Tuesday 6 November 2012


- Vì sự an lạc mà Ngài Xuyên Thiền Sư làm bài tụng như sau:

Kiến sắc phi can sắc
Văn thinh bất thị thinh
Sắc thinh vô ngại xứ
Thân đáo pháp vương thành

Nghĩa là:

Thấy sắc không mê sắc
Nghe tiếng chẳng nhiễm tiếng
Sắc tiếng đều không ngại
Mới đến Pháp vương thành.

Ý Ngài Xuyên Thiền Sư là mỗi khi lục căn tiếp xúc với lục trần mà tâm không khởi vọng niệm phân biệt, nhiễm ô nơi trần cảnh thì chúng ta sẽ được vào cảnh giới Phật.

__(())__

- Thành Tựu Cho Tha Nhân Tức Thành Tựu Chính Mình.



Bác dê nâu năm nào cũng trồng được những cây ngô rất tốt. Năm nào bác cũng mang ngô ra chợ và luôn đứng đầu về chất lượng. Thu nhập năm sau luôn cao hơn năm trước nên đàn con bác đều được ăn học chu đáo. Lợn, gà, chó… cho rằng bác dê nâu có bí quyết đặc biệt. Họ liền bí mật theo dõi thì phát hiện ra rằng bác dê luôn chia sẻ những hạt giống ngô tốt nhất của mình cho những ai trồng ngô ở trong vùng. Chó đốm đến gặp bác dê, nêu thắc mắc:

- Này bác dê, sao bác lại chia những hạt giống tốt nhất đi, bác không nghĩ đến việc người ta đang cạnh tranh về chất lượng ngô với bác à?
- Cháu chưa biết đấy thôi, vì gió luôn thổi phấn hoa và cuốn chúng từ vùng này sang vùng khác. Nếu những ai sống xung quanh đây chỉ trồng những cây ngô có chất lượng kém thì việc thụ phấn do gió sẽ làm giảm chất lượng ngô của chính cánh đồng của bác.

- À…Thế tức là nếu bác muốn trồng được những cây ngô tốt thì bác cũng phải giúp những người xung quanh trồng được những cây ngô tốt đã, phải không bác?

- Đúng thế, cháu ạ!

BÌNH: Hãy tin tuyệt đối vào luật nhân quả.
Bạn muốn được thành công và hạnh phúc thì bạn phải giúp những người quanh mình thành công và hạnh phúc, vì giá trị cuộc sống của bạn được đo bằng những cuộc sống mà bạn đồng cảm và chia sẻ.

__(())__

- LỜI NÓI THIỆN THUYẾT


Nam mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật

LỜI NÓI THIỆN THUYẾT

Thành tựu năm chi phần, này các Tỷ-kheo, các lời nói là thiện thuyết, không phải ác thuyết, không có phạm tội và không bị những người có trí chỉ trích. Thế nào là năm?

1. Nói đúng thời;
2. Nói đúng sự thật;
3. Nói lời nhu hòa;
4. Nói lời đưa đến lợi ích;
5. Nói với lời từ tâm.

Thành tựu năm chi phần, này các Tỷ-kheo, các lời là thiện thuyết, không phải ác thuyết, không có phạm tội và không bị những người có trí chỉ trích.

(Tăng Chi Bộ Kinh, Chương Năm Pháp, Phẩm Bà-la-môn)

___(())___


- Mình hỏi thật nhé, khi nào thì bạn sẽ thôi mài miệt kiếm tiền? và có bao nhiêu tiền sẽ đủ (tiền muôn, tiền triệu hay mấy chục triệu)?

Nào, ngẫm xem, dù bạn có cả 1000 mẫu ruộng tốt, bạn cũng chỉ ăn khoảng 3 lon gạo mỗi ngày; dù bạn có cả 1000 dinh thự, bạn cũng chỉ cần 1 chỗ rộng chừng 8 mét vuông để ngủ nghỉ ban đêm?

- Vậy nếu giờ này bạn có đủ thức ăn và có đủ tiền tiêu là tốt rồi, hãy nên sống cho thư thả và vui vẻ. Mỗi gia đình đều có chuyện buồn phiền riêng. Đừng so sánh với người khác về danh vọng và địa vị trong xã hội và con ai thành đạt hơn, mà bạn hãy so sánh với chính bạn về hạnh phúc, sức khỏe và tuổi thọ…

Ôi! '' Cuộc đời đó có bao lâu mà hững hờờờ...''

__(())__

- Kiến thức và trí tuệ ?


SƯ HUYNH ĐI ĐÂU?

Sư đệ gặp sư huynh trên đường, hỏi:

- Sư huynh đi đâu vậy?

Sư huynh đáp:

- Gió đi đâu, ta đi đó.

Sư đệ hết biết nói sao, trở về hỏi sư phụ. Sư phụ bảo:

- Lần sau con hỏi tiếp sư huynh, gió đi rồi thì sư huynh đi đâu.

Sư đệ nhớ lấy lời ấy. Ngày hôm sau, lại gặp sư huynh trên đường, hỏi:

Sư huynh đi đâu vậy?

Sư huynh đáp:

- Chân đi đâu thì ta đi đó.

Sư đệ lại chẳng biết nói thế nào. Trở về hỏi sư phụ, sư phụ bảo:

- Lần sau con hỏi tiếp sư huynh, chân mỏi rồi thì sư huynh đi đâu.

Ngày thứ ba, sư đệ lại gặp sư huynh, hỏi:

- Sư huynh, sư huynh đi đâu vậy?

Sư huynh mỉm cười, giơ cái giỏ trong tay lên, đáp:

Ta đi mua rau!

BÌNH:

KIẾN THỨC là cái vay mượn từ bên ngoài khiến ta thành nô lệ tư tưởng người khác.

TRÍ TUỆ là trực giác bén nhạy lưu xuất từ cõi tâm, sống động và ứng biến kịp thời.(*____*)

__(())__


- Pháp Ngữ Của Hòa Thượng Tuyên Hóa



- Giải thoát tức là bạn tốt nghiệp nơi vòng giới luật.
Cũng là tốt nghiệp khỏi vòng phiền não.
Cũng là tốt nghiệp khỏi vòng vô minh.

- Bản thể của Pháp là Không,
do đó bạn không nên chấp trước vào pháp.
Nên nếu bạn đối với pháp mà không thể nhìn suốt
rồi buông bỏ thì bạn vẫn chưa được tự tại.

- Nếu bạn có thể nhẫn dục (nhẫn nhịn không khởi dục vọng):
Ðó tức là trì giới. Chẳng thể nhẫn dục thì chẳng phải trì giới.

- Tôi biết được điều gì?

Tôi biết thế nào là chịu thua thiệt, không chiếm tiện nghi.
Nếu bạn thật sự hiểu rõ thì bạn sẽ biết rằng:
Chịu thua thiệt chính là được tiện nghi (thắng thế),
mà chiếm tiện nghi (giành hơn, giành thắng) chính là bị thua thiệt.

- Người học Phật chớ nên hễ nghe người ta khen là vui vẻ cao hứng lắm.
Nghe một câu không vừa ý thì phiền não vô cùng.
Ðó là biểu hiện chẳng có định lực.
Có định lực thì bạn không bị cảnh giới của tám gió làm lay chuyển.

__(())__


- BỎ XUỐNG !...


BỎ XUỐNG !...

Khi Phật còn tại thế, có một vị Bà la môn tên Hắc Chỉ hai tay mang hai chiếc bình hoa đến ra mắt.

Phật thấy vậy nói : “ Bỏ xuống !”

Hắc Chỉ đặt chiếc bình bên tay trái xuống.

Phật lại nói : “ Bỏ xuống !”

Hắc Chỉ đặt chiếc bình bên tay phải xuống, nhưng Phật vẫn nói : "Bỏ xuống!"

Hắc Chỉ ngạc nhiên nói : “ Có hai chiếc bình hoa, tôi đã bỏ hết, chỉ còn hai tay không, đâu còn gì để bỏ xuống nữa. Xin hỏi đức Thế tôn bảo tôi bỏ cái gì ?”

Phật nói :

“ Ta hòan tòan không bảo ngươi bỏ hai chiếc bình hoa kia xuống. Cái ta bảo ngươi bỏ xuống là bỏ cái lòng tự đắc, cái tâm kiêu ngạo, là lục trần lục thức của ngươi kia. Khi ngươi buông bỏ tất cả những thứ ấy xuống, lúc ấy ngươi mới giải thóat khỏi xiềng xích sinh tử”.

__(())__


- VỊ THIỀN SƯ VÀ BA ĐỆ TỬ


VỊ THIỀN SƯ VÀ BA ĐỆ TỬ

Có một thiền sư muốn thử tài thông minh của ba đệ tử đã dùng cách như sau: trao cho ba đệ tử mỗi người một trăm đồng, bảo họ dùng một trăm đồng ấy đi mua bất cứ thứ gì mà họ muốn, rồi đem thứ đó đựng sao cho đầy một nhà kho lớn.

Đệ tử thứ nhất suy nghĩ rất lâu, sau đó quyết định dùng một trăm đồng ấy mua rơm rạ, cho là rẻ nhất, nhưng rơm rạ đem về vẫn không chứa đầy một nửa của nhà kho.

Đệ tử thứ hai có vẻ thông minh hơn một tí, dùng một trăm đồng ấy mua giấy vệ sinh, rồi đem giấy vệ sinh mở tung ra hy vọng có thể đựng đầy nhà kho. Nhưng dù cố gắng đến mấy, cũng chỉ đựng không đến hai phần ba nhà kho.

Người đệ tử thứ ba đợi hai người kia làm xong, bèn mời thiền sư cùng vào trong nhà kho, đóng cửa lại. Trong nhà kho tối om. Lúc này, anh ta mới lấy từ trong túi áo ra một hộp diêm mua không quá một đồng, thắp vào một ngọn nến nhỏ cũng không quá một đồng. Lập tức, ánh nến tỏa khắp nhà kho. Ánh nến tuy yếu ớt nhưng lại ấm áp, chan hòa...

Bình: - Vật chất hữu hạn. Trí Tuệ vô biên.
Bởi rứa mà nhà Phật có câu:
'' Duy Tuệ thị Nghiệp '' (Lấy Trí Tuệ làm sự nghiệp)

Namo Buddhaya

__(())__


- Tự biết mình


Tự biết mình

Triết gia Socrate có câu nói trứ danh: “Hãy tự biết mình.”
Quả thật, con người hôm nay hiểu biết rất nhiều thứ. Tuy nhiên, người ta thường không hiểu biết về chính mình. Nhiều người sống nhưng không tìm ra ý nghĩa cho cuộc sống. Nhiều người không biết mình đang muốn cái gì, sống để làm gì?

Vì thế, đi tìm chính mình nghĩa là trở về với sự thật sâu thẳm lòng mình. Dám nghĩ và dám sống thật với con người của mình. Đó là hành trình đi tìm chính mình. Danh ngôn có câu: “Biết người biết ta. Trăm trận trăm thắng.”

Biết rõ chính mình là một sự thành công lớn trong đời ta.

Thế nhưng, dòng chảy cuộc sống hôm nay luôn cuốn hút ta dính mắc bởi nhiều thứ. Nào là những dính mắc tình cảm. Nào là những dính mắc quyền lực và tiền tài. Dính mắc những thú vui thế thái nhân tình. (dính mắc vào FB (*___*)) - Càng dính mắc nhiều vào những thứ như thế, chúng ta càng dễ đánh mất chính mình.

Người đời nhớ ái dục,
Ưa thích các hỷ lạc.
Tuy mong cầu an lạc,
Chúng vẫn phải sanh già.

Người bị Ái buộc ràng,
Vùng vẫy và hoảng sợ,
Như thỏ bị sa lưới.
Chúng sanh ái trói buộc,
Chịu khổ đau dài dài ..
(Kinh Pháp Cú kệ 341 & 342)

Namo Buddhaya

__(())__




- Làm thế nào tôi có thể mỉm cười khi lòng tôi tràn ngập nỗi buồn?


Chỉ biết đau khổ thôi thì không đủ.
Cuộc sống tuy đáng sợ những cũng có cả tuyệt vời...
Làm thế nào tôi có thể mỉm cười khi lòng tôi tràn ngập nỗi buồn?
Đó là tự nhiên thôi 
- Bạn cần phải mỉm cười với nỗi buồn của mình bởi vì bạn đâu phải chỉ là nỗi buồn ấy. 

Thich Nhat Hanh

GOOD MORNING - HAVE A NICE DAY TO ALL

__(())__



- Đừng


Đừng hứa khi đang vui
Đừng quyết định khi đang buồn,
Đừng trả lời khi đang nóng giận,
Đừng cười khi người khác không vui,
Đừng a tòng ghen ghét ai đó,
khi mà họ chẳng có lỗi gì với ta.

- Vì sao dừng như thế? Đơn giản là vì những lúc đó tâm ta không bình thường
Hành xử ngay lúc đó là gây NHÂN không bình thường, nhân không bình thường ắt hẳn sẽ đưa đến hậu QUẢ bất thường và.. khôn lường..

Mô Bụt

__(())__


- A Precious Human Life



Mỗi ngày khi vừa thức giấc,
Hãy nghĩ rằng
May mắn thay hôm nay,
Tôi đã thức dậy,
Thấy mình vẫn còn sống,
Vẫn giữ được sự sống quý giá của con người.
Tôi nguyện sẽ không phung phí sự sống đó,
Mà sẽ tận dụng mọi sinh lực để biến cải chính tôi,
Và mở rộng tim tôi với tất cả mọi người,
Nhằm giúp tôi đạt được giác ngộ,
Hầu mang lại lợi ích cho tất cả chúng sinh.
Tôi sẽ cố gắng phát động tâm từ hướng vào kẻ khác,
Sẽ không để cho bất cứ một sự giận dữ nào
có thể bùng lên trong tôi,
Cũng không nghĩ đến
những điều xấu về kẻ khác.
Với tất cả khả năng mình,
Tôi sẽ ra sức mang lại những điều tốt lành
cho tất cả.
Lời dạy của Đức Đạt-lai Lạt-ma thứ XIV
HAVE A NICE DAY TO ALL !!
__(())__

- Viết cho người tình lỡ...



Viết cho người tình lỡ... (*___*)

Khi chúng ta yêu ai đó, họ cũng chỉ là một trong số bao con người, chỉ là khi yêu, trong tâm trí chúng ta chỉ hướng về người đó, nên cảm thấy người đó nổi trội hơn cả, nhưng khi hòa vào dòng người, họ cũng như bao người khác, cũng chỉ là một trong số những người không quen của chúng ta.

Nếu người ta không yêu bạn, bạn cũng nên nhớ: Tình yêu chỉ là suy nghĩ chủ quan, vì bạn tập trung sự chú ý đến người ta quá nhiều, hãy thử nhìn xa hơn, bạn sẽ thấy rất nhiều ngọn nến cũng sáng không kém đâu!

Thiên hạ mênh mông, nỗi khổ của bạn bắt nguồn từ khi bạn gom sự chú ý đến một người rồi gắn cái nhìn theo bước chân của họ. Đây chính là điều Phật dạy trong 12 Nhân Duyên, từ Xúc duyên Thọ, từ Thọ duyên Ái, từ Ái duyên Thủ. Mà ở đời, hễ chấp thủ có mặt nơi đâu thì lập tức khổ đau theo sau liền đến đó.

__(())__

- HẠNH PHÚC LÀ KHI..


HẠNH PHÚC LÀ KHI..

- Đừng chạy theo cái gì quá hoàn chỉnh và cũng đừng ép bản thân phải trở nên quá hoàn hảo,
yêu thương vừa đủ,
ấm áp vừa đủ, 
quan tâm vừa đủ
và đến với nhau vừa đủ có lẽ sẽ hạnh phúc hơn.

Và hạnh phúc chẳng nằm ở đâu xa, nó nằm ngay trong trái tim của chính ta, khi bản thân chông chênh mệt mỏi, hãy đặt tay lên tim và tự nỏi “Rồi mọi thứ sẽ ổn”.

Khi nối buồn xâm chiếm tâm trí và cô đơn thống trị lấn át hạnh phúc, hãy tìm một khoảng không gian riêng hòa mình với thiên nhiên, ăn những món ăn tinh khiết và tự nói với lòng “Hết hôm nay thôi nhé, ngày mai ta sẽ lại mỉm cười”.

Đừng gắng gượng, hãy đối diện và tìm cách giải tỏa nỗi buồn và mang hạnh phúc quay về.

Hạnh phúc của ta nên tự ta xây lấy, đừng chạy theo người khác để thỏa mãn lòng họ và mang về thứ hạnh phúc ảo sẽ chết theo thời gian.

__(())__



- xung đột mâu thuẫn



Sự xung đột mâu thuẫn thường sảy ra trong cõi đời là khi con người cố tình áp đặt lý tưởng hay ý kiến của mình lên người khác. Gẫm cho cùng, càng đánh giá, càng phán xét tha nhân càng khiến ta cô đơn chứ chẳng mang lại điều gì lợi ích? Bạn không muốn ai thay đổi bạn thế thì tại sao bạn lại muốn thay đổi họ? Hãy nhớ rằng vẻ mặt của cuộc đời nhìn bạn sẽ giống như khi bạn soi gương, nụ cười của người trong gương tùy thuộc nơi nụ cười của người đứng trước nó.

(*____*)

Kí tên
Sư xứ Cà ri
 

- Sự Phát Triển Của Trí Tuệ


Namo Buddhaya 

Sự Phát Triển Của Trí Tuệ 

Nầy các Tỳ Kheo, có bốn điều ích lợi cho sự phát triển của trí tuệ.
Bốn điều nầy là bốn điều gì?

1, Thân cận với những vị Thiện Tri Thức,
2, lắng nghe những bài giảng tốt đẹp về Phật Pháp,
3, chú tâm đúng đắn,
4, và thực hành Giáo Pháp.

Đây là bốn điều ích lợi cho sự phát triển của trí tuệ.
[Đây cũng là bốn điều kiện cần phải có để giúp người tu hành đạt được quả Nhập Lưu (còn tái sinh từ 1 đến 7 lần vào cõi dục giới).]

Bốn điều trên cũng là sự trợ giúp lớn lao cho con người.
-----------------------------------
(The Growth Of Wisdom, Anguttara Nikaya - Translated by Nyanaponika Thera & Bhikkhu Bodhi - Source: www.bps.lk)

(Kinh Tăng Chi Bộ)

- Tâm ngôn


.. Có những người mắc bịnh, luôn luôn nói lãi nhãi. Chúng ta gọi họ là điên khùng. Nhưng hãy công bằng mà xét, tâm của chúng ta cũng luôn luôn nói năng, luôn luôn có nhận định, đối thoại, suy xét, đánh giá...trong tâm. Tâm của chúng ta cũng luôn luôn "lải nhải", chỉ khác kẻ điên kia ở chỗ nó không phát ra tiếng. Ta hãy gọi tiếng nói trong tâm đó là tâm ngôn.

Nếu khéo quan sát ta sẽ thấy tâm ngôn hay "bàn" về quá khứ.
Nó ưa lôi chuyện quá khứ ra để thẩm định, khen chê. Thỉnh thoảng nó cũng suy tư về tương lai, từ chuyện ngày mai mình đi chơi ở đâu đến chuyện thế kỷ sau điều gi sẽ xảy ra cho nhân loại. Nhưng khi nói chuyện tương lai, tâm ngôn luôn luôn dựa trên kinh nghiệm của quá khứ, từ những cái đã biết. Nói về chuyện tương lai như học hành cho con cái hay xây dựng hạnh phúc cho chính mình, tâm ngôn phải lấy những chuẩn mực đã biết để hoạch định.

Do đó, tâm ngôn luôn luôn bị quá khứ ràng buộc. Vì lẽ đó Krishnamurti nói tâm chúng ta "bị quá khứ qui định". Govinda ví tâm chúng ta như người ngồi ngược chiều hướng xe chạy, anh ta chỉ thấy biết những gì đã trôi ra đằng sau. Hầu như lúc nào đầu óc của chúng ta cũng bị quá khứ phủ kín.

Thế thì phải chăng tâm ta lúc nào cũng đầy ngập tâm ngôn? Có lúc nào nào tâm ngôn ngưng bặt không?

Có, nhưng rất ngắn, ngắn đến mức chúng ta không nhận biết. Đó là một vài khoảnh khắc trước cảnh đẹp của hoa lá và thiên nhiên, một thoáng chú tâm khi xúc chạm với sự vật, một phút xuất thần trong sáng tạo nghệ thuật và khoa học, một giây tập trung tỉnh giác trong hoạt động thể lực, một ý nghĩ hồn nhiên của trẻ con.

Đó là những lúc tâm trí còn tinh khôi, nó vận hành hồn nhiên và không bị qui định.

Namo Buddhaya

__(())__

Monday 5 November 2012

- Lòng Đầy Giếng Vơi.


Lòng Đầy Giếng Vơi.

Một vị thiền sư đi ngao du thiên hạ, khi đến một vùng núi nọ thì bị ốm
nặng. Ông được một bà goá là chủ quán trà cứu và đưa về nhà chăm sóc.
Mặc dù không biết tung tích vị thiền sư, quán nghèo thưa thớt khách,
không có tiền nhưng người phụ nữ vẫn tận tình chăm sóc và cứu chữa cho
ông.

Hơn 3 tháng ròng vị thiền sư mới bình phục. Cảm động ân tình của bà
chủ quán, vị thiền sư trước khi rời đi dành một tuần liền để đào một
cái giếng cạnh quán cho bà goá tiện dùng nước, không phải ra tận suối
gánh nữa.

Không ngờ, từ khi dùng nước giếng mà vị thiền sư đã đào để pha trà
bán, trà của bà goá có mùi thơm thật đặc biệt và vị của trà cũng rất
ngon. Ai uống một lần cũng phải quay lại. Tiếng lành đồn xa, quán trà
của bà goá khách đến đông nườm nượp. Người đàn bà goá trở nên giàu có
từ đó.

Ít lâu sau, vị thiền sư có dịp ghé qua quán để thăm lại ân nhân của
mình, thấy cơ ngơi khang trang, vị thiền sư rất mừng cho bà goá. Khi
hỏi về giếng nước, bà goá than phiền với thiền sư: “Giếng nước này tốt
lắm, có điều nước cạn liên tục, vài ngày mới lại đầy nên tôi chẳng bao
giờ đủ để bán cho khách”. Vị thiền sư nghe xong lắc đầu, nói: “Không
tốn kém gì cả, từ nguồn nước trời cho rồi kiếm ra nhiều tiền mà bà vẫn
không thấy hài lòng ư?” .

Ông viết lên tường một câu: “Trời đất bao la nhưng lòng tham của con
người còn mênh mông hơn thế!” rồi lẳng lặng quay đi, không bao giờ
quay trở lại quán nữa. Giếng nước từ ấy cũng cạn dần.

- Chúng ta phần lớn giống như bà goá kia, không bao giờ hài lòng với cái
mình có mà thường đứng núi này trông núi nọ. Chúng ta thường hay so
sánh, hay mong ước viển vông mà quên vui hưởng hiện tại của mình.

Hãy nhìn lại để thấy mình đã được may mắn hơn bao nhiêu người chẳng có gì, để biết vui sống, để bớt “lòng tham”, để không phải hối hận về sau.

TN

__(())__

- BÍ QUYẾT MẠNH KHOẺ SỐNG LÂU


BÍ QUYẾT MẠNH KHOẺ SỐNG LÂU

Mỗi ngày nhiều lượt chải đầu.
Lưu thông khí huyết, nhớ lâu, giảm phiền.

Thường xuyên xát huyệt dũng tuyền (giữa lòng bàn chân).
Chữa được nhiều bệnh càng yên nỗi lòng.

Nuốt nước bọt tưởng lạ lùng.
Nước thần tiêu độc diệt trùng thật hay.

Xoa bụng dưới rốn hàng ngày.
Tiểu đường, tim mạch,dạ dày bớt đau.

Hai hàm răng đánh vào nhau.
Chắc cơ răng khoẻ dài lâu đẹp bền.

Muốn thẳng cột sống dướn mình.
Tinh thần phấn chấn, ngoại hình đẹp thêm.

Kéo tai nhiều lượt mỗi bên,
Vòng tay sang kéo lên trên đỉnh đầu.

Co thắt hậu môn giảm đau,
Bệnh trĩ viêm ruột nhắc nhau nên làm.

Bác Sỹ Đông Y THÀNH TÂM

__(())__

- Hạnh phúc đích thực có được từ sự biết hài lòng và hòa bình nội tại. 
Sự hài lòng và hòa bình nội tại chỉ có thể đạt được thông qua sự phát triển tinh thần vị tha về tình thương, từ bi và sự diệt trừ vô minh, ích kỷ và tham lam. 

( True happiness comes from a sense of inner peace and contentment, 
which in turn must be achieved through the cultivation of altruism,
of love and compassion and elimination of ignorance, selfishness and greed ).
Dalai Lama

GOOD NIGHT CA CHUA`

___(())____

- không tu - có tu



Không Tu- Nghiệp quản thúc Tâm
Có Tu - Tâm quản thúc Nghiệp.
Không Tu- Vọng làm chủ Tâm
Có Tu- Tâm làm chủ Vọng.

Namo Buddhaya

GO0D NITE CẢ CHÙA.

___(())___

- ĐỪNG HƯỞNG HẾT PHƯỚC BÁU !!!



ĐỪNG HƯỞNG HẾT PHƯỚC BÁU !!!

Bạn đang nghèo ư ..?
Bạn đang kém phước. Bạn muốn thay đổi số phận..?
Bạn đang giàu có...? ...
Bạn có nhiều phước báu. Bạn có giàu có suốt đời..?

Có 1 lời khuyên:

Bạn đừng hưởng hết phước báu, bạn hãy tích phước và kiệm phước..!!!
Tôi có quen một "thầy bói" rất nổi tiếng. Thầy nói với tôi, trong mấy chục năm xem số cho người, phàm những ai giàu sớm thì thường chết sớm hoặc cuối đời không đâu vào đâu cả. Khi đó tôi không hiểu vì sao, hỏi thầy, thầy cười bảo :" Trẻ nó sướng, cái gì trên đời nó cũng hưởng hết rồi mà ko tạo ra được phước mới, còn gì nữa mà không chết sớm hay khổ cực cuối đời."

Sau này tôi mới nghiệm ra, quả vậy, đàn ông có tiền thì thường sa đọa, nhất là những người trẻ. Vì có tiền trong tay khi còn trẻ, đàn ông thường tìm đến nghien ngap, rượu và gái. Tuyệt đối không nằm ngoài hai thứ này, chúng nó luôn đi cùng với nhau, gái rượu rượu gái, 1 đôi bạn thân. Rượu và gái không chỉ cướp đi sức khỏe mà nó còn cướp đi cả hạnh phúc gia đình và sự nghiệp đang thăng tiến. Thử nhìn lại xem bao nhiêu quan chức trong và ngoài nước bị bắt, bị thất thế, bị khống chế đều "vì gái quên thân". Bao nhiêu gia đình hạnh phúc cũng tan nát đều "vì dâm phục vụ". Trong phạm trù nhà Phật mà nói, đó gọi là tự đánh mất phước báu của mình.

"Đại phú do trời, tiểu phú do cần", có người sinh ra trong nhung lụa, có người mở mắt đã là ăn xin, khi sinh ra con người chẳng thể chọn được. Đó là phước báu. Phước báu có tuần hoàn, có tăng trưởng và có tiêu diệt. Vậy làm thế nào để phước báu được tăng trưởng?

Bill Gates biết làm từ thiện ngay khi kiếm được những đồng đô la đầu tiên từ phần mềm. Khi tài sản chưa là gì so với giới tỷ phú Mỹ, Bill đã nổi tiếng với việc làm từ thiện chuyên cần, không dùng đồ sa sỉ và tiệc tùng nhậu nhẹt. Đến nay tài sản của Bill tăng dần từ vài tỷ lên đến hơn cả 100 tỷ USD, không một ai vượt qua được Bill trong suốt vài thập kỷ qua. Và ông vẫn tiếp tục làm từ thiện đều đều.
Còn ai có phước báu lớn hơn những ông hoàng, bà chúa thời phong kiến khi xưa. Nhưng tại sao hầu hết các triều đại phong kiến đều kết thúc với những cái chết nhục nhã, lẩn trốn và kiệt quệ. Bởi vì hầu hết các triều đại vua chúa, cuối cùng đều đắm chìm trong rượu và gái.

Có thể còn đó những nguyên nhân khác nữa nhưng tựu chung lại nói rằng khi đó phước báu đã hưởng hết rồi! Ngay như cá nhân tôi cũng từng chứng kiến nhiều gia đình bè bạn là đại gia, thậm chí từng là nguyên thủ quốc gia, cũng không có ăn chơi sa đọa nhưng đến cuối đời cũng rơi vào cảnh túng quẫn bần hàn. Bởi vì phước báu họ đã hưởng hết mà không biết cách chăm sóc, vun trồng tạo ra phước báu mới... Trong cuộc khủng hoảng kinh tế vừa qua biết bao đại gia đã thành kẻ không nhà, đời người chỉ trong một chớp mắt, tất cả đã thành bình địa.

Khi xưa Phật dạy con người để giữ được phước báu, tài sản ta kiếm được thì hãy chia thành 4 phần:

Một phần để sử dụng hàng ngày, sinh hoạt, kinh doanh.
Một phần để dự trữ phòng khi bất trắc.
Một phần để giúp đỡ bà con quyến thuộc, người nhà.
Và một phần để làm từ thiện, công đức.

Như vậy có tới 2 phần là để làm từ thiện, để cho đi. Không biết tay Bill Gates có phải là Phật tử không mà lại làm đúng như vậy. Điều ngược đời là muốn giữ được phước báu thì lại phải cho đi thật nhiều, chứ không giống như quan điểm của đại đa số người đời là anh muốn ôm cả đất, anh muốn ôm cả trời.

Tôi có mấy người bạn họ luôn luôn sẵn sàng làm từ thiện mọi lúc mọi nơi. Nhưng dù rằng còn rất khó khăn trong kinh tế nhưng luôn tự nhủ mỗi năm phải là từ thiện ít nhất là 50 triệu. Tôi tin rằng trong tương lai họ sẽ thành công, họ sẽ là đại gia, ngay bây giờ, họ đã là đại gia trong lòng tôi. Những người này tại sao gương mặt họ luôn bừng sáng, thanh thản và hạnh phúc đến vậy.

Làm người.. sợ nhất là hưởng hết phước báu mà không tạo ra phước mới. Muốn nhận được thì trước tiên bạn hãy học cách cho đi. Mà không cần có tiền và giàu có mới cho đi và bố thí. Ta không có tiền thì bố thí lời nói, trí tuệ, hành động.....!share cũng là đã bố thí pháp cho mọi người đấy , công đức và phước báu cũng không nhỏ mọi người nhé..!

Trích từ tập Sách: NHỮNG CHUYỆN VỀ LUÂN HỒI - NHÂN QUẢ - NGHIỆP BÁO

__(())__

- Quà Tặng Về Thực Phẩm


Quà Tặng Về Thực Phẩm
(Kinh Tăng Chi Bộ)

Vào một thời Đức Phật sống nơi có những người bộ tộc Koliya [đây là quê nhà của Hoàng Hậu Ma-Gia (Maya), mẹ của Đức Phật], tại một tỉnh tên là Sajjanela. Vào một buổi sáng, Đức Thế Tôn đắp y, cầm y bát, rồi ngài đi đến nhà của Suppavāsā, một phụ nữ bộ tộc Koliya. [Suppavāsā là một trong số những người nữ cư sĩ có tâm rộng lớn, đứng đầu trong việc cúng dường các thực phẩm ngon lành cho quý Tỳ Kheo. Bà còn là mẹ của A-La-Hán Sīvali.] Sau khi vào nhà, Đức Thế Tôn ngồi vào chiếc ghế đã chuẩn bị sẵn cho ngài. Suppavāsā, người phụ nữ bộ tộc Koliya, đứng hầu, rồi chính tay bà đã phục vụ nhiều loại thức ăn ngon lành cho ngài.

Khi Đức Thế Tôn ăn xong và ngài đã rút tay ra khỏi bát, Suppavāsā, người phụ nữ bộ tộc Koliya, ngồi xuống một bên và Đức Thế Tôn đã nói với bà như sau:

- "Nầy Suppavāsā, người nữ cư sĩ cao quý, khi cúng dường và bố thí thực phẩm, nghĩa là bà đem cho tặng bốn thứ đến người nhận. Bốn thứ đó là thứ gì? là tặng sự sống lâu, sự đẹp đẽ, niềm hạnh phúc và sự khỏe mạnh.

Bằng cách cho sự sống lâu, bản thân bà sẽ được thừa hưởng cuộc sống lâu dài, ở trong cõi người hay cõi trời.

Bằng cách cho sự đẹp đẽ, bản thân bà sẽ được thừa hưởng sự đẹp đẽ, ở trong cõi người hay cõi trời.

Bằng cách cho niềm hạnh phúc, bản thân bà sẽ thừa hưởng cuộc sống hạnh phúc, ở trong cõi người hay cõi trời.

Bằng cách cho sự khỏe mạnh, bản thân bà sẽ được thừa hưởng thân thể khỏe mạnh, ở trong cõi người hay cõi trời.

Nầy người nữ cư sĩ cao quý, khi cúng dường và bố thí thực phẩm, nghĩa là bà đem cho tặng bốn thứ kể trên đến người nhận."

Chuyển Ngữ: Nguyễn Văn Tiến

(The Gift of Food, Anguttara Nikaya - Translated by Nyanaponika Thera & Bhikkhu Bodhi - Source:www.bps.lk)

__(())__



- Điều làm nên hạnh phúc không phải là chúng ta có bao nhiêu, 
mà là chúng ta vui sống bao nhiêu. 

~ Charles Spurgeon

- Tử tế khi người khác lâm hoạn nạn và can đảm trong hoạn nạn của chính mình.



Cuộc đời là bọt nước.
Chỉ có hai điều như Đá tảng: 
- Tử tế khi người khác lâm hoạn nạn 
và can đảm trong hoạn nạn của chính mình.

Namo Buddhaya

__(())__

- ĐỪNG TỰ LÀM TỔN THƯƠNG CHÍNH MÌNH



Một đêm, một con rắn trong khi đang tìm kiếm thức ăn, bò vào một xưởng mộc.
Người thợ mộc vốn khá bừa bộn, đã để lại một số dụng cụ nằm trên sàn nhà, trong số đó có một cái cưa.

Khi con rắn bò lòng vòng trong xưởng, nó trườn qua cái cưa, và bị một vết cắt nhỏ. Ngay lập tức, nghĩ rằng cái cưa đã tấn công mình, nó quay lại và cắn thật mạnh vào cái cưa khiến cho miệng nó chảy máu.

Điều này khiến con rắn rất tức giận. Nó tấn công một lần nữa, và một lần nữa cho đến khi cái cưa đầy máu và dường như đã “chết rồi”.

Sắp chết vì những vết thương của mình, con rắn quyết định cắn một cái cuối cùng thật mạnh trước khi bò đi. Sáng hôm sau, người thợ mộc rất ngạc nhiên khi thấy một con rắn chết trước cửa nhà mình.

Bài học:

Đôi khi trong lúc cố gắng làm tổn thương người khác,
ta chỉ làm tổn thương chính mình mà thôi ?

''Siu tầm''



- Đơn Giản Sống Theo Cách Của Chính Mình.


Đơn Giản Sống Theo Cách Của Chính Mình.

- Khi bạn im lặng, những người yêu thương bạn sẽ bảo bạn biết lắng nghe,
những kẻ ghét bạn sẽ bảo bạn khinh người.

- Khi bạn nói, những người yêu thương bạn sẽ bảo bạn biết chia sẻ,
những kẻ ghét bạn sẽ bảo bạn nói nhiều.

- Khi bạn nói về những điều to lớn, những người yêu thương bạn sẽ bảo bạn đang truyền
cho họ cảm hứng, những kẻ ghét bạn sẽ bảo bạn đang “nổ”.

- Khi bạn nói về những điều rất đời thường, những người yêu thương bạn sẽ bảo bạn giản dị,
những kẻ ghét bạn sẽ bảo bạn tầm thường.

- Khi bạn sống thật, những người yêu thương bạn sẽ tha thứ và yêu thương bạn nhiều hơn,
những kẻ ghét bạn sẽ lại càng căm ghét bạn hơn.

- Khi bạn hy sinh, những người yêu thương bạn sẽ nói “cảm ơn”,
những kẻ ghét bạn sẽ nói “đạo đức giả”.

- Hãy đơn giản sống theo cách của chính mình.

Không ai hoàn hảo cho nên mình sống không ích kỷ,
sống tử tế và '' tự mình biết riêng mình, và ta biết riêng ta '' là được rồi!

Jos-Ant.MG
Tâm Ngôn dịch
(Trong khi dịch có ''chua thêm'' chút đỉnh cho zui)

__(())__

- TUỆ NGỮ



TUỆ NGỮ 

Nói đến chân lý, người ta thường tưởng tượng đến những gì cao siêu mầu nhiệm, nhưng như trong kinh thì pháp được Đức Phật khéo thuyết giảng (Svakhato Bhagavata Dhammo)
có những đặc tính là " thiết thực hiện tại " (Sanditthiko),
"vượt khỏi thời gian" (Akaliko), 
phải "trở lại mà thấy" (Ehipassiko ),
"dừng lại trên chính mình" (Opanayiko)
và "bậc trí tự mình chứng nghiệm" (Paccattam veditabbo vinnuhi).

Cho nên muốn thấy pháp thì không nên vọng cầu ở bên ngoài nữa mà trở về với Thực Tại Hiện Tiền quý báu nơi sự sống của chính mình,
buông hết mọi ý niệm về quá khứ, hiện tại và tương lai.
Nguyên lý duy nhất là tinh tấn chánh niệm tỉnh giác để có thể phá tan bản ngã, vọng thức, đau khổ và có được hạnh phúc đích thực, chứ không thể trông chờ vào sự thi ân hay mặc khải.

Hòa Thượng Viên Minh

__(())__

- TÂM & CẢNH KHÔNG DÍNH NHAU '


TÂM & CẢNH KHÔNG DÍNH NHAU '

Người đời thường do lục căn dính mắc với lục trần sanh ra lục thức, và bắt đầu tạo nghiệp, thường là nghiệp chẳng lành. Người tu muốn phát sanh Trí Tuệ phải nhận rõ nguyên nhân bị cuốn vào sanh tử luân hồi là do sự dính mắc.

- Nếu mắt thấy sắc, tâm không phê phán đẹp xấu, khỏi bị trói buộc.

- Nếu tai nghe tiếng, tâm không phê phán, khỏi bị não phiền.

- Nếu mũi ngửi mùi, tâm không phê phán, khỏi bị bực mình.

- Nếu lưỡi nếm vị, tâm không phê phán, khỏi tạo nghiệp chướng.

- Nếu thân xúc chạm, tâm không phê phán, khỏi bị tham đắm.

- Nếu ý nhớ tưởng, tâm không phê phán, khỏi khởi sân hận, hay luyến tiếc, nhớ thương.

Tâm không phê phán nghĩa là không dính mắc, không nhiều chuyện, không chạy theo sự suy nghĩ sanh diệt, chứ không phải không nhận thức rõ đẹp xấu, đúng sai, ngon dở.

Thiền sư Bá Trượng Hoài Hải có dạy:
"Tâm và cảnh không dính nhau là giải thoát".

Namo Buddhaya

__(())__

- Ngưng Hơi Thở


Tối nay đọc đoạn Kinh này thấy hay bèn đem share với cả Chùa.

__(())__

Ngưng Hơi Thở

- Thưa đại đức, các sa môn Thích tử có thuyết rằng, nếu nhập định đến một độ sâu nào đó người ta có thể ngưng hơi thở mà vẫn không chết?

- Đúng vậy.

- Đại đức có thể cắt nghĩa được chăng?

- Vâng, nhưng đại vương có biết các loại hơi thở thường liên hệ với tâm con người như thế nào không?

- Quả thật chưa biết.

- Vậy thì đại vương hãy nghe đây. Người mà tâm địa nóng nảy, độc ác, xan tham, nhiều mê si thì hơi thở của họ thô tháo, dồn dập, đứt quảng, nặng nề. Còn người tâm an ổn, vắng lặng, thư thái, mát mẻ thì hơi thở nhẹ nhàng, điều hòa, diu và sâu. Đại vương có biết điều đó chăng?

- Thưa, có biết.

- Thế người ngủ mà thường ngáy thì ra sao?

- Có trường hợp người ban ngày làm việc nhiều, tối ngủ mê mà ngáy. Có người ham ăn, mê ngủ, đầu óc rỗng không, to mập, ngủ thường ngáy. Có người chất phát, vô tư, không lo, không nghĩ, nằm ngủ thường ngáy. Có người thân bệnh hoạn, tâm không được tu tập, ngủ thường ngáy - thưa đại đức.

- Nhưng nói chung thì ngáy, hơi thở họ ra sao? Ngủ mà ngáy thì tốt hay xấu?

- Khi ngáy, hơi thể nặng nề, thô trọc; biểu hiện trạng thái tâm không yên tĩnh nên đa phần là xấu.

- Đúng vậy. Còn người khi sắp chết, hơi thể khò khè, phát ra tiếng kêu ức ức hoặc vật mình vật mẩy, hoặc rống như trâu bò hoặc kêu như heo bị chọc tiết là sao?

- Đấy là biểu hiện một cái tâm buông lung, phóng dật, thân khẩu ý tự tung tự tác làm càn, làm quấy, làm dữ, không có giới, không có định, không có trí. Còn những biểu hiện kèm theo như kêu rống là do tạo ác nghiệp quá nặng... Chẳng hay trẫm nghĩ như thế có đúng không, đại đức?

- Hoàn toàn đúng. Cho nên hơi thở càng thô, tâm càng thô, hơi thở càng tế, tâm càng tế. Những vị tỳ kheo càng đi sâu vào thiền định thì thân an tịnh, tâm sẽ an tịnh. Thân tâm càng an tịnh thì hơi thở càng lúc càng dịu nhẹ, vi tế. Đến một lúc nào đó thân hoàn toàn chỉ tịnh thì tâm cũng hoàn toàn chỉ tịnh. Lúc ấy hơi thở cũng mất luôn, chấm dứt luôn hơi thở nhưng sự sống, sức nóng vẫn còn tồn tại.

- Có thể là đúng vì nghe rất hợp lý.

- Đấy không phải là cái lý mà là sự thật. Các tỳ kheo nhập tứ thiền có thể ngưng hơi thở, các vị Thánh nhập định diệt thọ, tưởng - không những các ngài chỉ ngưng hơi thở mà còn ngưng luôn cả cảm giác và tri giác đấy, tâu đại vương!

- Cảm ơn đại đức đã cho trẫm mở rộng kiến văn.

Đại đức Na-tiên mỉm cười, chỉnh thêm một lượt nữa:

- Đấy không chỉ là kiến văn mà là "sự thật" khá thâm sâu của giáo pháp, tâu đại vương!

- Thật là kỳ diệu

Mi Tiên Vấn Ðáp (Milinda Panha)
Dịch giả: Hòa thượng Giới Nghiêm (Maha Thera Thita Silo)
Tỳ kheo Giới Ðức hiệu đính, ấn bản 2003

___((()))___

- “Ở Đâu Có Ta, Ở Đó Có Đau Khổ”


“Ở Đâu Có Ta, Ở Đó Có Đau Khổ”

“…Làm điều lành mà quên cái ta thì mới có phước lớn, còn làm mà chấp vào cái ta thì phước sẽ bị tổn bớt. Đây cũng là kinh nghiệm để chúng ta học, mình làm việc tốt, việc lành, tụng kinh là có phước nhưng nếu chấp vào đó, tức là sanh cái ta thì sẽ tổn bớt phước. Thấy mình tụng kinh nhiều, có công đức lớn rồi chấp vào đó khinh người khác thì sẽ tổn phước...

Cuộc sống hằng ngày của chúng ta cũng vậy, nhớ hễ ở đâu có sanh cái ta là có đau khổ theo đó. Đi chùa mà sanh cái ta đi chùa cũng có khổ, chứ không phải là không có khổ. Thí dụ như người đi chùa nhiều nên thấy mình là người lâu năm còn người kia mới đi chùa, do có phân chia thì sẽ có khổ theo đó, nếu lỡ để người “đi chùa lâu năm” đứng sau “người mới vào chùa” thì các vị buồn liền, thì có khổ theo ngay! Rồi đi nghe pháp mà sanh cái ta đi nghe pháp, nếu có ai ngăn không cho đi thì cũng khổ, hoặc là sanh cái tôi đi nghe pháp,muốn vào nghe pháp mà giảng đường hết chỗ ngồi, vừa tìm được chỗ mới ngồi xuống thì có ai tới giành nên cũng khổ nữa. Cho nên hễ ở đâu có ta là ở đó có khổ…”

(Trích từ: “Ở Đâu Có Ta, Ở Đó Có Đau Khổ” – Thích Thông Phương)

__(())__


- Vì sao không còn tin họ nửa ? vì người ta sợ lại bị tổn thương nếu tiếp tục tin.
Chỉ những ai sống trong tinh thần Vô Ngã mới là người tha thứ một cách trọn vẹn nhất!

__(())__
 

- năng lượng bên trong


Bất kỳ lúc nào bạn cần một câu trả lời, giải pháp hay sáng kiến, bạn hãy ngừng suy nghĩ một lát bằng cách tập trung vào trường năng lượng bên trong bạn.
Khi bạn suy nghĩ trở lại, bạn sẽ thấy nó mới mẻ và đầy sáng tạo.

Whenever an answer, a solution, or a creative idea is needed, stop thinking for a moment by focusing attention on your inner energy field. When you resume thinking, it will be fresh and creative.

(Eckhart Tolle)

__(())__


- Nhờ nghe pháp nhiều, tâm trí ta ngày càng được soi sáng


Namo Sakya Muni Buddha

... Ðối với chúng ta đang còn là những phàm phu, bản chất chúng ta vốn yếu đuối cả về trí tuệ lẫn thể xác, vì vậy, khi một việc bất hạnh, phiền não xảy ra, chúng ta như người bị trúng hai mũi tên độc: thân ta đau đớn và tâm ta cũng đau đớn. Muốn nhổ mũi tên độc trong thân, chỉ cần có thầy hay thuốc tốt là ta có thể lành bệnh, nhưng muốn nhổ mũi tên độc trong tâm thật vô cùng khó khăn, đòi hỏi chúng ta phải có một sức mạnh tinh thần phi thường, sức mạnh ấy phát xuất từ trí tuệ.
Do đó, muốn có trí tuệ, ta phải biết thân cận với người có trí để nghe pháp, tuỳ pháp và hành pháp.

Nhờ nghe pháp nhiều, tâm trí ta ngày càng được soi sáng, ta hiểu được Lý Duyên Khởi, sinh lòng tin vào Phật, Pháp, Tăng. Ta cố gắng giữ gìn giới luật, hộ trì các căn, sống thiểu dục tri túc, chế ngự không cho tham ái khởi lên, giữ vững chánh niệm tỉnh giác trong mọi sinh hoạt hằng ngày. Ta hiểu được nguyên nhân vì sao ta có mặt trong đời, vì sao ta gặp bất hạnh hay được sung sướng, vì sao cùng là con người mà lại có muôn vàn sai khác cách biệt nhau. Tất cả đều do hành động của ta, do nghiệp của ta đã tạo trong quá khứ và hiện tại. -

__(()))__

- TẤM LÒNG KHOAN DUNG



TẤM LÒNG KHOAN DUNG

Truyện xưa kể lại rằng:

Một buổi tối một vị thiền sư già đi dạo trong thiền viện, chợt trông thấy một chiếc ghế dựng sát chân tường nơi góc khuất.

Đoán ngay ra đã có chú tiểu nghịch ngợm nào đó làm trái quy định vượt tường trốn ra ngoài chơi, nhưng vị thiền sư không nói với ai, mà lặng lẽ đi đến, bỏ chiếc ghế ra rồi quỳ xuống đúng chỗ đó.

Một lúc sau, quả đúng có một chú tiểu trèo tường vào. Khi đặt chân xuống, chú tiểu mới kinh ngạc khi phát hiện ra dưới đó không phải là chiếc ghế mà là vai thầy mình, vì quá hoảng sợ nên không nói được gì, đứng im chờ nhận được những lời trách cứ và cả hình phạt nặng nề. Không ngờ vị thiền sư lại chỉ ôn tồn nói “Đêm khuya sương lạnh, con mau về thay áo đi”. Sự khoan dung của vị thiền sư già đã khiến chú tiểu suốt đời không quên được bài học đó. Người xưa dạy: Rộng lớn nhất thế giới là đại dương, rộng lớn hơn cả đại dương là bầu trời, rộng lớn hơn cả bầu trời chính là lòng người.

Sự khoan dung, nếu được dùng đúng chỗ và đúng lúc thì còn có tác dụng mạnh mẽ hơn sự trừng phạt, bởi nó tác động rất mạnh đến nhận thức mỗi con người. Nhất là đối với cuộc sống, công việc và học tập của con trẻ, việc khoan dung đem lại hiệu quả vượt trội hẳn so với việc áp dụng bất kỳ hình phạt nào. Thậm chí, khoan dung với người cũng chính là khoan dung với mình, giải thoát mình khỏi những sự giận dữ, căm tức, hận thù, tranh chấp…, nhờ đó mà cân bằng được cuộc sống của mình.

Namo Buddhaya

__(())_


- Để cho các cơ tim của bạn mạnh mẽ, 
bài tập tốt nhất là nâng đỡ tinh thần của một người khác bất cứ khi nào bạn có thể.

~ Dodinsky

__(())__

- chiếc áo người tu sĩ

'

.. Thuở ấy, vào một sớm mùa đông Đức Thế Tôn và Tăng đoàn ở trong những hang đá và những ngôi tịnh thất nhỏ trên núi. Bấy giờ Ngài đã lớn tuổi, Ngài cảm thấy lạnh khi trời trở rét. Tôn Giả A-nan mang cho Thế Tôn một tấm y để ngài quấn thêm vào người. Nhưng vẫn còn lạnh... Tôn Giả A-nan mang thêm một tấm y nữa, đức Phật cảm thấy vừa đủ ấm.

- " Thôi đủ rồi A nan, ba y là được rồi. Sau này, những người đệ tử của ta, chỉ nên có ba y đủ ấm qua những ngày đông, không nên cầu kỳ làm gì, đã làm một người xả tục xuất gia rồi! ".

Sáng hôm đó, Ngài đứng trên núi nhìn xuống những cánh đồng dưới chân núi nối nhau thành một vệt dài và những người nông dân lam lũ đang tất bật trên cánh đồng...

Đức Phật nói với Tăng đoàn, "Này các Tỳ Khưu, từ nay chiếc áo người tu sĩ cũng nên như những mảnh ruộng kia, được ráp lại từ nhiều mảnh vải nhỏ. Khi làm tu sĩ, mặc lên người tấm y ấy, các con nhớ phải làm mảnh ruộng thật tốt, giúp những người dân lam lũ nuôi lớn trong họ những thiện căn, nuôi lớn trong họ những yêu thương, để mai sau đời của họ đỡ phải nhọc nhằn "...

Không biết tự bao giờ tôi đã yêu Người, từ những điều giản dị như thế!

Namo Buddhaya

__(())__


Sunday 4 November 2012

- “Không nghĩ thiện không nghĩ ác..''



“Không nghĩ thiện không nghĩ ác..''

HỎI :

Chào Thầy ! 
Con băn khoăn câu này lời dạy của Lục Tổ Huệ Năng: “Không nghĩ thiện không nghĩ ác, cái gì là bản lai diện mục,...?”
-> Vậy không nghĩa thiện không nghĩ ác theo con hiểu là không chấp hai bên ,không còn thiện - còn ác nhưng như vậy sao còn khuyên làm những hạnh lành ? và không nghĩ thiện không nghĩ ác thì làm sao biết việc nào thiện để mà làm. Mong thầy hoan hỷ giúp con giải đáp thắc mắc

ĐÁP

Mô Phật
Câu hỏi rất hay, người tu ở trình độ sơ cơ thì bỏ ác hành thiện.
Nhưng tu lên một tí nửa thì bỏ cả thiện, và đương nhiên là bỏ cả ác. ( Vượt lên đối đãi, nhị nguyên )
-- Nói bỏ thiện không phải là không hành thiện ( vì Phật dạy : Chư ác mạc tác, chúng thiện phụng hành cơ mà! ) Có điều, vẫn làm thiện mà KHÔNG CHẤP vào việc thiện mình làm, vì môt khi chấp vào là thấy mình tốt, mình thiện hơn người, ngã mạn từ đó phát sinh, nghiệp từ đó dấy khởi. Cho nên nói '' không nghĩ thiện, không nghĩ ác '' là thế.

Vẫn làm thiện mà không nghĩ có cái Ta làm, thì gần với đạo lý Vô Ngã vậy!

Chúc Đạo hữu tinh tán, an vui nhé!

Namo Buddhaya

Kí tên
Thầy Cà ri