nài: 

- Bẩm thượng quan, đây là viên ngọc rất quý và hiếm có, ai cũng công nhận điều ấy, xin ngài nhận cho tôi được vui. 

Tử Hản đáp: 
- Chú cho ngọc là quý, còn ta, ta cho tánh không tham là của quý. Chú mang ngọc cho ta nếu ta nhận thì cả hai đều mất cái mà mình cho là quý nhất, chi bằng của quý ai thì người ấy giữ. 

Người được ngọc thưa: 

- Chúng tôi là thường dân mà được ngọc thì dù biết là của quý, nhưng nếu cố giữ thì sẽ thành họa. Vì thế mới mạo muội đến dân lên Ngài. 

Tử Hản bèn gọi thợ ngọc đến bán dùm viên ngọc. Xong ông trao tiền cho người được ngọc mang về. 

_ Tổ Bát Nhã Ba La được nhà vua dâng cúng một hạt bảo châu vô giá. Vua có ba vị hoàng tử. Tổ cầm ngọc hỏi các vị hoàng tử rằng: 

- Trên thế gian này còn cái gì quý hơn viên ngọc này không? 
Hay vị hoàng tử lớn đều đồng ý nhau rằng viên ngọc là quý nhất. Duy có vị hoàng tử út thưa: 

- Bạch thầy còn có một thứ quý hơn nữa đó là trí tuệ!

- Làm sao chứng minh được điều đó?
- Thưa, viên ngọc này chỉ là một vật vô tri, nó không thể tự xác định là quý hay tiện. Phải nhờ trí huệ của loài người nhận định, nó mới trở thành một viên bảo châu vô giá, bằng không, nó chẳng hơn một hòn sỏi. 

Tổ khen nhận. Về sau vị hoàng tử thông minh này xuất gia. 
Đó chính là Tổ Bồ Đề Đạt Ma.

Em thân mến! 

Với thế nhân “của quý” là ngũ dục, tức là tiền tài, sắc đẹp, danh vọng, ăn ngon, ngủ kỹ. Kẻ sĩ biết đạo thì cho “của quý” là những đức tánh như không tham, không sân... Riêng tăng đồ nhà Phật thì quý nhất là trí huệ. Chính nhờ có trí huệ soi thấu bản chất của vạn hữu mà chúng ta mới biết được tánh chất vô thường, huyễn ảo của ngũ dục. Cũng nhờ trí huệ mà chúng ta hiểu ra rằng thiện ác, tốt xấu, thị phi... chỉ là những phân chia giả định của loài người. Và cũng chính trí huệ là cái bền vững còn lại giữa thế gian vô thường sinh diệt này. Có lẽ vì thế mà trong kinh điển nhà Phật thường nhắc đi nhắc lại rằng: “Duy tuệ thị nghiệp” nghĩa là: “Chỉ có trí tuệ là sự nghiệp” chăng?

HƯ HƯ LỤC

__(())__


- Hãy buông xả tự nhiên



Hãy buông xả tự nhiên

Thiền sư Suzuki có lời dạy như vầy cho các thiền sinh của ông,

“Đôi khi phương pháp hữu hiệu nhất để điều khiển một việc gì là để cho nó được tự nhiên. Và lúc ấy sự việc sẽ nằm dưới sự kiểm soát của ta, theo một nghĩa rộng. Cũng như muốn kiểm soát một con cừu hay một con bò, bạn hãy thả nó vào một cánh đồng cỏ rộng bao la. Làm ngơ không biết đến là một phương pháp tệ hại nhất, và kế đến là cố gắng điều khiển chúng. Chỉ có phương cách hữu hiệu nhất là thấy biết chúng, ta chỉ cần thấy biết thôi, và không cần phải điều khiển một việc gì hết.”

Và thiền sư Suzuki cũng khuyên chúng ta nên áp dụng thái độ ấy vào việc ngồi thiền của mình. Nếu lần tới trong giờ thiền tập, thay vì cố gắng công phu “làm” một cái gì đó, hoặc “điều khiển” tâm ý theo một phương cách nào đó, bạn hãy thử ngồi yên thư giãn và buông xả. Hãy ngồi trọn vẹn tỉnh thức và cảm nhận rõ hết tất cả, toàn thân như thế nào thì thấy như vậy. Cảm nhận một cách tự nhiên, không cố gắng, không mong cầu gì khác.

Ta cũng không cần tìm kiếm một phương cách nhất định nào, chỉ trở về với sự thấy biết tự nhiên của mình. Ta ngồi với một sơ tâm trong sáng, những gì xảy ra thì xảy ra.

Vì thiền tập không phải để ta “quán chiếu” một vấn đề nào, mà là để yên và thấy rõ được sự đến và đi tự nhiên của những gì đang có mặt.

__(())__

- THƯỚC ĐO NGƯỜI TU


THƯỚC ĐO NGƯỜI TU 


Nhiều người tu lâu năm, thường đi chùa, ăn chay, ngồi thiền, niệm Phật, làm công quả, theo học giáo lý với nhiều thầy nổi tiếng, nhưng bấy nhiêu đó có đủ để chứng minh là người này tu khá, tu đúng và đưa đến giải thoát hay không?

Cũng có những người tu chỉ thích đến chùa làm công quả, hoặc thích tạo chùa to, tượng lớn. Có người thích nhiều chùa, đông đệ tử. Có người thích học lấy nhiều bằng cấp thế gian. Có người thích nổi tiếng, v.v... Những cái đó có phải là tu không?

Sau đây là những tiêu chuẩn tối thiểu và căn bản để nhận xét một người tu đúng hay không?

1. Còn ham thích tài sản, danh lợi và sắc dục hay không?

2. Còn dễ nổi sân hay không? Khi gặp chuyện trái ý thì có giận dữ, bực tức hay không?

3. Còn kiêu căng ngã mạn hay không? Còn thích khoe khoang, điều khiển kẻ khác không? Còn thích được khen ngợi, được tâng bốc hay không?

4. Còn chấp vào Đạo của tôi, thầy tôi hay pháp môn của tôi là hay hơn hết? Còn có cái tâm hẹp hòi, ưa chia rẽ, bè phái, chỉ trích vu khống, chụp mũ người khác không?

Nếu còn 4 điều trên thì dù đã tu 30, 40 năm, ngồi thiền nhập định 6, 7 tháng, tu đủ loại pháp môn Thiền, Tịnh, Mật, tụng làu làu đủ loại kinh chú, có hàng ngàn đệ tử, viết hàng trăm cuốn sách, người này vẫn chưa tu đúng theo đạo Phật!

Ngoài ra, một người tu còn cần phải có ít nhất những đức tính sau đây:

1. Biết làm phước, bố thí:
Có những người học (đọc) nhiều kinh sách, hiểu biết giáo lý, nói đạo rất hay, nhưng không biết làm phước, bố thí, mà lại keo kiệt, bỏn sẻn, bo bo bám chặt vào tài sản, tiền bạc của mình.

2. Nói lời ái ngữ:
Có người theo học đạo lâu năm mà không giữ gìn khẩu nghiệp, ăn nói xả láng, chê bai, chỉ trích, vu khống, bịa đặt, phỉ báng kẻ khác.

3. Từ, Bi, Hỷ, Xả:
Thiếu 4 đức tính này thì không phải là kẻ tu hành!

4. Khiêm cung và lễ độ:
Càng tu thì cái ngã phải nhỏ dần và biết cung kính tôn trọng kẻkhác, nhất là các bậc trưởng thượng. Hãy nhìn vào các phiên họp Đạo, các giao tế cộng đồng thì thấy rõ nhất.

Nếu chưa có những đức tính này thì cũng gọi là chưa biết tu hoặc tu chưa đủ để sửa đổi tâm tánh.

Hãy tự xét lại, nhìn lại mình xem, mình đạt đến đâu để dừng lại sửa ngay sơ sót, kẽo uổng phí một kiếp người may mắn có Đạo. 

Thích Trí Siêu 

__(())__