Sunday 10 July 2011

- NIỆM PHẬT TIÊU TRỪ TAI NẠN



Xưa kia có một người phụ nữ hiền đức, thông minh, vì thường nghe Phật pháp nên liễu ngộ được sự ngắn ngủi và thống khổ của kiếp người. Cô biết nếu như không tu tập theo phương pháp giải thoát của Phật-đà, không ngăn chặn và sửa đổi những lỗi lầm thì vĩnh viễn sẽ phải trầm luân trong sáu cõi luân hồi.[2]

Vì hiểu biết như vậy, nên tuy việc nhà bận rộn cô vẫn không quên tinh tấn niệm Phật, trong lúc đi đứng nằm ngồi đều không xao lãng., Ngay cả những gia đình xung quanh cũng đều được cô cảm hóa, cùng hoan hỉ học tập Phật pháp theo cô. Mọi người được tắm mình trong thánh hiệu của Phật, cho nên cuộc sống hết sức an lạc, giải thoát.

Nhưng có lẽ cơ duyên chưa thành thục nên người phụ nữ hiền đức, thông minh này vẫn chưa khuyến hóa được chồng của mình. Cô luôn ưu tư chuyện này.

Một hôm, khi nhìn thấy những đứa trẻ hàng xóm cầm cái lục lạc vui đùa, cô đột nhiên nghĩ ra một phương cách rất hay.

Lúc chạng vạng tối, khi chồng vừa về cô liền bảo anh ta:

– Chàng ơi! Thiếp nghe nói gần đây thường xuất hiện bọn trộm. Chàng đi ra ngoài, thiếp ở nhà một mình, cửa nhà không ai coi ngó, thật nguy hiểm hết sức! Thiếp định mua một cái lục lạc treo ngoài cửa, lúc chàng về hãy rung lên mấy cái, mỗi lần rung thì niệm một câu Nam mô A-di-đà Phật để làm ám hiệu, thiếp sẽ lập tức ra mở cửa. Như vậy có thể phòng ngừa được kẻ trộm, mà thiếp cũng an tâm làm việc dưới bếp.

Người chồng mỉm cười đáp:

– Được! Đây quả thật là biện pháp hay.

Từ đó về sau, người chồng về đến cửa, đều phải rung lục lạc và niệm mấy câu Phật hiệu. Một cách hoàn toàn vô thức, anh ta dần dần đã tập thành thói quen lúc nào không hay.

Sau đó, chồng cô vì tạo nhiều ác nghiệp, chiêu cảm quả báo phải bệnh nằm liệt giường, cuối cùng lìa trần, bị sa vào địa ngục. Trong đó có các loại hình phạt vô cùng thê thảm, đau đớn, ngục tốt hung ác dùng đinh ba đâm vào người tội nhân, vứt vào chảo nước đồng sôi. Lúc ngục tốt cầm đinh ba định đâm vào người anh, những vòng sắt trên đinh ba phát ra tiếng kêu leng keng như tiếng lục lạc của cô vợ treo trước nhà. Người chồng vừa nghe, bất giác theo thói quen liền phát ra tiếng niệm Phật:

– Nam mô A-di-đà Phật, Nam mô A-di-đà Phật...

Thật kỳ lạ, địa ngục hắc ám âm u bỗng nhiên sáng rực, ngục tốt vứt khí cụ hành hình xuống, lửa đang cháy phừng phừng cũng bị tắt ngúm. Tất cả địa ngục biến thành thanh tịnh, mát mẻ, rất nhiều oan hồn đang bị thọ hình đều được dừng lại. Lúc đó, phán quan nói với ngục tốt:

– Hãy đưa người này đi tái sinh ở cõi người, ông ấy đã có đầy đủ công đức niệm Phật rồi.

Thế là địa ngục trở lại thảm cảnh khổ não như trước, nhưng người chồng của cô vợ hiền thục đã được tái sinh trở lại làm người, thoát khỏi chốn đau khổ, tăm tối.

Công đức của một câu niệm Phật thật lớn lao như vậy, hy vọng những ai chưa biết niệm Phật hãy mau mau gấp rút niệm Phật!


TRÍCH: Những câu chuyện cổ Phật giáo

Làm chủ vận mạng

Thích Hải Đào, Đạo Quang dịch, Nguyễn Minh Tiến hiệu đính

Saturday 2 July 2011

- SỐNG CHẾT NHÀN MÀ THÔI


Tâm mà sanh chừ sanh tử sanh
Tâm mà diệt chừ sanh tử diệt.
Sanh tử xưa nay tự tánh không
Thân huyễn hóa này rồi sẽ diệt.
Phiền não Bồ-đề thầm tiêu mòn
Địa ngục thiên đường tự khô kiệt.
Lò lửa dầu sôi chóng mát lành
Cây kiếm núi đao liền gãy hết.
Thanh văn ngồi thiền, ta không ngồi
Bồ-tát nói pháp, ta nói thật.
Sống tự dối sống, chết dối chết
Bốn đại vốn không, từ đâu khởi?
Chớ như nai khát đuổi sóng nắng
Chạy đông tìm tây không tạm nghỉ.
Pháp thân không đến cũng không đi
Chân tánh không phải cũng không quấy.
Đến nhà, nên biết thôi hỏi đường
Thấy trăng, đâu nhọc tìm tay ấy.
Kẻ ngu điên đảo sợ sống chết
Người trí thấy suốt nhàn thôi vậy.
Giảng:
Đa số tu sĩ chúng ta từ lâu chịu ảnh hưởng câu “sanh tử sự đại” nên ai cũng sợ, thấy sanh tử là vấn đề lớn cần phải giải quyết. Nhưng đối với Thượng Sĩ vấn đề sanh tử chỉ là một việc nhàn mà thôi. Vậy “sanh tử sự đại” là đúng hay “sanh tử nhàn nhi dĩ” là đúng? Phật Tổ nói “sanh tử sự đại, vô thường tấn tốc” nhằm sách tấn chúng ta tu. Hàng xuất gia cũng như tại gia tuy đã phát nguyện tu theo Phật, nhưng lâu ngày hay sanh bệnh lười mỏi, tu lừng chừng, tu lai rai. Sợ chúng ta thoái bộ không tiến, nên Phật Tổ mới nói sống chết là việc lớn, vô thường nhanh chóng lắm phải gấp rút mà tu, không thể chần chờ, nếu chần chờ thì chết đến tu không kịp luống uổng một đời tu. Đó là Phật Tổ khuyến khích thúc giục chúng ta tiến tu. Đây Thượng Sĩ nói sống chết là việc nhàn có trái với ý của Phật Tổ dạy không? Thượng Sĩ là người thấy được chỗ tột cùng, thấy rõ sống chết là tướng sanh diệt không thật, nên không lo sợ mới nói như thế. Nếu chúng ta chưa phải là người đạt đạo, chưa sáng mắt thì phải thấy sanh tử là việc lớn cần phải giải quyết phải lo tu, kẻo chết đến tu không kịp thì bị nghiệp dẫn đi trong luân hồi thọ quả báo. Vậy, ai là người trí sáng mắt thì thấy sanh tử nhàn mà thôi, còn ai chưa phải là người trí thì phải thấy sanh tử là sự đại để lo tu.
Tâm mà sanh chừ sanh tử sanh
Tâm mà diệt chừ sanh tử diệt.
Vọng tâm mà sanh thì sanh tử từ đó phát sanh, vọng tâm diệt thì sanh tử từ đó mà diệt. Sanh tử sanh là do vọng tâm dấy khởi tạo nghiệp, nghiệp mới dẫn đi trong sanh tử. Đó là sanh tử sanh. Nếu vọng tâm lặng, không tạo nghiệp, nghiệp dừng thì sanh tử ngang đó dứt. Vọng tâm là tâm hư dối, tâm hư dối dấy lên thì tạo ra nghiệp hư dối, rồi có sanh hư dối có tử hư dối. Nếu tâm hư dối dừng không khởi nữa, nghiệp hư dối hết thì sanh tử cũng hết. Trọng tâm của chúng ta tu là gì? Tất cả chúng ta tu ai cũng mong thoát khỏi sanh tử. Cái nhân tạo ra nghiệp sanh tử là vọng tâm. Vọng tâm dấy lên chúng ta theo thì có tham có sân rồi tạo nghiệp lành hay dữ, đã tạo nghiệp rồi thì nghiệp dẫn đi trong sanh tử. Nếu vọng tâm dấy lên không theo thì vọng tâm lặng xuống, vọng tâm lặng thì đâu có tham sân, không tham sân đâu có tạo nghiệp, như vậy là nghiệp dừng, nghiệp dừng thì đâu có sanh tử. Hai câu này chỉ rất rõ trọng tâm tu hành của chúng ta.
Sanh tử xưa nay tự tánh không
Thân huyễn hóa này rồi sẽ diệt.
Sanh tử do nghiệp, nghiệp có là do vọng tâm khởi. Vọng tâm là nhân mà sanh tử là quả. Vọng tâm đã không thật, quả làm sao thật được. Ngài nói sanh tử xưa nay tự tánh không thật thì cái thân tứ đại huyễn hóa này, sớm muộn gì cũng hoại diệt không còn. Thương cho chúng ta ai cũng mang thân sanh tử tạm bợ huyễn hóa chợt sanh chợt diệt không bền lâu, mà cứ lo cho nó bảo vệ nó, rốt cuộc rồi nó cũng hoại đi, thật là phí công mà kết quả không được như ý. Người mà đeo đuổi làm một việc không có kết quả, người như thế có khôn không? Biết thân này cố giữ nó cũng mất, thế mà vẫn cứ giữ, thật đáng thương! Gìn giữ để được còn hoài thì mới giữ, giữ cái sẽ mất là tạo cái nhân không đâu, vậy mà cứ cố giữ, người như thế có phải là người trí sáng suốt không? Biết sanh tử tự tánh là không, thân huyễn hóa này sớm muộn gì cũng diệt là biết được nguồn gốc của thân.
Phiền não Bồ-đề thầm tiêu mòn
Địa ngục thiên đường tự khô kiệt.
Thân này là huyễn hóa không thật thì phiền não là mê lầm khổ đau và Bồ-đề là giác ngộ an vui cũng không thật. Thân đã không thật thì khổ vui làm sao thật được? Thế nên nói phiền não Bồ-đề rồi cũng mất. Phiền não đã mất thì địa ngục đâu còn và Bồ-đề mất thì thiên đường cũng khô kiệt. Thượng Sĩ nói như vậy có trái với lời Phật dạy trong kinh: “chúng sanh đi trong lục đạo luân hồi là do nghiệp dẫn” không? Nghiệp do vọng tâm phát khởi mà ra. Vậy vọng tâm không thật, nghiệp không thật, tất cả quả của nghiệp tạo cũng không thật thì quả dữ của nghiệp dữ là đọa địa ngục, quả lành của nghiệp lành là lên thiên đường cũng không thật. Thiên đường và địa ngục là quả của nghiệp lành và nghiệp dữ; mà nghiệp thì từ vọng tưởng tạo nên, vọng tưởng đã không thật thì nghiệp đâu có thật. Nghiệp không thật thì thiên đường địa ngục cũng không thật. Song, thấy như thế là khi thấy thân này là giả không thật, nếu còn thấy thân này là thật thì thiên đường địa ngục cũng thật. Chỉ khi nào thấy thân này là huyễn hóa, cõi đời này là huyễn hóa, chừng đó nghiệp mới huyễn hóa và thiên đường địa ngục mới huyễn hóa. Chớ còn thấy thân mình là thật, thấy sự vật hiện tại là thật, mà nghe nói thiên đường địa ngục không thật rồi chấp thiên đường địa ngục không thật, làm nhiều điều ác hại để mình được hưởng khoái lạc. Thấy có mình hưởng khoái lạc thì nghiệp thiện ác cũng có và thiên đường địa ngục cũng thật. Phải hiểu cho thật rõ chỗ này, kẻo hiểu lầm tu sai.
Lò lửa dầu sôi chóng mát lành
Cây kiếm núi đao liền gãy hết.
Kinh A-hàm có bài kể cảnh địa ngục, ngục tốt hành hình tội nhân bằng cách đốt lửa nấu dầu cho sôi, ai có tội thì bỏ vào trong chảo dầu sôi nóng nên nói: “lò lửa chảo dầu chóng mát lành”. Nếu còn thấy thân mình thật, lò lửa dầu sôi là thật thì vào đó bị nát thây. Nếu đã thấy thân này không thật thì lò lửa chảo dầu cũng không thật. Tôi đơn cử chuyện rất gần cho quí vị thấy. Nếu chúng ta thấy mình không thật ngoại cảnh không thật, thì khi nghe những lời mắng chửi nặng nề, thấy như cơn gió thổi qua tai, lòng bình thản mát mẻ không chút bực bội, tất cả lò lửa dầu sôi ở địa ngục đều mát lạnh. Việc tu hành của chúng ta không có xa rời thực tế, mà ngay ở mình ở vật trong thực tại. Nếu đã thấy mình không thật thì người, cảnh, Niết-bàn, địa ngục đều không thật. Ngược lại, thấy mình thật, thì tất cả đều thật. Thượng Sĩ thấy thân mình không thật, nên thấy địa ngục lửa đỏ dầu sôi mát lạnh.
Cây kiếm núi đao liền gãy hết.
Ở địa ngục có núi đao núi kiếm, người có tội bị ngục tốt bắt leo lên núi ấy; leo lên núi đao núi kiếm thì bị đao kiếm đâm chém nát thân. Song, nếu người tu thấy thân này không thật, vọng tưởng không thật, không sống với vọng tưởng thì mọi cảnh bức hại nguy hiểm của địa ngục đều tan nát hết. Đây Thượng Sĩ chỉ cho chúng ta biết, nguồn gốc của sự sanh khởi chấp trước, đều do nơi vọng tưởng dấy khởi, rồi tạo nghiệp, từ nghiệp mà có tất cả khổ vui của chúng sanh ở thế gian, ở địa ngục hay ở thiên đường. Chúng ta đã biết gốc khổ vui của kiếp người là vọng tưởng hư dối không thật, nên tu để dừng vọng tưởng. Vọng tưởng hết nghiệp theo đó mới dứt sạch. Vậy muốn giải thoát phải làm sao? - Không cách nào khác hơn là đưa vọng tưởng vào Vô dư y Niết-bàn. Vọng tưởng vào Niết-bàn rồi thì tất cả được an ổn.
Thanh văn ngồi thiền, ta không ngồi
Bồ-tát nói pháp ta nói thật.
Thượng Sĩ thấy hàng Thanh văn tu thiền đặt nặng Tứ thiền Bát định và định cuối cùng là Diệt thọ tưởng định. Người nhập Diệt thọ tưởng định thân ngồi trơ trơ, không còn thở, chỉ còn chút hơi ấm, không có tri giác, mọi sanh hoạt chung quanh đều không biết. Người nhập Diệt thọ tưởng định ngồi trơ như đá như gỗ dù có sống lâu cũng không làm lợi ích cho người, nên Ngài không thích lối tu thiền này. Theo Ngài, đã làm lợi ích cho mình rồi, phải làm lợi ích cho người là đem pháp Phật giáo hóa chỉ dạy cho chúng sanh biết được lẽ thật, để họ tu cùng được giác ngộ giải thoát. Còn ngồi thiền nhập Diệt thọ tưởng định vô tri vô giác thì Ngài không ngồi.
Sống tự dối sống, chết dối chết
Bốn đại vốn không, từ đâu khởi?
Đối với người giác ngộ thấy kiếp sống của con người không thật, nó tạm bợ giả dối. Ngày nay duyên hợp còn sống đây thì biết còn, ngày mai duyên tan thân hoại thì biết nó hoại. Thấy rõ thân này giòn bở không có gì bảo đảm chắc chắn. Sự sống là dối tạm thì chết cũng dối tạm. Vì thân này do bốn đại giả hợp tạm có, “có” không thật có. Phân tích kỹ thì đất do nhiều phần tử bụi kết hợp lại thành, chớ không có Thật thể. Nước cũng do những phân tử H2O hợp lại thành, không có thể cố định chân thật. Gió lửa cũng vậy, do duyên mà thành. Cả bốn thứ đất, nước, gió, lửa không có Tự tánh cố định, nên không thật. Bốn đại đã không thật thì thân này làm sao thật được? Thấy rõ thân này vốn không thật nên Thượng Sĩ khuyên chúng ta:
Chớ như nai khát đuổi sóng nắng
Chạy đông tìm tây không tạm nghỉ.
Ở những sa mạc lớn, mùa hè trời nắng, từ xa nhìn trên bãi cát thấy như có những vũng nước đọng. Nai khát nước thấy sóng nắng như vũng nước, chạy tới để uống, nhưng tới nơi không có nước. Lại thấy vũng nước ở xa xa, chạy tới nơi cũng không có nước. Nó chạy hoài vẫn không có nước uống. Càng chạy càng khát, ngày qua ngày, nai vẫn không có nước uống. Cũng vậy, tứ đại không thật thì thân mình và cảnh vật đâu có thật. Thế mà lúc nào chúng ta cũng yêu mến thân và lúc nào chúng ta cũng thấy cái này đẹp cái kia ngon cái nọ quí... Cứ chạy theo đuổi bắt chẳng biết dừng, đến ngày ngã ra chết cũng chưa thỏa mãn. Con người chúng ta chẳng khác nào con nai khát nước, cứ đuổi theo sóng nắng rốt cuộc rồi vẫn chết khát. Tất cả những món ngon, đẹp, quí... chúng ta tạo sắm cất chứa đầy nhà, ngày tắt thở chúng ta có hưởng và có mang theo được không? Tất cả phải bỏ lại trần gian, thế mà có ai dừng lại đâu? Cứ chạy đua tìm cầu cho đến ngày ngã ra chết.
Pháp thân không đến cũng không đi
Chân tánh không phải cũng không quấy.
Đứng về mặt Pháp thân mà nói thì Pháp thân tuy hiện tiền nhưng không hình không tướng cho nên không đến không đi. Thí dụ như ngôi chùa trước đây không có, nay chúng ta xây dựng thành, nói có đến. Lâu ngày ngôi chùa hư hoại mất, nói có đi. Vậy, cái gì có hình tướng thì có đến có đi, còn cái không hình tướng thì không đến không đi. Cũng vậy, thân này có hình tướng cho nên có sanh có diệt, còn Pháp thân thì vô tướng nên không sanh không diệt. Nếu chúng ta bám vào thân có hình tướng thì thấy có đến có đi, còn chúng ta nhận được Pháp thân vô tướng hằng hữu ngay nơi thân ngũ uẩn thì Pháp thân không đến không đi, không phải không quấy, hằng thanh tịnh hằng liễu tri, cũng gọi là Chân tánh. Quí vị chớ hiểu lầm Pháp thân là cái không ngơ như hư không.
Đến nhà nên biết thôi hỏi đường.
Chúng ta rời xa quê hương một hai mươi năm, nay trở về thăm cha mẹ anh em... Trên đường về cảnh cũ đổi thay, nên không biết lối về, phải hỏi thăm nhờ người chỉ đường. Khi chúng ta đi về tới nhà gặp cha mẹ, anh em... thì không còn hỏi đường nữa. Còn hỏi đường là đi chưa tới nhà, khi đã tới nhà thì không còn hỏi đường nữa. Cho nên Thiền khách tới các Thiền sư mà còn thăm dò thưa hỏi, các ngài nghe qua câu hỏi là biết họ tới đâu rồi. Và, có nhiều người ngộ đạo rồi, ông thầy nói thêm một câu, liền bịt tai bỏ đi, không nghe, vì không cần nữa, có nghe cũng dư. Tới nhà rồi mà còn hỏi đường là dư. Thiền sư Hoàng Long thường hỏi Tăng:
- Người người trọn có sanh duyên, Thượng tọa sanh duyên tại chỗ nào?
Chính lúc vấn đáp qua lại, Sư duỗi tay nói:
- Tay tôi sao giống tay Phật?    
Hỏi chỗ sở đắc của Tông sư các vị đến thăm thỉnh, Sư liền duỗi chân nói:
- Chân tôi sao giống chân lừa?
Hơn ba mươi năm lấy ba câu này hỏi, học giả khó khế ngộ huyền chỉ. Khắp các tùng lâm gọi là tam quan. Nếu có ai đáp thì Sư không nói phải chẳng phải, vẫn khép mắt ngồi thẳng, không ai lường được ý ấy.
Phan Hưng Từ thường hỏi lý do ấy. Sư bảo:
- Đã ra khỏi cửa thì vung tay đi thẳng chẳng cần biết có kẻ gác cửa.
Từ người gác cửa hỏi phải, chẳng phải ấy là người chưa qua khỏi cửa. Câu chuyện này giống hệt việc tới nhà rồi thôi hỏi đường vậy.
Thấy trăng đâu nhọc tìm tay ấy.
Đầu tháng, vào khoảng mùng năm mùng sáu âm lịch có trăng lưỡi liềm ở phía tây, người mắt sáng thấy trăng, kêu bạn bè nói:
- Hôm nay có trăng rồi.
Những người bạn hỏi:
- Ở đâu?
Người mắt sáng đưa tay chỉ mặt trăng trên không, ở hướng tây. Những người bạn nương ngón tay chỉ, thấy mặt trăng rồi thì ngón tay không cần nữa. Nếu cứ nhìn ngón tay mãi mà không nhìn chỗ chỉ thì không bao giờ thấy được mặt trăng. Ý Thượng Sĩ nói người đã ngộ đạo rồi thì không còn thắc mắc không còn tìm kiếm nữa.
Kẻ ngu điên đảo sợ sống chết
Người trí thấy suốt nhàn thôi vậy.
Chúng ta xét lại coi mình là kẻ ngu hay người trí? Vì còn thấy thân này thật, nên thấy sống là vui, chết là khổ. Do đó ham sống sợ chết, ấy là kẻ ngu. Người trí thấy thân này không thật thì sự sống chết là chuyện nhàn thôi; sống không thật thì chết đâu có thật, chết không thật có gì mà sợ? Thế nên sống cười chết cũng cười. Thấy suốt được lẽ sống chết thì ở giữa cõi đời này chúng ta an nhàn tự tại, không có gì bận tâm. Đọc hai câu này rồi quí vị tự hỏi mình ngu hay trí? Nếu còn sợ chết là ngu và nếu có ai chỉ mặt mình nói “anh là đồ ngu”, mình cười, đáp “phải, tôi ngu, vì tôi còn ham sống sợ chết”. Còn ham sống sợ chết là còn ngu, vậy mà ai đó nói ngu là giận. Ngu chồng thêm một lớp ngu mà không biết, thật đáng thương!
Thượng Sĩ chỉ cho chúng ta thấy rõ sự sống chết không thật. Vì sống chết của thân này không thật, nên địa ngục, thiên đường, phiền não, Bồ-đề... đều không thật. Thấy tất cả không thật, nên an nhàn trước sống chết. Khi đã nhận ra Pháp thân là Thể chân thật không hình tướng không sanh không diệt, không đến không đi, không phải không quấy, giống như người tới nhà, người thấy mặt trăng, không còn quản ngại, thấy việc sống chết chỉ là việc nhàn thôi.

Trích từ: TUỆ TRUNG THƯỢNG SĨ NGỮ LỤC  

Friday 1 July 2011

- XẢ BỎ



"Làm bất cứ việc gì cũng với tâm xả bỏ. Đừng kỳ vọng sự đền đáp hay tán dương. Nếu xả bỏ một ít sẽ có một ít bình an. Nếu xả bỏ nhiều sẽ được nhiều bình an. Nếu xả bỏ hoàn toàn sẽ được bình an hoàn toàn và cuộc tranh đấu với thế gian này đi đến chỗ chấm dứt."


Trích: Mặt hồ tĩnh lặng - Quyển 1

Thiền sư Ajahn Chah

Tỳ kheo Khánh-Hỷ chuyển dịch


- SỐNG TỈNH GIÁC TỪNG NGÀY



"Mùa mưa ta ở đây,
Đông, Hạ cũng ở đây,
Người ngu tâm tưởng vậy,
Không tự giác hiểm nguy". (Pháp Cú, 286)

Ðó là lời của Ðức Phật dạy cho ông Ðại Phú (Mahadhana), một vị thương gia, khi Ngài ngụ tại tinh xá Kỳ Viên.

Một ngày nọ, vị thương gia này dùng 500 xe bò, chất đầy vải vóc với nhiều màu nhuộm tươi đẹp, lên đường từ thành Ba La Nại đến các vùng xa để buôn bán. Khi đến thành Xá Vệ, ông ta gặp một sông lớn. Ông suy nghĩ: “Ngay mai ta sẽ qua sông”, rồi dừng xe lại, cởi ách cho các con bò, và nghỉ qua đêm tại bờ sông. Trong đêm đó, một trận bão kéo đến với cơn mưa tầm tã cả đêm. Qua bảy ngày kế tiếp, nước sông dâng cao, tạo lụt lớn, và người dân trong vùng đều phải đình chỉ mọi sự buôn bán, đi lại. Kết quả là vị thương gia đó không thể bán các kiện hàng vải của ông. Vì thế, ông ta nghĩ rằng: “Ta đã trải qua một quãng đường dài, nếu ta quay về thì lại bị trễ nải. Chi bằng ta cứ ở đây qua mùa mưa, qua mùa Xuân và mùa Hạ, tiếp tục các công việc giao dịch và cố gắng bán cho hết các loại hàng này...”.

Khi Ðức Phật đi trì bình khất thực trong thành phố, Ngài biết được ý định của vị thương gia đó và Ngài mỉm cười. Thấy thế, Ðại đức A Nan hỏi Phật vì sao Ngài cười. Ðức Thế Tôn đáp: “Này A Nan, thầy có biết ông Ðại Phú đó không?”.

“Dạ có, bạch Thế Tôn”.

“Không biết rằng mạng sống của mình đã gần hết, ông ta vừa quyết định sẽ ở lại đây cả năm để bán hết các kiện hàng của ông ấy”.

“Thật vậy sao, bạch Thế Tôn?”

“Ðúng thế, này A Nan. Ông ta chỉ sống thêm được bảy ngày nữa, và nếu không khéo, ông ta sẽ bị các loài cá ăn thịt”. Nói xong, Thế Tôn thốt lên bài kệ:

"Hãy tinh tấn thi hành
việc cần làm hôm nay.
Có ai biết chắc chắn
cái chết đến lúc nào?
Có ai chống lại được
mệnh lệnh của thần chết?
An lạc thay cho người
ngày và đêm tinh tấn
Sống tỉnh giác từng ngày!".

“Bạch Thế Tôn, con sẽ đến nói cho ông ấy biết”, ngài A Nan thưa với Phật.

“A Nan, thầy cứ việc đi”, Ðức Phật đáp.

Ðại đức A Nan đi khất thực đến nơi ông Ðại Phú trú ngụ với đoàn xe buôn của ông. Ông ta kính cẩn dâng vật thực đến ngài. Sau đó, Ðại đức nói với vị thương gia: “Ông định ngụ lại đây trong bao lâu?”

“Bạch Ðại đức, con đã trải qua một quãng đường dài, nếu con quay về thì lại bị trễ nải. Cho nên con sẽ ở đây trọn năm, cho đến khi nào bán hết vải thì con mới ra đi”.

“Này quý cư sĩ, mặc dù mạng sống đã gần hết mà ít ai lại biết được! Ông nên tinh tấn!”.

“Bạch Ðại đức, tại sao thế? Có phải đời sống của con đã gần mãn?”.

“Ðúng vậy, quý cư sĩ. Mạng sống của ông chỉ kéo dài bảy ngày nữa thôi”.

Ông Ðại Phú rất bàng hoàng và xúc động. Sau khi bình tâm trở lại, ông thỉnh mời Ðức Phật và Tăng đoàn đến nơi ông ngụ để thọ trai. Trong bảy ngày kế tiếp, ông cúng dường vật thực đến chư Tăng, và trong ngày thứ bảy, ông xin phép được rửa bát của Đức Phật và xin Ngài chúc phúc. Trong khi chúc phúc, Ðức Thế Tôn giảng thêm:
“Này quý vị tu sĩ và cư sĩ, một người hiền trí không bao giờ nên nghĩ rằng: ‘Tôi sẽ ở lại đây trong suốt mùa mưa. Tôi sẽ làm việc này, việc kia’. Trái lại, người ấy lúc nào cũng nên sống tỉnh giác từng giây khắc và luôn luôn quán chiếu về cái chết của mình như thể mình chỉ sống thêm được một đêm nữa thôi”. Sau đó, Ngài thốt lên các câu kệ dưới đây, về sau được ghi lại trong kinh (Pháp Cú 286-289):
"Mùa mưa ta ở đây,
đông, hạ cũng ở đây,
người ngu tâm tưởng vậy,
không tự giác hiểm nguy.
Người tâm ý đắm say
con cái và súc vât,
tử thần bắt người ấy,
như lụt trôi hàng ngũ.
Một khi tử thần đến,
không có con che chở,
không cha, không bà con,
không thân thích che chở.
Biết rõ ý nghĩa này,
bậc trí lo trì giới,
mau lẹ làm thanh tịnh,
con đường đến Niết bàn."

Sau khi nghe xong bài giảng, vị thương gia tỉnh ngộ, thành tâm xin quy y Tam bảo và đắc quả Dự lưu, các tu sĩ trong đoàn cũng đạt được thắng trí.

Sau đó, ông Ðại Phú đưa tiễn Ðức Phật về tinh xá. Khi quay trở lại nơi trú ngụ của mình, ông nói: “Tôi cảm thấy nhức đầu, thân thể mệt mỏi!”, và nằm xuống giường để nghỉ. Vừa nằm xuống thì ông chết, và được tái sinh vào cõi trời Ðâu Suất.


LÝ THUYẾTVÀ THỰC TẾ
BìnhAnson
NhàXuất Bản Tôn Giáo TL. 2008 - PL. 2551

- Chỉ trong một chớp mắt


Từ khổ đau đến chấm dứt khổ đau cách nhau bao xa? Khoảng cách ấy ta có thể vượt qua chỉ trong một chớp mắt. Đó là lời Phật dạy trong kinh Tu Tập Căn (Indriyabhavana Sutta), bài kinh cuối của Trung Bộ Kinh, số 152.

Trong một trao đổi với một người Bà-la-môn tên Uttara, đức Phật mở đầu bằng sự diễn tả một kinh nghiệm chung của tất cả mọi người:

Khi một người mắt thấy… tai nghe… mủi ngửi… lưỡi nếm… thân xúc chạm… hoặc ý suy nghĩ, trong họ sẽ có khởi lên khả ý, bất khả ý, hoặc cả hai khả ý và bất khả ý.

Và có lẽ chúng ta ai cũng đều nhận thấy được việc ấy. Mỗi khi ta tiếp xúc với cuộc sống chung quanh qua những giác quan của mình, lúc nào những kinh nghiệm ấy cũng đi kèm theo với một tâm điệu: dễ chịu, khó chịu, hoặc đôi khi là dửng dưng. Mà bản chất con người của chúng ta được tạo dựng như vậy: cảm thọ là một thực chất của tất cả mọi kinh nghiệm.

Nhưng có một điều là khi đáp ứng lại với cảm thọ này, và cùng khởi lên với nó, đối với những kinh nghiệm vui sướng thì tự nhiên ta cảm thấy hài lòng (khả ý), và gặp những kinh nghiệm đau đớn thì ta cảm thấy không hài lòng (bất khả ý). Và có những trường hợp, cùng một lúc, một kinh nghiệm lại có thể làm ta hài lòng cách này, mà cũng không hài lòng theo cách khác. Chúng ta được tiến hóa từ động vật cho nên trong ta đã nhiễm rất sâu những tập quán và phản ứng lúc nào cũng muốn đi tìm cái vui và lánh xa cái khổ. Và vấn đề của chúng ta nằm ngay ở điểm này.

Chắc chắn là cũng nhờ vào những bản năng sơ đẳng ấy mà chúng ta còn sinh tồn cho đến ngày nay, để phát triển thêm những chức năng khác cao hơn trong bộ óc của mình. Nhưng khoa học ngày nay càng chứng minh cho thấy rằng, những bản năng ấy đã trở thành lỗi thời và đôi khi còn là một trở ngại cho hạnh phúc của ta nữa. Một trong những tuệ giác lớn của Phật là, cái động cơ ham muốn thúc đẩy chúng ta nắm bắt cái này và xua đuổi cái kia ấy lại chính là nguồn gốc của khổ đau!

Mà việc đó cũng tự nhiên thôi, vì bản chất cuộc đời là vậy: khổ đau luôn có mặt. Nếu vậy thì ta có thể làm gì để chuyển hóa được những khổ đau ấy chăng? Và cũng như mọi loài động vật khác, chúng ta cũng được phú thác cho những đức tính bẩm sinh khác như là rộng rãi, thương yêu, dễ thương và hợp tác, chúng giúp ta đối trị và nhiều khi vượt thắng những bản năng ích kỷ thấp kém kia. Quan trọng hơn nữa, chúng ta còn phát triển được thêm phần não thùy trái trước trán (prefrontal cortex), nó cho ta những chức năng như là tự quan sát, tự quán chiếu và chánh niệm. Và đức Phật cũng đã khuyến khích chúng ta nên biết tận dụng những chức năng này. Trong kinh ngài dạy tiếp:

Vị ấy thấy rõ như sau: Khả ý này khởi lên nơi ta, bất khả ý này khởi lên nơi ta, khả ý và bất khả ý này khởi lên nơi ta.

Sự ghi nhận ấy mới nghe qua có vẻ rất tầm thường và không có gì đặc biệt, nhưng đó là một bước tiến rất lớn lao. Khi chúng ta biết mang ánh sáng ý thức ấy quay trở vào nội tâm mình, nó sẽ soi sáng tất cả những góc cạnh tăm tối trong tâm thức ta. Khi ta thấy được những gì khởi lên và qua đi trong tâm và thân trong mỗi giây phút, điều đó sẽ giúp cho những kinh nghiệm của ta trở thành một cái gì cụ thể và dễ hiểu chứ không còn là những bí mật, vô hình, hoàn toàn bị điều kiện bởi phần vô thức. Và ý thức chánh niệm ấy tạo một nền tảng tiên quyết, cần thiết để ta bước tiếp một bước chuyển hóa nữa, như theo lời Phật dạy, là thấy được tự tánh của hiện tượng:

“Cái này khởi lên, vì là hữu vi cho nên còn thô. Nhưng cái này là an tịnh, cái này là thù diệu, tức là sự buông xả và an tĩnh.” 

Cho nên, dầu cho cái khởi lên là khả ý, bất khả ý hay khả ý và bất khả ý, tất cả đều sẽ đoạn diệt, chỉ có sự buông xả và an tĩnh là tồn tại.

Nhìn dưới con mắt tuệ giác của đạo Phật thì tất cả mọi kinh nghiệm của chúng ta đều bị chi phối bởi luật nhân quả. “Bất khả ý” khởi lên thật ra chỉ là một trạng thái của ác cảm, nó siết chặt lại chung quanh một cảm thọ khó chịu cùng khởi lên khi ta tiếp xúc với một đối tượng nào đó của giác quan. Thật ra, thái độ ấy chỉ là kết quả của tánh khí ta, tự chúng không gì khác hơn là những tập quán, thói quen phản ứng mà ta đã huân tập qua nhiều đời khi ứng phó với cuộc đời.

Và tuệ giác ấy sẽ mang lại cho ta một sự giải thoát ngay tức khắc. Tâm ta sẽ không còn bị trói buộc bởi ước muốn nắm bắt những gì “khả ý” và xua đuổi những gì là “bất khả ý.” Khi ta hiểu rằng, cảm xúc khởi lên là một chuyện và phản ứng thương ghét của ta đối với nó lại là một chuyện hoàn toàn khác hẳn, sợi dây liên kết nhân quả sẽ bị phá tung và tiếp theo đó là một giây phút giải thoát hoàn toàn.

Trong giây phút đó ta có thể chọn lựa cho mình một cách phản ứng khác. Những khả ý và bất khả ý đã từng mang lại khổ đau có thể được thay thế bằng một cái gì lớn lao hơn, có khả năng dung chứa được hạnh phúc lẫn khổ đau mà không cần phản ứng. An tĩnh nhưng vẫn rất gần gũi với cảm xúc của mình, chúng ta an trú trong giờ phút hiện tại với một nụ cười hàm tiếu của Phật trên môi.

Điều này có thể nghe như một lý tưởng rất xa vời, nhưng đức Phật dạy rằng lúc nào nó cũng có mặt ngay bây giờ và ở đây:

Như một người có mắt, sau khi mở mắt, lại nhắm mắt lại, hay sau khi nhắm mắt, lại mở mắt ra; cũng vậy, đó là tốc độ, đó là sự mau chóng, đó là sự dễ dàng đối với cái gì đã khởi lên, khả ý, bất khả ý hay khả ý và bất khả ý, (tất cả) đều đoạn diệt, và chỉ có sự an tĩnh tồn tại mà thôi.

Đức Phật nói nghe thật đơn giản làm sao. Chúng ta chỉ cần chuyển đổi thái độ của mình một chút xíu thôi, đơn giản là buông bỏ những thương ghét của mình một chút, cởi mở ra và thật sự tiếp xúc với giây phút này, thay vì là với một kỳ vọng nào đó. Với chánh niệm đầy đủ, hành trình từ khổ đau đến hạnh phúc sẽ xảy ra chỉ trong một chớp mắt.

                                                                                     Andrew Olendzki 

ĐỨC PHẬT BÊN TRONG
Nguyễn Duy Nhiên tuyển dịch
Nguyễn Minh Tiến hiệu đính 
Nhà xuất bản Tôn Giáo, Hà Nội


- Ý NGHĨA QUÁN TỰ TẠI




  Người người đều có “ đức Quán tự tại”, cần gì phải nhọc công viễn cầu tha phương ? Đức quán tự tại đó là ai?
  「Quán tự tại」là một trong những danh hiệu của đức Quán Thế Âm bồ tát. Danh hiệu đó mang ý nghĩa rằng : chỉ cần bạn biết quán chiếu chính mình, nhận ra được chính mình rõ ràng , thì ngay giờ phút đó chính bạn đã thành tựu được tự tại rồi.
   Điển dụ như trong mối quan hệ tương giao, nếu bạn đủ năng lực quán chiếu đến trình độ giữa mình và người 「nhân ngã không hai」 thì có điều gì là không tự tại? Rồi khi quán chiếu cảnh giới mà tâm bạn không những không bị ngoại cảnh lôi cuốn chỉ đạo, mà còn khéo biết làm chủ tâm mình, khiến chuyển hóa được cảnh giới trở nên tốt đẹp hơn, thì thử hỏi có cảnh nào là cảnh khiến cho bạn không tự tại? Đối diện bất luận sự việc nào, cho du ølà sự tình phức tạp rối rắm đến đâu, nhưng nếu bạn biết nhìn nó với cái nhìn thư thái đơn giản thì có việc gì là việc khiến cho bạn không tự tại? Chúng ta quán chiếu tư duy và vận hành được đạo lý’’Bình thường tâm thị đạo” trên bất luận tình huống đối đãi, thì đạo lý huyền diệu thậm thâm kia sẽ mở rộng cửa đưa chúng ta vào thế giới nội tâm huyền diệu. Và rất tự nhiên chúng ta sẽ hiểu rõ rằng : 
  Tự tại, tự tại! Tự tại nơi nơi cầu; Chỉ cần tâm mình tự tại thì tất cả mọi cảnh tình, mọi sự lý tự nhiên sẽ trở thành tự tại thôi
  Cuộc sống ở đời, nếu có tiền của mà đời sống không được tự tại thì cuộc sống đó có gì đáng an vui ! Thế nhưng, cuộc sống con người trên thế gian, 「 cái có kia」thông thường chỉ là「cái có chướng ngại」,「có buồn phiền.」Do vậy, có rất nhiều người tiền của có đến vàng kho bạc bể, giàu có đến nỗi thân tâm bất tự tại, luôn sống trong sự phập phồng lo sợ; cho đến có gia đình, có ái tình, có danh vị chức tước, nhưng cuộc sống của những cái có đó vẫn luôn luôn là cuộc sống nô lệ, không tự tại. Bởi vì con người đó chỉ biết tầm cầu, chạy đuổi nắm bắt lấy cái「cóù của dục vọng , của vọng tưởng điên đảo.
  Những nhân vật có quyền lợi chính trị, khi đối đầu với những vấn đề gay cấn, thường chỉ biết bứt đầu gãi tai, biểu hiện dáng vẻ bất an , thống khổ. Người có cơ sở công ty đồ sộ, nhưng khi tiền tài lưu chuyển không linh hoạt  thì tâm trí xáo động đến ăn không ngon , ngủ không yên, thần sắc bơ phờ, cho đến đứng ngồicùng không một dáng an nhiên tự tại.
  Trong cuộc sống thế gian, nếu Chúng ta vừa có được tài phú danh vị, lại vừa có được cuộc sống tự tại thì đương nhiên đó là cuộc sống lý tưởng tuyệt vời! Bằng ngược lại, nếu chỉ thành đạt được cái danh lợi vật chất thế gian , mà tâm hồn không một phân tự tại, thì thử hỏi cuộc sống ấy có vững bền? Có an lạc hạnh phúc?  Và đời người ấy có ý nghĩa gì chăng?
 Chúng ta hồi đầu nhìn lại xem, khi còn ở độ tuổi ấu thơ, thường là có cha mẹ quản giáo, chúng cho rằng không được tự tại. Đến lúc thành niên lập gia đình, thọ nhận sự đòi hỏi của đôi bên nội ngoại, liền cảm thấy như bị trăm ngàn sợi dây vô hình gò bó, trói buột, không tự tại. Rồi khi trưởng thành, phục vụ xã hội với các loại hình chức nghiệp lại cảm thấy biết bao điều phức tạp phiền toái, không xứng ý hợp tình, khiến thân tâm tràn đầy nỗi bức xúc, không phút giây thanh thản.
Từ đó mà suy, thành tựu cuộc sống ý nghĩa không ngoài bình nhâït sinh hoạt biết nắm bắt kỹ năng hỷ xả, buông xả, tôi luyện mình phong thái thân tâm tự tại.
 Đứng trước nhân ngã, thị phi, bạn giữ đượcthân tâm tự tại? Đứng trước danh lợi phú quý chúng ta vẫn bảo trì được tâm an tĩnh, tự tại? Hoặc đứng trước sanh lão bệnh tử liệu chúng ta có đủ sức giữ vững tâm thái an nhiên tự tại?
Trong cuộc sống, nếu tâm trí chúng ta không thường tồn an tĩnh tự tại, thì cho dù sự nghiệp có nhiều, tiền muôn của núi đi nữa, cũng chỉ la øgia tăng thêm sự trói buột mà thôi! Lại nữa, nếu đứng trước tám ngọn gió : tán dương ca tụng, hiềm khích, huỷ báng , danh dự, lợi dưỡng , suy tàn khổ đau và khoái lạc kia quyến rũ, thổi lốc độc hại mà tâm chúng ta vẫn không bị lay động thì rất tự nhiên mà nói, chúng ta đã thành tựu được đức hạnh tự tại giải thoát rồi. Và ngay lúc đó chẳng phải chính mình là đức 『Quán tự tại』đó sao!


Trích: Nấc Thang Cuộc Đời, Giữa Mê & Ngộ (1)
Nguyên tác: Đại Sư Tinh Vân

Việt dịch: Thích Nữ Huệ Phúc
Nhà Xuất Bản Văn Hóa Phật Quang 2005







- Ðức Phật Là Bậc Thầy Các Nhà Khoa Học

Phật (Buddha) là một từ ngữ để chỉ người giác ngộ viên mãn. Ðức Thích Ca Mâu Ni (Sàkyãmuni) là người đã giác ngộ, nên chúng ta gọi Ngài là Phật. Giác ngộ là thấy biết mọi chân lý về vũ trụ và nhân sinh. Từ chỗ giác ngộ này, đức Phật chỉ dạy các môn đồ còn ghi chép lại thành Tạng kinh. Trong tạng kinh chứa đầy dẫy những chân lý, dù trải qua hơn 25 thế kỷ vẫn còn giá trị nguyên vẹn, không do thời gian làm suy giảm. Ngày nay chúng ta nghiên cứu Tạng kinh thật chín chắn, càng phát hiện những chân lý ấy gần gũi và thích hợp với khoa học một cách không ngờ. Trong bài viết này, chúng tôi chỉ giới thiệu tổng quát vài nét cương yếu để đọc giả suy ngẫm.

Về vũ trụ - Ðức Phật ra đời trên sáu thế kỷ trước công nguyên, còn các nhà khoa học được biết đến, mới có từ thế kỷ thứ 18 sau công nguyên. Thế mà ở thời kỳ ấy, đức Phật nhìn trong vũ trụ thấy thế giới không thể kể hết, nên trong kinh thuộc Hán tạng có những câu "Hằng hà sa số thế giới", nghĩa là thế giới nhiều như cát sông Hằng (Ganges), hoặc câu "vi trần sát" nghĩa là cõi nước (sát) nhiều như nhũng hạt vi trần. Ðến nay các nhà thiên văn học nhờ viễn vọng kính nhìn thấy trong bầu hư không có không biết cơ man là thế giới. Vô số ngôi sao lấp lánh hiện trên nền trời trong lúc ban đêm, mà mắt chúng ta nhìn thấy được; là những hành tinh (thế giới), còn không biết có bao nhiêu hành tinh khác quá xa mắt không thể nhìn thấy được. Chính đây là bằng chứng cụ thể, nhờ khoa học giúp chúng ta hiểu được lời Phật dậy cách đây trên 25 thế kỷ: Lại nữa, có lần Ðức Phật cùng các thầy tỳ kheo đi vào rừng, nhìn thấy những lá rơi lả tả và những lá vàng uá sắp về cành, đồng thời có nhũng chòi non vừa nẩy lộc và những mầm vừa nhú khỏi vỏ cây, Ngài dạy các Tỳ Kheo: Thế giới đang hoại, sắp hoại và đang thành cũng như lá cây trong rừng đang rụng, sắp rụng và đang nẩy chồi, sắp nẩy chồi".Vì thế, đức Phật thường dạy thế giới có bốn thời :Thành, trụ, hoại, không." Ngày nay các nhà khoa học cũng thừa nhận thế giới phải trải qua bốn thời kỳ như thế. Ðây là cái nhìn thích hợp giữa Phật học và khoa học mà cách cách nhau thời gian qúa xa.

Về vạn vật - Vạn vật sinh thành và hoại diệt trên đời, dưới con mắt trí tuệ của đức Phật đều do "duyên khởi". Duyên khởi là nhân duyên sinh khởi, không có một vật nào hình thành mà không do các duyên nhóm họp. Nếu nói sự vật ngẫu nhiên tự thành, hoặc có bàn tay mầu nhiệm nào tạo dựng đều không đúng sự thật. Ðức Phật xác nhận vạn vật do nhân duyên tụ họp thì thành, nhân duyên ly tán thì hoại. Sự thành hoại cuả vạn vật đều do duyên, là chỗ thấy như thật của đức Phật. Bởi thế trong kinh Phật thường dạy "Các pháp do duyên khởi, không có thực thể, các pháp do duyên khởi, không có cố định". Không có thực thể là thuyết "vô ngã". Không có cố định là thuyết "vô thường", mà trong kinh thường nói "chư hành vô thường, chư pháp vô ngã". Không khi nào có một nhân đơn thuần thành hình một vật, cũng không khi nào có sự bất ngờ sinh ra một vật, mà phải đủ duyên mới thành. Vì vậy đức Phật không chấp nhận thuyết "nhất nhân" và thuyết"vô nhân". Với sự thực này, ngày nay khoa học đã làm sáng tỏ, chúng ta không còn gì phải nghi ngại. Hơn nữa, trước mắt chúng ta thấy vô vàn sự vật, nếu đem ra phân tích đều do nhân duyên hợp thành, không có vật nào tự thành hay do một cái gì đó làm thành. Sự thật hiển nhiên này càng làm sáng tỏ lời đức Phật dạy. Chúng ta thấy rõ Phật học và khoa học tuy thời gian cách xa mà không có giới tuyến ngăn cách.

Về con người - Khi Phật còn tại thế, Ngài nhìn trong bát nước thấy vô số vi trùng, trong kinh Hán tạng có câu "Phật quán nhất bát thủy, bát vạn tứ thiên trùng" Nghĩa là Phật nhìn trong bát nước thấy tám muôn ngàn (84000) vi trùng. Ngày nay nhờ kính hiển vi, các nhà khoa học thấy trong nước có nhiều vi trùng. Lại nữa, Phật nhìn thấy trong thân người thấy vô số vi trùng, trong Hán tạng có câu "nhơn thân chi nội hữu vô số vi trùng tại trung nhi trú" Nghĩa là trong thân người có vô số vi trùng đang trú ẩn bên trong. Ðiều này ngày nay chúng ta chỉ cần có chút ít kiến thức khoa học là không còn nghi ngờ gì nữa.

Nghiệp lực - Nếu không có một đấng nào an bày, muôn vật làm sao được sanh thành, hoại diệt và sinh hoạt trong một trật tự nhất định? Nhà Phật nói "do sức nghiệp thúc đẩy và thu hút mọi vật hình thành, khi mãn nghiệp thì hoại diệt. Cũng như do động lực của nghiệp nên mọi vật sinh hoạt trong một trật tự nhất định" Nghiệp là động lực lôi cuốn các duyên tụ họp lại thành hình sự vật; khi sức nghiệp mãn các duyên ly tán thì sự vật hoại diệt. Nghiệp có khả năng cuốn hút sự vật quay cuồng trong quĩ đạo nhất định. Ngày nay các nhà khoa học đã nói do sức quay và sức hút của mọi vật trong vũ trụ, các hành tinh trong bầu vũ trụ hoặc lớn hoặc nhỏ đều quay cuồng trong hư không và trong một quỹ đạo nhất định. Cho đến nhỏ như một hạt nguyên tử cũng quay cuồng và xoắn chặt vào nhau mà thành hình muôn vật. Ðộng lực quay và hút này do nghiệp lực tạo nên. Nghiệp là đông lực lôi cuốn theo thói quen, đồng thời cảm ứng với vật khác đồng tính nên bị thu hút. Do nghiệp chi phối nên con người và muôn vật trên thế gian được thành hình và sinh hoạt trong một phạm vi nhất định nào đó, khi sức nghiệp mãn con người và muôn vật theo đó hoại diệt. Song nghiệp có thể chuyển đổi được, không phải cứng nhắc cố định, vì nó là động lực.
Tuy nhiên thuyết nghiệp báo luân hồi đã có trước thời đức Phật, xuất phát từ các kinh Phệ Ðà (Véda); song với tinh thần tôn trọng chân lý, đức Phật xét thấy đúng sự thật liền ứng dụng đem dậy đệ tử tu hành. Trong đó, đức Phật có sửa đổi những phần lệch lạc theo quan niệm Bà la Môn giáo để lý thuyết này được hoàn chỉnh hơn. Vì vậy, ngày nay mọi người đều thừa nhận thuyết nghiệp báo luân hồi là của đạo Phật.

Ðạo Phật đặt trọng tâm ở con người - Chỗ thấy biết của đức Phật đúng sự thật, hợp chân lý, nên trải qua thời gian dài mà không sai chạy hay lạc hậu. Ðức Phật không dùng cái thấy biết tuyệt vời ấy để phân tích ngoại cảnh, sử dụng ngoại cảnh phục vụ con người. Ngài chỉ dùng cái thấy ấy biết ấy để soi sáng thẳng vào con người, để thấy biết con người tường tận từ thể xác lẫn tinh thần. Biết rõ con người rồi, đức Phật dạy cách sống đúng tư cách con người, đồng thời chuyển hoá thân tâm đẻ được an lạc trong hiện tại và mãi sau kia. Có lần đức Phật cùng các thầy Tỳ kheo đi vào rừng Simma, Ngài dùng tay nắm một nắm lá cây đưa lên hỏi các thầy Tỳ kheo" "Lá cây trong tay ta nhiều hay lá lá cây trong từng nhiều?" Các thầy Tỳ kheo thưa :"Lá cây trong tay Thế Tôn rất ít so với lá cây trong rừng" Ðức Phật dạy "Cũng thế, cho ta thấy biết nhiều như lá cây trong rừng, những điều ta dạy các ông ít như lá cây trong nắm tay ta" Ðiều này khiến chúng ta thấy rõ, dù việc ấy đúng sự thật mà không cần thiết cho sự đào tạo xây dựng con người được an vui hạnh phúc hiện tại và mai sau, Phật vẫn không đem ra chỉ dạy. Phật chỉ dạy những điều cấp thiết để giải quyết mọi khổ đau cho kiếp sống con người. Vì tuổi thọ con người quá ngắn (60--70 năm) không đủ thì giờ để học hiểu hết mọi điều trên thế gian này.
Phần hệ trọng nhất nơi con người là tinh thần. Tinh thần sai sử thể xác tạo thành nghiệp lành nghiệp dữ, cảm thọ quả khổ, vui ở hiện tại và vị lai. Cho nên bao nhiêu lời khuyên răn của Phật đều đặt nặng sự chuyển hoá nội tâm của con người. Con người nội tâm được trong sáng thì đời sống hiện tại đầy đủ ý nghĩa, sau khi kết thúc cuộc đời mọi sự sáng trong tươi đẹp đang sẵn sàng chờ chực. Ðây là trọng tâm cứu khổ chúng sinh của đức Phật Thích Ca, cũng là của đạo Phật.

Ðạo Phật chủ trương giác ngộ, giải thoát, từ bi, bình đẳng - Ðức Phật do giác ngộ nên thành Phật, suốt đời giáo hoá của Ngài cũng lấy giác ngộ làm trọng tâm. Người tu Phật mà thiếu giác ngộ là không phải người đệ tử chân chính của đạo Phật. Khổ đau gốc từ vô minh, muốn hết khổ đau phải dứt sạch vô minh. Chỉ có ánh sáng giác ngộ mới dẹp tan được màn vô minh, ngoài giác ngộ ra không còn cách nào dẹp được vô minh. Như chỉ có ánh sáng mới dẹp được bóng tối, ngoài ánh sáng không có cái gì dẹp được bóng tối. Vô minh không tan thì đayu khổ làm sao hết được. Vì thế, phương pháp duy nhất để cứu khổ chúng sinh là giác ngộ. Ðây là nguyên nhân đạo Phật lấy giác ngộ làm chủ yếu.
Nhờ giác ngộ con người mới giản trạch được điều chân lẽ ngụy, thấy rõ cái gì trói buộc, cái gì tự d, nên chọn được lối sống thích ứng lẽ thật, phù hợp với tinh thần tự do. Tự do đây không có nghĩa đòi hỏi bên ngoài, nơi kẻ khác mà tụ chiến thắng những dục vọng đê hèn của mình, hàng phục được vọng tưởng điên đảo của nội tâm. Ðúng với câu đức Phật dạy: Thắng một vạn quân không bằng thắng mình, thắng mình mới là chiến công oanh liệt". Tinh thần tự do của đạo Phật là làm chủ toàn vẹn thể xác lẫn tinh thần của chính mình. Ðó là tự do tuyệt đối, cũng là giải thoát của Phật dạy.
Ðem vui và giải khổ cho chúng sanh là lòng từ bi của đạo Phật. Muốn cho mọi người hết khổ được vui, tu sĩ Phật Giáo lúc nào cũng đưa cao ngọn đuốc chánh pháp cho mọi người mồi, để cùng thắp sáng trong căn nhà tăm tối muôn đời của mình. Bản thân mình, người tu sĩ phải chiến thắng phiền não để làm mẫu mực và chỉ dạy người dẹp trừ phiền não. Vô số khổ đau của chúng sanh đều phát xuất từ si mê và phiền não. Thiếu thốn vật chất là đau khổ đã đành, có khi thừa mứa vật chất người ta vẫn đau khổ như thường. Cho nên trí tuệ là hòn ngọc quý để đổi lấy của cải và sự nghiệp, trí tuệ là ngọn đuốc soi sáng cho chúng ta tránh khỏi lạc lối lầm đường. Dứt một phần phiền não, chúng ta được một phần an lạc, hoàn toàn sạch phiền não thì còn gì làm phiền lụy chúng ta. Sau khi mở sáng con mắt trí tuệ và dứt sạch phiền não, con người mới được an vui tự tại đầy đủ. Người tu sĩ Phật giáo tha thiết cứu khổ chúng sanh bằng cách tận lực chỉ dạy cho mọi người được trí tuệ và tự do.

Phật giáo chỉ nhìn chúng sanh đều bình đẳng trong bản tánh, chỉ có sai khác trên nghiệp tướng. Nghiệp tướng là cái sinh diệt biến động, bản tánh chưa bao giờ sinh diệt đổi thay. Cái sanh diệt biến động là tạm bợ, đã tạm bợ dù sai khác thế mấy cũng không quan trọng. Chính cái quan trọng là bản tánh thường hằng của chúng sanh. Cho nên đức Phật thường dạy "Tất cả chúng sanh đều có tánh Phật", đó là lối nhìn bình đẳng của Phật giáo. Thấy thấu suốt được lẽ này, chúng ta sẽ dứt được tâm tự cao ngã mạn và không còn dám khinh thường một ai. Ðây là nền tảng đạo đức chân thật, nên Bồ tát Thường Bất Khinh thấy ai cũng nói "Tôi không dám khinh các ngài, các ngài sẽ thành Phật". Ðã sẵn có tánh Phật thì người nào tu mà chẳng được, chỉ do chưa thức tỉnh và lười nhác mà thôi. Do cái nhìn thấu suốt này, người tu theo đạo Phật không bai giờ có tâm kỳ thị với bất cứ nhóm nào, cũng không có tâm khinh khi miệt thị ai.
Ðạo Phật lấy giác ngộ làm gốc rễ, lấy giải thoát làm hoa trái, lấy từ bi và bình đẳng làm nhựa sống. Bốn yếu tố này rất thiết thân với nhân loại văn minh. Bất cứ nền văn minh chân chính nào đòi hỏi con người phải có đủ trí tuệ sáng suốt, thong thả tự do, tình thương làm vơi cạn đau khổ cho con người, bình đẳng không chấp nhận giai cấp, không kỳ thị tôn giáo, chủng tộc, màu da. Nếu thiếu một trong bốn yếu tố này, dù nói văn minh vẫn chưa thực sự văn minh. Ðứng từ góc độ này mà nhìn, chúng ta thấy đức Phật đã quả thực đi trước các nhà khoa học xa; tương lai dù nhân loại văn minh tiến bộ đến đâu cũng khó qua mặt được đạo Phật.

Trích: Cành Lá Vô Ưu_HT. Thích Thanh Từ


- ĐẠO PHẬT LÀ ĐẠO GIÁC NGỘ


Giảng tại San Diego - Hoa Kỳ tháng 11-2000
Hôm nay chúng tôi đủ duyên sang đây và được quí vị trong ban tổ chức mời giảng. Có nhiều Phật tử chưa từng gặp tôi, chưa từng trực tiếp nghe tôi giảng pháp nhưng đã nghe băng, xem video. Hôm nay quí vị muốn được gặp chúng tôi, nên đây là cơ hội tốt để chúng ta gặp nhau, thăm viếng và nhắc nhở tu hành.
Chúng ta là đệ tử Phật, tu theo Phật, trước nhất phải xác định rõ ràng đạo Phật dạy chúng ta tu thế nào, để không bị lầm lẫn. Vì vậy hôm nay tôi sẽ giảng đề tài Đạo Phật là đạo giác ngộ, nhằm giúp quí Phật tử không còn tí nghi ngờ nào trên đường tu hành của mình.
Trước tiên, chúng tôi tạm định nghĩa “Phật” là một đấng giác ngộ. Tất cả chúng ta ai cũng biết đức Thích-ca Mâu-ni được giác ngộ thành Phật. Nhưng có người gọi Ngài là “Phật”, có người gọi là “Bụt”. Tại sao như vậy? Ở đây tôi sẽ giải rõ.
Nước Việt Nam chúng ta trước kia có những vị Sư Ấn Độ theo các nhà buôn đến truyền bá đạo Phật. Các ngài nói bằng tiếng Ấn Độ và được dịch ra tiếng Việt. Ngày xưa chúng ta không gọi danh từ Phật mà gọi là Bụt. Sau này, dần dần mới gọi Phật. Như vậy, gọi Phật đúng hay gọi Bụt đúng?
Chữ Phật nói đủ là Phật-đà, do người Trung Hoa dịch âm từ tiếng Phạn “Buddha”. Người Ấn gọi nguyên âm là Buddha, nghe dài nên người Việt Nam gọi gọn lại thành Bụt. “Phật-đà” hai âm nghe cũng dài, nên chúng ta gọi gọn lại thành Phật. Như vậy, gọi Bụt tương đối gần hơn Phật. Nhưng Buddha hay Phật-đà cũng chỉ là âm thôi, còn nghĩa của nó như thế nào, đó mới là điều quan trọng.
Nghĩa chữ Phật-đà, Trung Hoa dịch là Giác giả tức người giác ngộ. Chữ Giác giả để nói lên sau khi đức Phật thành đạo rồi được mọi người gọi là đấng giác ngộ toàn vẹn. Đó là từ do mọi người đặt cho khi Phật được giác ngộ. Thế thì đức Phật giác ngộ cái gì, giác ngộ thế nào? Đó là những điểm chánh chúng ta cần phải truy tìm. Muốn truy tìm việc này, trước hết chúng ta phải phăng tận nguyên nhân tại sao Ngài tìm đạo và được giác ngộ thành Phật. Đó chính là trọng tâm việc đức Phật đi tìm đạo.
Tăng Ni, Phật tử ai cũng thuộc lòng lịch sử tìm đạo của đức Phật. Chúng ta không nghi ngờ gì về chuyện Ngài dạo qua bốn cửa thành, thấy cảnh già, bệnh, chết, một người tu và sau đó Ngài phát tâm xuất gia. Như vậy, nguyên nhân khiến Ngài đi tu là do Ngài xúc động, thắc mắc và băn khoăn trước cảnh già, bệnh, chết của con người. Nếu chúng ta truy nguyên tường tận nữa thì sẽ thấy ý nghĩa Ngài đi tu mang theo những tâm niệm, hoài bão riêng và chung cho Ngài cũng như nhân loại.
Nhìn thấy cảnh đau khổ của con người phải chịu từ trước, hiện tại và cả mai sau liên tục không dừng, sanh rồi già bệnh chết. Ngài xúc động, băn khoăn trong lòng, muốn tìm ra một lối thoát những khổ đau đó. Qua đó, chúng ta có thể gom gọn ý nghĩa đi tu của Ngài trong ba câu hỏi:
1-  Con người từ đâu đến đây?
2-  Sau khi chết sẽ đi đâu?
3-  Nếu không muốn sanh tử nữa thì phải làm sao?
Ba câu hỏi đó là ba vấn đề xoáy mạnh vào kiếp con người. Ngài muốn tìm, muốn giải quyết kiếp sống của con người, chớ không có vấn đề nào khác hơn. Con người có mặt ở đây là từ đâu đến mà không ai biết gì cả. Rồi khi chết chúng ta sẽ về đâu, cũng không biết. Muốn ra khỏi vòng chết sống đó cũng không biết phải làm sao. Đa số chỉ thắc mắc hai câu đầu thôi, không biết mình từ đâu đến, chết sẽ về đâu. Còn câu thứ ba, làm sao ra khỏi sanh tử dường như quá sức của chúng ta.
Đức Phật đi tu vì Ngài không biết gì về thân phận của mình, cho nên phải cố gắng phăng tìm cho được manh mối đó, gọi là tìm đạo. Trong thời gian tìm đạo, trước tiên Ngài đến học với những vị tiên đương thời. Vị ban đầu dạy pháp quán Tứ thiền tức Sơ thiền, Nhị thiền, Tam thiền và Tứ thiền. Ngài tu pháp này được kết quả trọn vẹn nhưng chưa hài lòng. Vì kết quả không đúng với mục tiêu ban đầu Ngài muốn biết. Vì vậy đức Phật từ giã ra đi.
Kế đó Ngài gặp một vị khác dạy tu Tứ không tức Không vô biên xứ, Thức vô biên xứ, Vô sở hữu xứ và Phi tưởng phi phi tưởng xứ. Đây là bốn thứ định tối cao của pháp quán Tứ không. Bốn định này Ngài cũng tu thành công nhưng vẫn chưa giải quyết được mục đích ban đầu của Ngài, nên Ngài cũng từ giã ra đi.
Đức Phật có mục đích rõ ràng, tu để tìm cho ra manh mối sanh tử và chấm dứt sanh tử. Cho nên ai dạy Ngài không đạt đến mục đích đó thì Ngài đều từ bỏ cả. Chúng ta ngày nay không có mục đích rõ ràng như vậy, nên ai nói gì hay lạ mình cũng nghe theo, rồi đi lạc tứ tung. Đó là điểm sai lầm của chúng ta.
Sau khi không chấp nhận hai vị thầy ban đầu, một mình Ngài tự nghĩ làm sao thanh lọc được thân tâm này trong sạch, vứt bỏ tất cả những nhơ nhớp để tâm trí được sáng suốt, mới có thể thấy được chân lý. Từ đó Ngài bắt đầu tu khổ hạnh, bớt ăn bớt ngủ, đến nỗi thân thể gầy còm, không đủ sức đi đứng nữa. Lúc đó Ngài nhận ra rằng hành xác để tìm giác ngộ là điều không đúng lẽ thật, nên Ngài từ bỏ lối tu khổ hạnh.
Sau khi từ bỏ lối tu khổ hạnh, đức Phật đến cội bồ-đề quyết tâm cầu giác ngộ giải thoát cho viên mãn mới thôi. Dưới cội bồ-đề, Ngài lượm cỏ gom lại thành tòa, rồi chỉ tòa cỏ thề rằng: “Ta nguyện ngồi nơi đây, nếu không thành đạo thì dầu xương tan, thịt nát cũng không rời khỏi gốc cây này.” Chính tâm cương quyết liều chết đó, nên trải qua bốn mươi chín ngày đêm tọa thiền, Ngài được giác ngộ viên mãn, thành tựu đạo quả Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác.
Khi giác ngộ, Ngài chứng được Tam minh, Lục thông, Tứ vô sở úy, Thập bát bất cộng pháp, v.v… rất nhiều. Nhưng ở đây tôi rút gọn, chỉ kể Tam minh thôi để chúng ta thấy chỗ giác ngộ của đức Phật có những nét rất kỳ đặc.
Đức Phật tọa thiền tới đêm thứ bốn mươi chín, vào canh hai Ngài chứng được Túc mạng minh, nhớ lại vô số kiếp về trước một cách rõ ràng như nhớ chuyện hôm qua. Thế là câu hỏi thứ nhất “Ta từ đâu đến?” đã được trả lời, đức Phật thấy rõ qua vô số kiếp đã từng ở đâu, cho tới bây giờ đến đây. Hiện nay ta có mặt là nối tiếp một dòng sanh tử từ vô số kiếp. Chứng được Túc mạng minh, Ngài mới thấy rõ luân hồi là một lẽ thật, không phải mình chỉ có mặt trong một đời, mà đã có mặt trong nhiều kiếp, sanh ra tử đi, cứ như vậy mãi cho tới ngày nay.
Không dừng lại ở Túc mạng minh, Phật cố gắng tu tiếp đến canh ba, chứng được Thiên nhãn minh. Ngài thấy suốt được tất cả, thế là câu hỏi thứ hai “Sau khi chết, ta sẽ về đâu?” được trả lời. Do chứng Thiên nhãn minh Ngài thấy chúng sanh luân hồi trong lục đạo là do nghiệp dẫn, đi đâu về đâu một cách rất rõ ràng. Trong kinh diễn tả rằng đức Phật nhìn thấy chúng sanh đi trong lục đạo như người đứng trên lầu cao nhìn xuống ngã tư đường, thấy kẻ đi qua người lại một cách rõ ràng, không nghi ngờ gì hết.
Như vậy, nhờ chứng được Thiên nhãn minh, Ngài biết rõ rằng sau khi chết không phải là hết, mà chúng ta theo nghiệp dẫn đi trong lục đạo luân hồi. Nếu nghiệp ác thì bị dẫn vào địa ngục, ngạ quỉ, súc sanh. Nếu nghiệp thiện thì sanh vào cõi người, cõi trời. Vì vậy Phật mới dạy chúng ta tu nhân quả, tu nhân lành để được đi đường lành, đừng tạo nhân ác để khỏi đọa trong ba đường ác.
Chứng được Thiên nhãn minh rồi, Ngài tiếp tục nỗ lực tiến tu, đến khi sao Mai vừa mọc, Ngài liền chứng Lậu tận minh. “Lậu tận” tức sạch hết những chủng nhân khiến chúng ta rơi rớt lại trong tam giới là Dục giới, Sắc giới và Vô sắc giới. Chứng Lậu tận minh, Ngài giải quyết được câu hỏi thứ ba “Muốn thoát khỏi sanh tử ta phải làm sao?” Rõ được nguyên nhân nào khiến chúng sanh ra vào trong sanh tử và làm sao để dứt được những nguyên nhân đó là giải thoát sanh tử.
Như vậy, ba nghi ngờ trọng tâm khiến Ngài phát nguyện đi tu, đến đây đã được giải quyết xong. Không do suy lý, cũng không do ai chỉ dạy, chính Ngài tự sáng, tự nhận thấy tường tận lẽ thật ấy, nên Ngài tuyên bố “Ta giác ngộ không thầy”. Điều này khiến nhiều người hoang mang, không ai dạy làm sao Ngài giác ngộ? Đó cũng là điều mà sau này đức Phật thường tuyên bố “Ta là Phật đã thành, các ngươi là Phật sẽ thành”.
Như vậy, chỉ căn cứ trên phần chứng ngộ Tam minh của Phật, chúng ta thấy công phu Ngài cũng đã viên mãn rồi. Bởi Ngài đã nghi ngờ về thân phận con người, muốn làm sao đừng tiếp nối sanh tử nữa. Vì chứng kiến cảnh già, bệnh, chết là khổ đau nên Ngài muốn thoát ra khỏi những thứ đó. Khi chứng được Lậu tận minh, thấy được nguyên nhân và kết quả con đường đi vào sanh tử và con đường thoát ly sanh tử, nên bài thuyết pháp đầu tiên của Ngài ở vườn Lộc Uyển là bài pháp Tứ đế: Khổ đế, Tập đế, Diệt đế, Đạo đế. Tập đế là nhân, Khổ đế là quả trong luân hồi sanh tử. Diệt đế là quả, Đạo đế là nhân để thoát ly sanh tử.
Như vậy, những gì thấy được Ngài đều đem ra dạy ngay từ buổi đầu. Đó là chân lý mà chính Ngài chứng nghiệm, chớ không phải do suy luận, cũng không do nghe ai nói. Vì vậy gọi là giác ngộ, tức thấy đúng như thật. Chúng ta ngày nay tu theo đạo Phật là tìm cái gì? Tu để cầu đời sau sướng hơn đời này phải không? Hầu hết đều muốn như vậy, chớ ít ai nghĩ tu để giải thoát sanh tử. Thậm chí có nhiều vị xuất gia mà cũng chưa muốn giải thoát nữa.
Tất cả chúng ta hầu hết muốn nghiên cứu, tìm hiểu, đều nhắm ra ngoài mà quên mình. Nên có câu “Con mắt ngó ra!” Bởi ngó ra nên thích tìm, thích biết những cái ở ngoài, còn ngay bản thân mình ta lại không biết gì. Đó là điều hết sức thiếu sót. Đức Phật bắt buộc chúng ta quay lại mình, tìm cho rõ về mình. Sau khi biết rõ về mình rồi thì chúng ta sẽ biết tất cả những thứ khác ở ngoài. Điều đó mới nghe thấy lạ, nhưng sự thật là như thế.
Sau khi chứng được Thiên nhãn minh rồi, ngoài việc thấy được nghiệp dẫn chúng sanh đi trong luân hồi sanh tử, đức Phật còn thấy nơi thân này có vô số vi trùng. Cho nên trong kinh nói “Nhân thân chi nội hữu vô số vi trùng tại trung nhi trú”, nghĩa là thân người có vô số vi trùng ẩn ở trong. Bây giờ chúng ta gọi là những “tế bào lạ”, chúng cũng sanh hoạt trong thân nên ta nghe đau nhức.
Ngài nhìn vô bát nước thấy vô số vi trùng, nên dạy người xuất gia trước khi uống nước phải đọc bài chú: “Phật quán nhất bát thủy, bát vạn tứ thiên trùng, nhược bất trì thử chú, như thực chúng sanh nhục.” Nghĩa là Phật nhìn thấy trong một bát nước, có tám muôn bốn ngàn vi trùng, nếu không trì chú này, như ăn thịt chúng sanh, để quán niệm cho những chúng sanh ấy không bị thiệt hại.
Hơn hai ngàn năm về trước, Phật thấy và dạy như vậy; bây giờ khoa học mới tìm hiểu và tin điều ấy. Như vậy, lời Phật dạy không phải là lý luận, mà là lẽ thật do Ngài thấy được. Bởi thấy lẽ thật nên Ngài không nghi ngờ, không cần thảo luận với ai hết. Đó là thấy gần, còn xa hơn nữa Phật thấy ngoài thế giới chúng ta đang ở đây, còn vô số thế giới nữa. Cho nên trong kinh thường dùng từ “hằng hà sa số thế giới”, thế giới nhiều như cát sông Hằng. Chúng ta thử tưởng tượng sông Hằng có chừng bao nhiêu cát? Không thể đếm nổi. Vậy mà ngày xưa, Ngài nói trong bầu vũ trụ này có vô số thế giới như vậy. Thời đó không ai tin nổi. Nhưng bây giờ chúng ta có thể tin được phần nào.
Những nhà thiên văn học tìm thấy những thiên hà, những hành tinh trong vũ trụ cũng nhiều như vậy. Phật nói số ấy nhiều đến không thể lường, không thể tính nổi, cho nên mới dùng từ “hằng hà sa số.” Rõ ràng những điều Phật thấy được không do nghiên cứu bên ngoài, mà chỉ trở về nội tâm thôi. Một khi sáng được tâm rồi thì tất cả việc bên ngoài đều sáng theo.
Nói tới con người, Phật thấy tường tận bốn giai đoạn sanh, già, bệnh, chết. Nói tới thế giới, Ngài cũng biết rõ bốn giai đoạn thành, trụ, hoại, không. Ngài nói thân này có được là do bốn chất lớn đất, nước, gió, lửa hợp lại; thế giới có được là do bốn thứ địa luân, thủy luân, hỏa luân và không luân hợp thành. Ngày xưa, đối với những điều này, chúng tôi học là học, chớ không hiểu nổi. Làm sao dưới đất có nhiều thứ quá vậy?
Khi được hỏi con người ở thế giới này từ đâu có, trong một bài kinh Phật trả lời: Có những vị trời sắp hết phước, họ nhìn xuống thế giới này thấy có ánh sáng liền tìm đến. Tới nơi, họ ăn thử trái cây nơi đây thấy ngon, liền mất thần thông nên ở lại luôn, làm tổ tiên loài người. Ngày xưa tôi cũng không tin điều này. Tại sao trái đất lại có ánh sáng? Rồi tại sao chư thiên dùng thần thông xuống được nhưng về lại không được? Bây giờ tôi gẫm lại thấy có lý.
Như các nhà khoa học nhìn ra những hành tinh gần trái đất, thấy có ánh sáng nên mới tìm mọi cách, như tạo phi thuyền để khám phá những hành tinh đó. Giai đoạn đầu khám phá nếu yên ổn thì sau này sẽ đưa phi thuyền, đưa người lên đó. Nếu phi thuyền hư, số người trên ấy phải ở lại thì bắt buộc họ phải tìm cách để sanh sống thôi. Ngày nay chúng ta nói máy móc, nhưng hồi xưa gọi thần thông, cũng gần nhau vậy. Thế thì chuyện đức Phật nói có lý rồi, phải không?
Thế giới từ đâu mà thành? Phật dạy do gió bụi tụ lại, khắn chặt nhau lần lần thành thế giới. Sau khi thế giới thành rồi mới có chúng sanh và các thứ. Đến lúc thế giới hoại tiến trình trải qua bốn giai đoạn. Giai đoạn thứ nhất đất sụp đổ, nứt nẻ, tan rã. Giai đoạn thứ hai nước tràn khắp. Giai đoạn thứ ba lửa bốc cháy, đến nỗi nước biển ban đầu cao khoảng mấy chục thước lần lần chỉ còn mười thước, năm thước, cho đến cạn hết. Khi nước biển cạn hết thì trái đất cháy. Cháy tới không còn gì, chỉ có muội than, chợt một cơn gió mạnh thổi qua, tất cả biến thành bụi hết. Đó cũng chính là giai đoạn thứ tư, trái đất trở về không.
Hồi xưa tôi cũng không tin trái đất cháy, nhưng bây giờ rõ ràng những túi dầu, những túi khí đốt trong lòng đất đã có sẵn cả rồi, chỉ cần hỏa luân chọc thủng lớp ngăn giữa hai túi đó thì trái đất sẽ bừng cháy. Rõ ràng Phật nói không sai. Ngày xưa Ngài đã nhìn thấy tường tận về con người và quả địa cầu như vậy, mà không vận dụng công phu tìm kiếm bên ngoài, chỉ quay lại mình, dẹp sạch hết loạn tưởng, để tâm trong lặng tự nó sáng suốt. Tâm đã sáng suốt thì biết mình và biết tất cả mọi thứ một cách rõ ràng như thế.
Đức Phật nói chúng sanh không phải chỉ có mặt trong cõi Dục giới này, mà còn có mặt trong cõi Sắc giới, Vô sắc giới tức những thế giới không có hình sắc. Với những cái thấy này, khoa học còn xa tít, chưa thể bắt kịp đức Phật.
Chúng ta học Phật là tìm sự giác ngộ. Giác ngộ ngay nơi bản thân mình trước, rồi mới tới những thứ bên ngoài. Vì trong nhà Phật gọi thân này là Chánh báo, còn cảnh và thế giới mình đang sống là Y báo. Chánh báo là chủ, Y báo là bạn. Nếu hiểu Chánh báo tường tận thì thấy Y báo rõ ràng. Cho nên Phật học khác với khoa học ở chỗ khoa học tìm bên ngoài, Phật học quay vô trong, xoay lại mình. Xoay lại mình đến khi giác ngộ rồi sẽ thấy những thứ bên ngoài. Giác ngộ tức biết rõ, biết đúng như thật mọi sự xung quanh nên gọi là có trí tuệ.
Nhưng trí tuệ trong nhà Phật không phải là trí tuệ thường, mà bao gồm hai phần, trí tuệ hữu sư và trí tuệ vô sư. Chúng ta đi học, nhờ thầy bạn mà mình hiểu được nhiều điều trong cuộc đời gọi là trí tuệ hữu sư. Còn trí tuệ vô sư là trí tuệ do mình tự phát ra từ tâm thanh tịnh như đức Phật nhờ thiền định mà được giác ngộ vậy. Ngài bảo “Ta học đạo không thầy”, không thầy mà sáng, đó là trí tuệ vô sư.
Làm sao đạt được trí tuệ vô sư? Khi tâm lặng lẽ sáng suốt thì chúng ta thấy được những điều trước kia mình chưa thấy, biết được những điều trước kia mình chưa biết. Cái thấy biết đó là thấy biết của Trí vô sư. Tất cả chúng ta đều có Trí vô sư. Vì Trí vô sư chính là Phật tánh của tất cả chúng sanh. Mình có Phật tánh sẵn nhưng vì quên nên không thấy. Đức Phật biết quay trở lại mình bằng cách thiền định để lóng lặng thân tâm. Từ tâm lóng lặng trong sáng đó phát ra Trí vô sư.
Nếu chúng ta để ý một chút sẽ mừng rằng mình có Trí vô sư. Như một quyển kinh, một lời giảng lúc mới đọc mới nghe, ta không hiểu gì hết. Nhưng từ từ tâm hồn yên tĩnh, đem ra đọc lại ta chợt hiểu ngay. Như vậy, cái hiểu ấy do ai dạy? Đó là một phần nhỏ của Trí vô sư hiện ra. Cũng như các nhà bác học, khi nghiên cứu một chương trình nào thì đặt hết tâm trí vào đó, đến lúc vấn đề nghiên cứu bừng sáng, gọi là phát minh.
Như vậy, ai cũng có Trí vô sư mà không chịu nhận, không chịu tạo điều kiện cho nó phát ra, nên có mà như không. Vì vậy Phật nói: “Ta là Phật đã thành, các ngươi là Phật sẽ thành.” Đó là Ngài xác nhận rằng tất cả chúng ta đều có sẵn Trí vô sư. Đã sẵn có Trí vô sư thì chúng ta có thể giác ngộ được. Đức Phật giác ngộ trước, chúng ta khéo tu sẽ giác ngộ sau, nên Như Lai nói Ngài là Phật đã thành, còn chúng ta là Phật sẽ thành.
Như vậy Trí hữu sư là do học mà được, còn Trí vô sư do tu mà được. Đức Phật nhập định được giác ngộ, ngày nay chúng ta tu tâm được an định cũng sẽ giác ngộ. Hiện giờ tâm chúng ta đang lăng xăng lộn xộn nên không thấy, không biết Trí vô sư. Khi nào tâm yên tĩnh, trong sáng thì Trí vô sư sẽ hiện ra.
Trong nhà thiền thường ví dụ: Như có một khạp nước, ta múc nước dưới hồ đổ vào. Ban đầu nước đục, chúng ta nhìn vào khạp không thấy mặt mình hiện trong đó. Nhưng nếu lóng trong từ từ, đến khi nước thật trong, ta đứng bên khạp nhìn sẽ thấy mặt mình. Chẳng những mặt chúng ta hiện ra, mà tất cả cảnh đối diện với mặt nước cũng đều hiện ra trong khạp. Khi cặn bã, đất cát hòa tan trong nước khiến nó đục, nếu ta để cho nó lặng yên, cặn bã lóng xuống thì nước sẽ trong.
Như vậy từ nước đục thành nước trong là tại chúng ta đổi nước cũ thay nước mới hay cũng chỉ bao nhiêu nước đó thôi? Thật ra nước trong đã có sẵn trong nước đục nên khéo lóng thì nước đục thành nước trong. Chúng ta hiện giờ tâm không sáng, mờ đục là vì vọng tưởng lẫn lộn che khuất. Ngày nào ta lọc được những vọng tưởng đó lặng yên, gọi là định, thì trí sáng sẽ hiện ra. Nó sẵn rồi, chớ không phải chưa có, chỉ vì cái này che khuất nên cái kia không hiện được.
Nên nói tới Trí vô sư là nói tới trí do tu, do thiền định mà được, chớ không phải do học mà được. Trí hữu sư thì do học mà được. Hai bên rõ ràng như vậy. Trí hữu sư học tới đâu biết tới đó, còn Trí vô sư khi phát ra thì đối với tất cả những gì trước đây ta không biết, bây giờ biết hết, biết một cách rõ ràng không cần tìm kiếm. Đó là điểm đặc biệt của Trí vô sư.
Chúng ta tu theo Phật thì phải khéo ứng dụng như Ngài, nhất định sẽ có trí tuệ sáng suốt. Phật được một trăm phần trăm thì ít ra mình cũng được mười phần trăm. Như vậy mới gọi là tu theo Phật. Nhưng gần đây Phật tử ít chịu trở về với trí tuệ của mình mà chỉ muốn xin Phật. Nếu gặp thuận tốt, đúng sở nguyện thì khen Phật linh quá. Còn không được như ý thì “Thôi, Phật không linh” hoặc “Phật không thương mình” rồi lơ là, lười không muốn đi chùa nữa. Đó là sai lầm mà Phật tử hiện giờ mắc phải rất nhiều.
Nếu chúng ta chưa giác ngộ bằng Trí vô sư thì trước phải giác ngộ bằng Trí hữu sư. Nghe quí thầy giảng dạy, đọc kinh sách để mở sáng trí tuệ hữu sư, rồi nỗ lực tiến tu để đạt được Trí vô sư. Đó mới đúng là mục đích của người tu Phật. Chớ nếu tu mà không thấy, không nắm vững điều này thì rất đáng tiếc. Hồi nhỏ, tôi học lớp Sơ đẳng Phật giáo, được dạy học thuộc lòng bài kinh Bát Đại Nhân Giác, tức là Tám Điều Giác Ngộ của bậc Đại Nhân. Điều thứ nhất hết sức đơn giản:
Đệ nhất giác ngộ
Thế gian vô thường
Quốc độ nguy thúy
Tứ đại khổ không
Ngũ ấm vô ngã.
Lúc đó tôi thấy những câu này giống như thần chú, không biết gì hết. Tại sao thế gian vô thường? Tại sao quốc độ nguy thúy? Bởi vì Phật thấy một cách tường tận rằng trên thế gian này, mọi pháp, mọi sanh vật đều là dòng chuyển biến không dừng, nên nói thế gian vô thường. Kế đó “Quốc độ nguy thúy,” tức cõi nước dòn bở. Mình thấy cõi nước bền lâu vững chắc quá, mà Ngài lại nói dòn bở, làm sao tin được? Nhưng bây giờ những trận động đất, lũ lụt… đủ để chứng minh điều đức Phật đã nói.
Tới con người, Phật nói tứ đại khổ, không. Mang thân tứ đại đất, nước, gió, lửa là khổ. Người ta cứ tưởng khổ là nghèo đói, nhưng Phật dạy khổ không phải như vậy; mà già, bệnh, chết là khổ. Già, bệnh, chết, không ai chạy khỏi. Đã mang thân này thì trước sau gì cũng phải tới đó. Cho nên có thân là có khổ, khổ tới cuối cùng nó hoại thành không. Vì vậy Phật nói “Tứ đại khổ không”.
“Ngũ ấm vô ngã,” tức là thân năm ấm này không có chủ thể, không chân thật. Ngày nay mình còn thấy nó, nhưng ngày mai chưa chắc còn. Như vậy thân không có chủ mà chúng ta cứ tưởng có chủ. Duyên hợp thành thân này, thì cái gì là chủ của nó? Có người cho rằng tâm là chủ. Nhưng tâm nào? Tâm từ bi hay tâm sân hận? Tâm thương hay tâm ghét v.v… rối loạn, không biết được.
Đức Phật dạy ngũ ấm là vô ngã, tức không có chủ. Tôi chỉ tạm mượn sắc ấm để phân tích thôi. Trong thân này, chất cứng thuộc về đất, chất ướt thuộc về nước, chất động thuộc về gió, chất ấm thuộc về lửa. Bốn chất đó kết tụ lại thành thân, thiếu một là thân hoại mất. Nhưng khi thân thành rồi, nó tự tồn tại hay phải được bồi bổ, được nuôi dưỡng mới còn. Tôi thường nói nó phải vay mượn.
Như tất cả chúng ta hiện giờ, lỗ mũi đang làm gì? Ai cũng tưởng mình ngồi chơi thảnh thơi, nhưng không ngờ đang mượn không khí, hít vô là mượn, thở ra là trả. Cứ mượn trả mượn trả như vậy hoài, tới khi nào lười biếng trả mà không mượn lại thì chết. Mượn nước, mượn cơm… mượn rồi trả. Như vậy cuộc sống chẳng qua chỉ là sự vay mượn thôi. Vay mượn tức là giả dối, nhưng chúng ta lại thấy thân này thật. Thân giả mà ngỡ thật là đang mê. Nhưng ai nói mê mình không chịu đâu. Đức Phật chỉ cho chúng ta giác mà lại không chịu, cứ ôm giữ mê lầm rồi than khổ.
Kinh nói thân năm uẩn này không có chủ thể, tức là vô ngã. Vô ngã nên không thật, nhưng ta cứ chấp thân thật, rồi bao nhiêu chuyện hơn thua phải quấy từ đó mà ra, gây phiền lụy cho nhau. Đó là chúng ta đang sống trong mê lầm, nên bây giờ mới tu. Tu thì phải làm sao? Phải tỉnh, phải giác. Nếu không chịu tỉnh giác thì đi mãi trong mê lầm muôn đời muôn kiếp. Chỉ có tỉnh giác, chúng ta mới thoát khỏi trầm luân. Cho nên học Phật là học giác ngộ. Nhờ giác ngộ, thấy đúng như thật chúng ta mới không mê lầm nữa, mới giải thoát sanh tử.
Trong mười hai nhân duyên, đức Phật nói vô minh dẫn đầu, khiến chúng ta sanh đi tử lại không biết bao nhiêu lần. Muốn nhổ được gốc sanh tử thì chúng ta phải đập tan vô minh. Vô minh là không sáng, không sáng tức tối. Muốn hết tối thì phải thắp sáng ngọn đuốc trí tuệ. Cũng như trong nhà tối, chỉ cần mở đèn thì nó sẽ sáng. Chúng ta đang mê lầm nên nhiều đau khổ, chỉ giác ngộ mới hết đau khổ.
Đạo Phật dạy chúng ta tu là để giác ngộ, chớ không phải tu để mãi đi trong mê lầm. Thế mà đa số Phật tử ngày nay tu mà ưng đi trong mê lầm, không chịu giác ngộ, nên mới cầu xin Phật đủ điều. Muốn được giác ngộ, không gì khác hơn là chúng ta phải định tâm. Trong bất cứ pháp môn nào Phật cũng đều nhắm thẳng chỗ cứu kính đó. Niệm Phật cho tới nhất tâm bất loạn thì nhắm mắt mới thấy Phật. Tu thiền được định thì mới giải thoát sanh tử. Như vậy chúng ta tu, dù theo pháp nào, cứu kính cũng không hai.
Thế nên Phật tử không được lơ là, yếu đuối, phải cố gắng, phải tiến lên. Nghe nói tới giác ngộ xem như chuyện đó dành cho Phật, còn mình phàm phu nên vô phần. Cam phận tối mò tối mịt, miễn đời sau sanh ra được tốt hơn một chút thôi, chớ không cầu giác ngộ. Đó là suy nghĩ sai lầm, không đúng lẽ thật. Chúng ta là đệ tử Phật phải đi đúng đường, đúng hướng Phật dạy. Đạo Phật là đạo giác ngộ, chớ không phải đạo mê lầm. Cho nên mình tu là để được giác ngộ giải thoát, chớ không cầu gì khác hơn. Đó là mục tiêu trọng yếu của người Phật tử.
Mong tất cả Tăng Ni, Phật tử hiểu rõ điều này, làm sao trên đường tu mỗi ngày chúng ta thêm sức tỉnh giác, lần lần bỏ hết mê lầm để được giác ngộ giải thoát như đức Phật.
Trích: HOA VÔ ƯU - Tập 4 _HT.Thích Thanh Từ