Friday 10 August 2012

- CHÁNH NIỆM


Hãy Chánh Niệm, tỉnh táo
Sống đúng ngay từ đầu
Trường học có bút tẩy
Cuộc đời không có đâu!

Trân kính
T T Tuệ



- Đừng vội phán đoán...


Đừng vội phán đoán...

Một con tàu du lịch gặp nạn trên biển, trên thuyền có một đôi vợ chồng rất khó khăn mới lên đến trước mũi thuyền cứu hộ, trên thuyền cứu hộ chỉ còn thừa duy nhất 1 chỗ ngồi. Lúc này, người đàn ông để vợ mình ở lại, còn bản thân nhảy lên thuyền cứu hộ.

Người phụ nữ đứng trên con thuyền sắp chìm, hét lên với người đàn ông một câu…………..

Kể đến đây, thầy giáo hỏi học sinh: “Các em đoán xem, người phụ nữ sẽ hét lên câu gì?”

Tất cả học sinh phẫn nộ, nói rằng: “Em hận anh, em đã nhìn nhầm người rồi.”

Lúc này thầy giáo chú ý đến một cậu học sinh mãi vẫn không trả lời, liền hỏi cậu bé. Cậu học sinh nói: “Thầy ơi, em nghĩ người phụ nữ sẽ nói: Chăm sóc tốt con của chúng ta anh nhé!”

Thầy giáo ngạc nhiên hỏi: “Em nghe qua câu chuyện này rồi ư?”

Học sinh lắc đầu: “Chưa ạ, nhưng mà mẹ em trước khi mất cũng nói với bố em như vậy.”

Thầy giáo xúc động: “Trả lời rất đúng.”

Người đàn ông được cứu sống trở về quê hương, một mình nuôi con gái trưởng thành. Nhiều năm sau, anh ta mắc bệnh qua đời, người con gái lúc sắp xếp kỷ vật, phát hiện quyển nhật ký của bố. Hóa ra, lúc mẹ và bố ngồi trên chiếc tàu ấy, người mẹ đã mắc bệnh nan y, trong giây phút quyết định, người chồng đã dành lấy cơ hội sống duy nhất về phần mình. Trong nhật ký viết rằng : “Anh ước gì anh và em có thể cùng nhau chìm xuống đáy biển, nhưng anh không thể. Vì con gái chúng ta, anh chỉ có thể để em một mình ngủ giấc ngủ dài dưới đáy đại dương sâu thẳm. Anh xin lỗi.”

Thiện và ác trên thế gian, có lúc lắm mối rối bời, khó lòng phân biệt, bởi vậy đừng nên dễ dàng nhận định người khác.


__(())__





- Life becomes harder for us when we live for others, 

but it also becomes richer and happier.



- Cuộc sống trở nên khó khăn hơn khi chúng ta sống vì người khác,
nhưng nó cũng trở nên đẹp đẽ và hạnh phúc hơn.



___Albert Schweitzer___


- The Art of Living.


The Art of Living.

To live lightheartedly but not recklessly;
to be happy without being boisterous; 
to be courageous without being bold;
to show trust and cheerful resignation without fatalism -
This is the art of living.

Sống vô tư nhưng không khinh suất;
vui tươi nhưng không ầm ĩ;
can đảm nhưng không liều lĩnh;
tin tưởng và vui vẻ cam chịu nhưng không theo thuyết định mệnh - 
Đó là nghệ thuật sống.

___La Fontaine___


- AI NGHÈO HƠN AI ?



Một ngày nọ, người cha giàu có dẫn con trai đến một vùng quê để thằng bé thấy những người nghèo ở đây sống như thế nào. Họ tìm đến nông trại của một gia đình nghèo nhất nhì vùng. "Đây là một cách để dạy con biết qúy trọng những người có cuộc sống cơ cực hơn mình"

Người cha nghĩ đó là bài học thực tế tốt cho đứa con bé bỏng của mình. Sau khi ở lại và tìm hiểu đời sống ở đây, họ lại trở về nhà.

Trên đường về, người cha nhìn con trai mỉm cười: "Chuyến đi như thế nào hả con?"

- Thật tuyệt vời bố ạ!

- Con đã thấy người nghèo sống như thế nào rồi đấy!

- Ô, vâng.

- Thế con rút ra được điều gì từ chuyến đi này? Đứa bé không ngần ngại:

- Con thấy chúng ta có một con chó, họ có bốn.
Nhà mình có một hồ bơi dài đến giữa sân,
họ lại có một con sông dài bất tận. 
Chúng ta phải treo những chiếc đèn lồng vào vườn,
họ lại có những ngôi sao lấp lánh vào đêm.
Mái hiên nhà mình chỉ đến trước sân thì họ có cả chân trời.
Chúng ta có một miếng đất để sinh sống và họ có cả những cánh đồng trải dài. 
Chúng ta phải có người phục vụ,
còn họ lại phục vụ người khác. 
Chúng ta phải mua thực phẩm, 
còn họ lại trồng ra những thứ ấy. 
Chúng ta có những bức tường bảo vệ xung quanh, 
còn họ có những người bạn láng giềng che chở nhau…

Đến đây người cha không nói gì cả. "Bố ơi, con đã biết CHÚNG TA NGHÈO như thế nào rồi…"

– cậu bé nói thêm. Rất nhiều khi chúng ta đã quên mất những gì mình đang có và chỉ luôn đòi hỏi những thứ gì không có. Cũng có những thứ không giá trị với người này nhưng lại là mong mỏi của người khác. Điều đó còn phụ thuộc vào cách nhìn và đánh giá của mỗi người. Xin đừng quá lo lắng, chờ đợi vào những gì bạn chưa có mà bỏ quên điều bạn đang có, dù là chúng rất nhỏ nhoi.

Namo Buddhaya 

__(())__


- TỈNH DẬY!



TỈNH DẬY!

Thế gian này có quá nhiều chuyện phiền não, vì vậy, rất nhiều người đi gặp Phật Tổ cùng hỏi về một vấn đề:

“Con nên làm thế nào, mới không còn những điều phiền muộn?”

Phật Tổ cho đáp án đều như nhau:

“Chỉ cần buông tay, con sẽ thôi không phiền não nữa.”

Có một người thanh niên, cho rằng mình thông minh tỏ ý không phục, bèn đi gặp Phật Tổ và hỏi:

“Trên thế gian này có hàng ngàn hàng vạn người, thì sẽ có hàng ngàn hàng vạn điều phiền não. Nhưng, Người cho họ giải pháp đều hoàn toàn như nhau, vậy đó chẳng khác gì buồn cười lắm hay sao?”

Phật Tổ không nổi giận, chỉ hỏi ngược lại chàng thanh niên:

“Buổi tối con ngủ có thường hay nằm mơ không?”
“Đương nhiên là có!” Chàng trai trả lời.

“Vậy, mỗi buổi tối nằm mơ, giấc mơ đều như nhau không?” Phật Tổ lại hỏi.

“Đương nhiên là khác nhau rồi!” Chàng trai trả lời. “Con ngủ hàng ngàn hàng vạn lần, thì sẽ mơ hàng ngàn hàng vạn lần giấc mơ.”

Phật Tổ mỉm cười nói:

“Nhưng cách kết thúc giấc mơ, đều như nhau cả, đó là: TỈNH DẬY!”

Namo Buddhaya 

__(())__


- Mê Ngộ khác nhau


Vua hỏi:

_ Bạch đại đức, người đã giải thoát và người chưa giải thoát khác nhau ở chỗ nào ?

_ Tâu đại vương hạng trước không còn lòng tham dục, còn hạng sau còn nặng trĩu lòng tham dục thì suốt đời và bất cứ ở đâu cũng đuổi bắt miếng cơm manh áo. Lo toan cho mạng sống được sung sướng mà thôi.

__Trẩm thấy trong thế gian này , bất cứ là ai dù là xuất gia hay tại gia . Thẩy đều cho là mình sung sướng , thẩy đều muốn ăn ngon, ăn bổ mà chẳng bao giờ biết nhàn chán.

__ Hai đằng đều ăn như nhau, vì có ăn mới duy trì được thân mạng, nhưng với kẻ chưa giải thoát thì thú vui tối thượng là được ăn no và ăn ngon. Ăn được càng nhiều món sang vật lạ bao nhiêu càng vui thích bấy nhiêu. 

Với bậc đã giải thoát thì ăn chỉ là ăn , Ăn cốt để nuôi sống mà tiến tu. Ăn, không chú ý tới sự ngon dở. Ngon càng tốt nhưng dở cũng chẳng sao, miễn là được sống để lo độ mình độ đời.

Hay thay! _hay thay!

Kinh na tiên tỳ kheo
Cao Hữu Đính dịch.

__(())__


- NHƯ NÓI MÀ TU, NHƯ TU MÀ NÓI .




- Phật hóa hữu duyên nhân


“Phật hóa hữu duyên nhân”

Trong đạo Phật có câu: “Phật hóa hữu duyên nhân”, đức Phật giáo hóa người có duyên với Ngài mà thôi. Ai có duyên thì đến với Phật, chớ Phật không nói đạo Phật là đúng, đạo khác là sai. Chúng ta học Phật phải tập tâm cởi mở, xả bỏ những cố chấp riêng tư, dù chấp tôn giáo mình cũng là bệnh nữa. 

Những gì chúng ta thấy đều do Phật dạy, mình biết mình tu. 
Ai thấy hợp thì tu theo, còn thấy không hợp thì thôi, ta chỉ cười chớ đừng giận. 
Đạo mình kính trọng mà nghe ai nói ngược lại, mình nổi sùng lên thì chưa gọi là hiểu đạo. Không cố chấp thì cuộc đời an vui, hạnh phúc, sống với mọi người rất hòa nhã.

(HT. Thích Thanh Từ)

__(())__


- Cơn Giận.


Cơn Giận.

Một đệ tử của Thiền Sư Bankei hỏi ngài:

"Thưa Thầy, con thường bị mất bình tỉnh trong cơn giận"

Thiền Sư Bankei trả lời: "Lạ vậy, hãy cho Thầy xem cơn giận của con."

-Thưa Thầy, bây giờ thì con không có cơn giận.

Thiền Sư: -Vậy lúc nào con có cơn giận.

-Thưa Thầy, nó đến bất ngờ, con không biết chắc lúc nào.

Thiền Sư đáp: "đó không phải là bản chất thực sự của con. Nếu đó là con thì bất cứ lúc nào con cũng có. Khi sinh ra con không có nó, và cũng không phải di truyền của cha mẹ. Nghỉ kỹ lại đi".

Nóng Nảy & Giận Dữ không phải là bản tính mà do Huân Tập mà có.

Namo Buddhaya 

__(())__



- Chim non sớm biết chọn cành

Nhỏ mà mộ đạo tu hành, quí thay!
Lớn khôn đạo đức cao dày
Nhờ đó được hưởng những ngày an vui..

Namo Buddhaya

__(())__



- Mọi niềm vui của thế giới này

Đều đến từ mong ước hạnh phúc cho tha nhân.
Mọi đau khổ của thế giới này
Đều đến từ mong muốn lạc thú ích kỷ cho bản thân.

Bồ Tát Shantideva 


- CHUYỆN CON ONG


Đêm đã khuya. Theo thường lệ sau khi kinh hành tại sân chùa, Tổ lên chánh điện, chậm rãi đi một vòng, để mắt xem xét. Bỗng ngài dừng lại, nhìn vào cành hoa cắm trên bình ở bàn thờ đức Quán Thế Âm. Giữa bông hoa, một con ong vàng đang bò chậm chạp. Nghĩ rằng con ong này ban ngày bay lọt vào chánh điện, hút nhị hoa rồi vướng chân dính cánh vào đó, giờ này hãy còn loanh quanh tại đây, Ngài nhẹ nhàng giơ tay với một cây nhang mới, khẽ khều con ong, hy vọng khi nó bám vào đầu cây nhang thì ngài sẽ đem ra ngoài mà phóng sinh.

Đột nhiên, ngài giật mình. Trong tiếng vo ve, rõ ràng ngài nghe thấy tiếng nói:

- Bạch Ngài, không phải con lạc vào đây đâu! Từ lâu rồi, có một lần bay ngang qua đây kiếm mật, con thấy Ngài giảng về nhân quả luân hồi. Con đậu trên khung cửa nghe được toàn bài. Từ đó con không trở về tổ của con nữa, chỉ quanh quẩn ở đây để chờ được nghe Ngài giảng Phật pháp, con chưa được nghe thêm thời pháp nào nhưng ngày ngày con được nghe ba thời kinh, khi thì kinh Di-Đà khi thì kinh ĐịaTạng, lúc khác lại Dược Sư, hoặc Pháp Hoa. Con không hiểu được bao nhiêu nhưng vẫn hy vọng một lúc nào đó sẽ hiểu. Xin Ngài đừng bỏ con ra ngoài, cứ để con ở nguyên chỗ đó, con đang cầu xin đức Quán Âm...

Tu hành đã lâu, Tổ không ngạc nhiên, và hỏi lại con ong rằng:

- Chú đang cầu xin đức Quán Âm điều gì thế?

- Bạch Ngài, con đang cầu xin đức Quán Âm mở lòng đại từ đại bi cho con được biết kiếp trước, con đã gây những nghiệp gì mà kiếp này con phải đọa làm thân con ong và kiếp sau, liệu con có thể khá hơn không. Con cầu xin Ngài lâu rồi, con hết lòng thành khẩn, những mong được Ngài cảm ứng mà chỉ đường cho con.
Tổ nhắm mắt, nhập định, hồi lâu mở mắt, bảo con ong nhỏ bé kia rằng:

- Này chú, đức Quán Âm không bỏ chúng sinh nào miễn là chí thành, chí tịnh cầu xin Ngài. Điều chú muốn biết, tôi giúp chú được một phần. Kiếp trước chú là một người nữ làm ăn chăm chỉ siêng năng, đã thế lại cần kiệm, biết dành dụm. Nhưng phải một điều, chú phạm khẩu nghiệp nặng.

- Bạch Ngài, khẩu nghiệp con ra sao? Nói dối, nói xấu, nói hai lưởi, nói thêu dệt, không biết con đã phạm những lỗi nào.

- Chú phạm lỗi nói châm chọc làm cho người ta phát điên, phát khùng, làm cho người ta khổ sở điêu đứng. Vì thế chú mới phải đọa làm con ong!

- Lạy Ngài, xin Ngài chỉ đường cho con được giải thoát.

Tổ lặng lẽ chỉ tay lên tượng đức Thế-Tôn. Con ong hiểu ý bay đến đậu dưới chân đức Thế Tôn. Tổ chậm chạp đi tới, làm lễ quy y cho con ong và ban cho một thời pháp.
..
Ít lâu sau, khi chú tiểu bao xái bàn thờ, cầm phất trần phủi bụi ở chân tượng đức Thế Tôn, chú thấy xác một con ong. Đúng lúc đó, Tổ đi tới. Ngài giơ tay ra hiệu cho chú tiểu ngừng quét. Ngài nhẹ nhàng nhặt cái xác ong, đem ra cổng chùa, đến gần cây đa lớn. Ngài dí ngón chân xuống đất, đặt con ong xuống và phủ đất lên, rồi nhập định...

Kể từ đó, có một thần a-tu-la nương náu ở gốc đa. Ngoài việc giữ chùa, a-tu-la đều đặn nghe kinh, tu tâm sửa tánh, những mong đến kiếp sau nữa, sẽ lại được trở thành người, lần này nhất định tu pháp môn "Tịnh khẩu nghiệp".

Nam Mo A Di Da Phat 

__(())__

- TU HẠNH NGƯỜI CÂM


Trong chùa, có một anh câm. Không ai nhớ anh ta đến chùa từ bao giờ, vả lại cũng không mấy người để ý đến anh ta. Anh ta lo mấy sào vườn ở sau chùa, lúc thì trồng rau, lúc thì trồng đậu, làm việc rất là siêng năng. Lúc rảnh, anh ta vào bếp giã gạo và vào những ngày sóc vọng, chùa đông khách, anh ta giúp việc dưới bếp, và rửa bát ở bờ ao cạnh bếp.

Vì anh ta câm, nên chẳng ai nói với anh và nếu có việc cần nói thì phải ra hiệu. Hết việc, tối nào anh cũng quanh quẩn ở trên chánh điện, quét dọn, lau chùi, và mỗi năm vào kỳ Kết hạ, mỗi lúc có khóa giảng thì anh ta cầm chổi đứng gần cửa phòng hội, ra vẻ đang quét nhà, nhưng thật ra là nghe giảng kinh ...

Một ngày kia, không thấy anh, vị tri sự bước vào căn phòng nhỏ xíu của anh ở góc vườn, lúc đó mới biết rằng anh câm bị đau, sốt nặng không dậy được. Vị tri sự trình Tổ và mọi người thấy Tổ vào thăm anh câm. Ngài ngồi với anh rất lâu và khi Ngài trở về phòng, nét mặt trang nghiêm của Ngài thoáng vẻ hân hoan.

Từ hôm ấy, chú tiểu ngày hai ba lần mang cháo vào cho anh câm và Tổ mỗi khi xuống thăm thì ngồi cả giờ, mọi người cho rằng anh câm có phúc, được Tổ thương và nếu có mệnh hệ nào thì được Ngài độ cho.

Vào đúng giờ Ngọ hôm đó, người ta thấy Tổ chậm rãi bước ra khỏi phòng anh câm và khi Tổ nhận thấy mọi người chắp tay vây quanh thì Tổ nói rất ngắn: “Ngài đã viên tịch rồi”.

Ai ai cũng tỏ vẻ ngạc nhiên: Tổ gọi anh câm cuốc vườn là Ngài! Tổ là một thiền sư đạo hạnh nổi tiếng không những trong vùng, mà ngay cả ở chốn kinh kỳ xa xôi nữa. Nhưng không ai dám hỏi Tổ cả.

Cho đến khi làm lễ hoả thiêu xong, bài vị của anh câm đã được đặt trên chùa, và khóa cầu siêu thường lệ chấm dứt, mọi người được nghe Tổ nói như sau:
“Thật ra, vị chấp tác làm vườn ở chùa ta là một vị tăng, không những là một vị tăng ở kiếp này, mà là từ kiếp trước. Kiếp trước, Ngài tu hành tinh tấn, nhưng Ngài vẫn tái sinh làm kiếp người, chưa lên được cõi trên vì nghiệp của Ngài còn nặng. Kiếp này, Ngài lại tu nữa, và do ta giúp đỡ, Ngài biết rằng Ngài chưa xóa được khẩu nghiệp. Vì thế Ngài phát nguyện tu tịnh khẩu nghiệp. Ngài tịnh khẩu, ai cũng tưởng là Ngài câm. Đến nay thân, khẩu, ý của Ngài đều đã thanh tịnh nên Ngài đã ngộ, vì thế ta mới nói rằng Ngài tịch diệt. Bàn thờ Ngài ở kia, có thể bỏ đi được, nhưng thôi hãy cứ để đấy, không phải là để cúng Ngài, mà chính là để nêu cái gương tu hành cho mọi người.”

Người nghe chuyện, ai ai cũng yên lặng cúi đầu, nghiền ngẫm về sự tu hành. Từ ngày đó, trong chùa, không ai bảo ai, người ta chỉ nói vừa đủ, những mong đến lúc nào đó tịnh được khẩu nghiệp, thoát khỏi sinh tử luân hồi như vị bồ-tát đóng vai anh câm làm việc sau chùa.

Nam Mô A Di Đà Phật

__(())__


- SÁU NGHỀ NÊN TRÁNH


Người cư sĩ có 6 nghề không nên làm: Sáu nghề ác.

Trong kinh A Hàm và Nikaya, Đức Phật đã ngăn cấm người cư sĩ không nên hành sáu nghề ác, vì sáu nghề này không phù hợp với tâm từ bi của Đạo Phật. 

Sáu nghề ác đó như sau:

1. Không làm nghề săn bắn, nghề săn bắn là một nghề cực ác, giết hại biết bao nhiêu loài cầm thú rừng: nai, hươu, khỉ, chồn, heo, gà rừng và các loại chim chóc khác nữa v.v...

2. Không làm nghề chài lưới, nghề chài lưới cũng là một nghề rất độc ác, chuyên bắt tôm cá, giết hại loài thủy tộc như: đặt rọ, lờ, chài, lưới, vó, câu v.v...

3. Không làm nghề buôn bán thịt sống, nghề buôn bán thịt sống là nghề sát sanh trâu, bò, heo, dê, ngựa, chó, gà, vịt v.v... Người làm nghề này, gọi là đồ tể giết gia súc bán từng ký lô cho người khác mua về làm thực phẩm, nghề này rất độc ác, giết hại chúng sanh không chút lòng thương xót.

4. Không làm nghề buôn bán thịt chín, nghề buôn bán thịt là nghề lấy thịt chúng sanh nấu thành thực phẩm như: phở, cháo lòng, hủ tiếu, bánh canh, bì chả, nem v.v... Nghề này cũng là nghề độc ác, người hành nghề này cũng đánh mất tâm từ bi.

5. Không làm nghề sản xuất và buôn bán rượu, vì sản xuất và buôn bán rượu khiến người ta nghiện ngập say sưa, không còn trí thông minh, nên họ có thể la xóm, mắng làng, chửi vợ mắng con, bất kể cha, mẹ, anh, em ruột thịt, không biết dơ sạch, nằm ngoài đường, ngủ bụi, ngủ bờ, nằm sương nằm nắng, làm mất thể diện con người, thân thể dễ sanh bệnh tật, tạo cảnh khổ đau cho cha, mẹ, anh, em, vợ, con v.v...

6. Không làm nghề buôn bán người, nghề buôn bán người là nghề mãi nô (bán nô lệ) nghề buôn hương bán phấn (nghề mãi dâm) cũng là nghề buôn bán người. Nghề này rất độc ác, dùng thế lực, tiền bạc, vật chất bắt ép những người cô thân thất thế đang cảnh nghèo đói bán thân làm nô lệ, làm gái mãi dâm, khiến cho gia đình khổ đau và tan nát.

Nghề mãi dâm là một nghề tồi bại làm mất nhân phẩm của con người, khiến con người không còn đạo đức và còn tệ hơn loài thú vật, vì con vật có lúc dâm và cũng có lúc không dâm, cho nên kẻ làm nghề bán trôn nuôi miệng là kẻ làm xấu xa thân phận làm người.

Sáu nghề nghiệp này, là sáu nghề nghiệp độc ác, giết hại chúng sanh và làm khổ đau bệnh tật muôn người, nhất là nghề sản xuất và bán rượu, sản xuất và bán thuốc phiện, sản xuất và bán xì-ke ma túy, sản xuất và bán thuốc lá, thuốc lào v..v.. là những thứ gây bệnh tật nghiện ngập hao tổn tiền bạc, của cải, tài sản biết bao nhiêu người, trải qua bao nhiêu thế hệ phải gánh lấy hậu quả đau khổ này.

Do thế, những người hành những nghề nghiệp này để nuôi thân mạng, cha mẹ, gia đình và làm giàu trên sự đau khổ của muôn người muôn vật. Họ là những người vô minh không thấy luật nhân quả đang chi phối diễn biến từng phút giây trong mỗi con người, luật nhân quả sẽ không tha thứ một ai, nếu ai đã làm điều ác thì phải hứng lấy hậu quả khổ đau.

Nếu quý vị không tin lời Phật dạy, thì hỏi thăm những gia đình đang hành những nghề nghiệp này. Trông bề ngoài có vẻ giàu sang sung sướng nhưng bên trong chẳng có hạnh phúc gì cả. Thường những gia đình này hay có những người đau ốm bệnh tật, không người này thì đến người khác, tai nạn thường xảy ra, khiến gia đạo bất an, lúc nào cũng lo lắng sợ sệt, cuộc sống của gia đình họ chẳng bao giờ êm ấm yên vui hạnh phúc. Làm ác thì phải lãnh quả khổ. Không làm sao và cũng không ai cứu thoát khổ được.

Vì thế, Đức Phật biết rất rõ nhân quả thiện ác, nên Ngài muốn cho đệ tử của mình thoát ra khỏi cảnh khổ đau, Ngài thường ngăn cấm không cho người cư sĩ hành sáu nghề nghiệp ác, dù nghề nghiệp ấy kiếm tiền rất dễ, nhưng nó không phải là hạnh phúc chân chánh. Do đó, Ngài muốn cho các đệ tử của mình sống an vui hạnh phúc chân chánh, không còn gặp cảnh đau khổ nữa.

Chính vì hằng ngày, trong cuộc sống chúng ta đã tạo ra nhiều nhân ác nên phải chịu những quả khổ đau đời đời kiếp kiếp, chứ không ai mang đến quả khổ ấy cho ta được dù kẻ đó là quỉ thần ác độc. Cũng như không có một vị thần Thánh nào hay một Đức Phật cùng những vị Bồ Tát nào ban phúc lành cho chúng ta được. Xin các bạn lưu ý cho điểm này.

Nhân quả là một đạo luật công bằng, chính chúng ta làm ra là chúng ta phải chịu, không thể người khác chịu thay cho chúng ta được. Vì thế, không ai mang đến khổ đau cho chúng ta mà chính là do chúng ta cũng như không ai mang đến hạnh phúc an vui cho chúng ta mà cũng do chính chúng ta.

Người cư sĩ không thấy luật nhân quả rất công bằng và công lý, cho nên trong cuộc sống họ không biết chọn nghề nghiệp, chỉ thấy nghề nào làm ra tiền và có cơm ăn áo mặc dễ dàng, nhất là môi trường sống, nơi đó mọi người làm nghề sát sanh là dễ kiếm tiền thì họ bắt chước làm theo, nhưng không ngờ lại tạo ra vô vàn tội ác. Từ những hành động tạo ra sự chết chóc và đau khổ cho chúng sanh thì chính bản thân họ và ngay cả gia đình đều phải thọ lãnh những quả khổ đau ấy từ người này đến người khác.

Là đệ tử của Đức Phật, những hàng cư sĩ phải lưu ý sáu nghề nghiệp ác độc này, luôn luôn phải vâng theo lời dạy của Đức Phật thì mới tìm thấy chơn hạnh phúc, an vui của cá nhân và của cả gia đình mình.

Hành nghề đúng như vậy mới gọi là chánh nghiệp, chính nghề nghiệp chân chánh mới nuôi được chánh mạng của mình và của mọi người trong gia đình. Hạnh phúc từ ấy sẽ đến với các bạn. Các bạn có tin những lời dạy này không?

Namo Buddhaya 

___(())___

- THÔNG MỘT PHÁP


THÔNG MỘT PHÁP

* Hỏi:

Vì sao mà thông một pháp sẽ thông được hết các 
pháp?

Đáp:

Vì tâm là nguồn cội của vạn pháp, 
hết thảy pháp đều từ tâm sanh.
Nếu tỏ được tâm thì vạn pháp đều đủ.
Cũng như cây to, cành lá hoa qủa sum sê 
đều từ gốc cả. Khi trồng cây phải chú ý săn sóc ở 
gốc cây thì cây mới được sanh sôi. Đốn cây cũng cứ 
đốn ở gốc thì toàn thân cây đều chết. Nếu tỏ tâm mà 
tu thì dụng lực ít mà thành công dễ ; chẳng tỏ tâm 
mà tu phí công vô ích. 

– Nên biết tất cả thiện ác đều 
từ tâm, lìa tâm mà tìm Đạo là việc luống công.

(Bồ Đề Đạt Ma Quán Tâm Pháp)


- Thưa Hòa Thượng, con muốn xin vào chùa đi tu?


Hãy phát Tâm như thế...

Một người bạch với Hòa Thượng: "Thưa Hòa Thượng, con muốn xin vào chùa đi tu?"

Hòa Thượng hỏi: "Vì sao con muốn xuất gia?"

"- Bạch Hòa Thượng, cuộc đời quá khổ, con không muốn sống ở đời nữa"

"Này con, ở đời khổ một chút mà không chịu được thì tu không nổi.
Người tu hành chịu khổ thay cho chúng sinh:
Nhẫn nhục hơn chúng sinh,
bố thí hơn chúng sinh,
học nhiều hơn chúng sinh,
hành nhiều hơn chúng sinh,
từ bỏ nhiều hơn chúng sinh,
một mảy may cái của mình cũng không có.

Người tu hành lại làm nhiều việc thiện hơn chúng sinh,
tích công lũy đức nhiều hơn chúng sinh,
giáo hóa chúng sinh thoát khổ đau,
có được điều lành nào đều đem tặng cho chúng sinh cả,
lại không mong chờ được đền đáp.
Con hãy phát cái tâm như thế thì tu hành mới nên !."

Namo A-Di-Đà Phật

- Tấm lòng


Hãy LÀM VIỆC NHỎ VỚI CÁI TÂM LỚN.

Hơn LÀM VIỆC LỚN VỚI CÁI TÂM NHỎ.



Cuối cùng, đáng nói không phải là việc làm lớn, nhỏ mà ở chỗ Tấm lòng..

Kí tên (*___*)

Thầy Cà ri.


- NGHIỆP AI NẤY MANG


Một ngày nọ có chàng trẻ tuổi vừa buồn vừa khóc, tìm đến Đức Phật. Đức Phật hỏi:

“Cái gì sai trái đã làm nhà ngươi khóc?”
“Thưa ngài, cha con chết ngày hôm qua.”
“Thì nhà ngươi làm gì được? Ông ấy đã chết rồi, buồn khóc chẳng thể làm ông ấy sống lại.”

“Vâng, thưa ngài, con hiểu điều đó; buồn khóc chẳng thể làm cho cha con trở về với con. Nhưng con đến đây cầu xin ngài một điều: xin ngài hoan hỷ làm một điều gì đó cho người cha quá vãng của con!”
“Vậy ta có thể làm gì giúp cho cha con?”

“Thưa ngài, xin ngài làm một cái gì đó. Ngài là đấng toàn năng, chắc chắn ngài có thể làm được. Ngài hãy xem, các vị tu sĩ cúng tế, các thầy phát giấy xá tội, đã cử hành những nghi thức cúng lễ cầu siêu giúp người quá cố. Và nghi thức cúng tế cầu siêu nếu được tổ chức sớm ở đây, thì cánh cửa trên thiên giới sẽ được mở ra sớm và người quá cố sẽ được siêu thăng về nơi đó. Họ sẽ nhận được giấy nhập cảnh. Thưa ngài, ngài là đấng toàn năng, ngài có đầy đủ quyền lực! Nếu ngài chủ tế nghi thức cầu siêu cho cha con, cha con không những nhận được giấy nhập cảnh nơi thiên quốc mà ông ấy sẽ được ở thường trú luôn. Thưa ngài, xin ngài hoan hỷ giúp cha con!”

Biết rằng chàng trai trẻ tràn ngập nỗi đau khổ chắc khó có thể hiểu được những lý lẽ phải trái trong lúc này, nên Đức Phật đã phải dùng một phương tiện khác giúp cho chàng ta hiểu. Vì thế Phật nói:

“Nhà ngươi hãy đi mua hai cái chậu đất nung.”
Chàng trẻ tuổi lấy làm sung sướng, nghĩ rằng Đức Phật đã nhận lời làm lễ cầu siêu cho cha hắn và đã tức tốc đi chợ mua hai cái chậu bằng đất nung.
“Được rồi,” Phật nói, “đổ vào chậu thứ nhất đầy đá cuội, chậu thứ hai đầy bơ.”
Chàng trẻ tuổi làm y như lời Phật dạy.
“Bây giờ bịt miệng cả hai chậu lại, xong bỏ xuống hồ nước”.
Chàng trai trẻ làm xong, hai chậu chìm xuống dưới đáy hồ.
“Bây giờ” Phật nói, “đem cái gậy ra đây, chọc bể cả hai chậu.”
Chàng trẻ tuổi rất lấy làm sung sướng, nghĩ rằng đức Phật đã cử hành nghi lễ cầu siêu cho cha hắn.

Theo tập quán cổ truyền cổ Ấn Độ, khi người cha chết, người con làm lễ hỏa táng. Vào khoảng giữa thời gian thiêu, người con dùng cây gậy thọc và làm vỡ sọ đầu. Cũng theo niềm tin cổ truyền của họ, cho đến khi sọ đầu được mở ra nơi trần gian này thì canh cửa thiên giới cũng được mở ra. Vì thế chàng trẻ tuổi tự nghĩ là, “Cha ta đã được thiêu đốt ngày hôm qua. Như là một biểu tượng, đức Phật muốn mình làm vỡ các chậu ngày hôm nay!” Chàng cảm thấy sung sướng nhiều với nghi thức này của Đức Phật.

Chàng trẻ tuổi đã dùng cây gậy làm bể hai chậu. Lập tức, chậu đựng bơ bị vỡ, bơ nổi lênh láng trên mặt hồ nước. Chậu kia đựng những hòn đá cuội vẫn nằm yên dưới đáy hồ. Rồi Đức Phật nói:
“Chàng trẻ tuổi, đó là những gì ta đã làm. Bây giờ hãy mời các thầy cúng tế và nói với họ hãy tụng kinh và cầu nguyện: “Hỡi các viên đá cuội, hãy nổi lên, hãy nổi lên! Hỡi bơ ơi, hãy chìm xuống, chìm xuống!” Hãy cho chúng ta xem sự kiện xảy ra.”

“Ổ, thưa ngài, ngài nói đùa với con! Không thể nào như thế được, những viên đá cuội nặng hơn nước, chúng chìm xuống đáy. Chúng chẳng thể bao giờ nổi lên được. Đây là định luật tự nhiên! Và thưa ngài, bơ nhẹ hơn nước, chúng nổi lên mặt nước, chẳng bao giờ có thể chìm xuống được. Đây là định luật tự nhiên.”

“Chàng trẻ tuổi, nhà ngươi biết nhiều về định luật tự nhiên, nhưng nhà ngươi đã không hiểu về định luật tự nhiên này. Nếu trong suốt cuộc đời của cha nhà ngươi mà ông ấy đã làm những điều nặng như những viên đá cuội, (3) cha nhà ngươi sẽ bị đọa, ai có thể giúp cha nhà ngươi siêu thoát lên trên được? Và nếu tất cả việc làm của cha ngươi nhẹ như bơ, (4) ông ấy sẽ được siêu thoát; ai có thể đè ông ta xuống được?”

Nếu chúng ta hiểu định luật tự nhiên (5) và sống theo luật tự nhiên này, chúng ta sẽ vượt thoát khỏi những khổ đau và bất hạnh của cuộc đời.

Tâm Diệu dịch

- MỘT BỮA ĂN


Một hôm, cô gái cãi nhau với mẹ. Sau đó, cô bỏ nhà ra đi.
Cô ta chạy rất lâu. Thấy phía trước có tiệm mì, lúc đó, cô mới cảm thấy đói bụng.

Nhưng khi cô sờ vào túi, thì một xu cũng không có. Bà chủ tiệm mì là người tốt bụng, tinh tế. Thấy cô gái đứng đó liền hỏi:

“Có phải con muốn ăn mì”.
Cô gái trả lời một cách ngại ngùng: “Nhưng con không mang theo tiền”.
“Không sao, bà có thể mời con ăn”.

Bà chủ mang đến một tô mì nóng hổi. Cô ta rất cảm kích, mới ăn được một ít, thì nước mắt đã chảy ra, rơi xuống tô mì. Bà chủ an ủi:

“Con làm sao vậy?”.

Cô gái vừa lau nước mắt vừa nói: “Con không sao cả, con chỉ cảm kích. Con và bà không hề quen biết nhau, vậy mà bà đối xử với con thật tốt, còn nấu mì cho con ăn nữa. Nhưng con đã cãi lời mẹ và bà đã đuổi con ra khỏi nhà. Bà còn bảo con đừng quay trở lại nữa”. Bà chủ nghe xong, rồi bình tĩnh nói;

“Sao con lại nghĩ như vậy? Con nghĩ thử xem, bà chỉ nấu cho con ăn một bữa, mà con lại cảm kích. Vậy mẹ con đã nấu mười mấy năm cơm gạo cho con ăn, sao con không cảm ơn mẹ mà còn cãi nhau với mẹ”. Nghe xong cô gái lặng người.

Cô ăn hết tô mì một cách vội vã, rồi lập tức chạy vế nhà. Khi về đến nhà, thì thấy mẹ đang đứng chờ cô trước cửa. Vừa thấy cô người mẹ rất vui mừng: “Mau vào nhà, cơm mẹ đã nấu xong, thức ăn đã nguội hết rồi”. Lúc đó, nước mắt của cô gái lại chảy!

Thử suy nghĩ xem, có khi chỉ nhận được một chút ân huệ của người khác chúng ta laị cảm thấy rất cảm kích và biết ơn. Nhưng đối với ân tình của người thân, thì chúng ta lại làm lơ như không hề thấy.

Hiểu càng sâu thương càng rộng
Hiểu càng rộng thương càng sâu.
Hiểu sâu thương lớn. HIểu và thương. Hiểu và thương.

Nam Mô Đại Bi Quán Thế Âm Bồ Tát

__(())__


- VÌ SAO CON NGƯỜI LUÔN SỐNG TRONG MÊ MỜ?


Vì sao con người ai cũng ở trong trạng thái mê mờ? - Ðó là do họ không hiểu được mình từ đâu tới, chết đi về đâu. Mỗi ngày bóng dáng bạn thấy khi tự soi gương nào phải là bạn. Nếu bạn muốn biết bản lai diện mục (chân tâm) thì phải quay mặt soi lòng, tìm nơi tự tâm. Người đời thì bị ngũ dục làm mê mờ, ngày ngày bị tiền tài, sắc đẹp, danh vọng, ăn uống, ngủ nghỉ kềm tỏa đến ngột ngạt khó thở, song họ vẫn cứ muốn cam tâm tình nguyện làm nô lệ cho những thứ ấy.

Lòng tham của ta thì cao hơn trời, dầy hơn đất. Nó như cái thùng không đáy, đồ bỏ vào bao nhiêu cũng chẳng đầy. Con người không có đạo đức mới thật là nghèo cùng.

Phải tìm đâu ra ngọc ngà châu báu mà mình sẵn có? Hãy tìm ở Kinh Hoa Nghiêm. Có câu rằng: Không đọc Kinh Hoa Nghiêm, không biết được sự giàu có của chư Phật. Kinh Hoa Nghiêm là vua của tất cả các vị vua kinh điển (tức là kinh đứng hàng đầu của những bộ kinh tuyệt diệu nhất mà Phật đã thuyết).

Nếu dùng tham sân si để xử lý mọi việc thì kết quả là trời đất sẽ u ám, sinh đủ tai nạn. Nếu dùng giới định huệ để giải quyết vấn đề thì trời đất trong sáng, mọi sự kiết tường. Nên nói: Nơi nào nhiều kẻ ác, nơi ấy nhiều tai nạn; chốn nào nhiều người thiện, chốn ấy thường an vui. Tai nạn hay an bình đều do người mà ra cả.

Pháp Ngữ Của Hòa Thượng Tuyên Hóa

__(())__

Tuesday 7 August 2012

- Phật Dạy Ân Đức Cha Mẹ



- A-nan! Ân đức cha mẹ có 10 điều sau đây:

MỘT là ân thai mang giữ gìn: Vì sự nghiệp lực nhân duyên, nên nay ky' thác thai mẹ. Lâu ngày khổ sở, chín tháng cưu mang, nặng nhọc như đội núi, đi đứng sợ gió mưa, quần áo không sửa soạn, trang điểm còn kể chi.

HAI là ân sinh sản khổ sở: Qua tháng thứ mười, gần ngày sản nạn, đêm đêm như bịnh nặng, ngày ngày tợ hoàng hôn, khiếp hãi sầu khổ lệ sầu tuôn rơi, bôn ba nghĩ ngợi, chỉ sợ tử thần không dung tánh mạng.

BA là ân sinh rồi vui mừng quên tất cả: Trong khi sinh đẻ, gan ruột từ mẫu tuồng như xé rách đau đớn mê man, máu huyết dầm dề. Nhưng nghe con an toàn thì vui mừng quên tất cả. Song vui đó lại buồn đó, thống khổ triệt can trường.

BỐN là ân nuốt đắng nhổ ngọt: Tình thương cha mẹ thật thâm hậu, thương mến có bao giời lạt phai. Nhổ ngọt không tiếc nuối, nuốt đắng nào phiền hà. Thương mến càng sâu đậm, bi sầu càng tăng thêm. Miễn sao con no ấm, đói khát mẹ nào từ.

NĂM là ân nhường khô nằm ướt: Mẹ nằm chỗ ướt át, nâng con chỗ ấm khô. Đôi vú no đói khát, hai tay che gió sương. Yêu thương quên ngủ nghỉ, sủng ái hết giá lạnh. Chỉ mong con yên ổn, mẹ hiền không cầu an.

SÁU là ân bú mớm nuôi nấng: Mẹ hiền ân hơn đất, cha “nghiêm đức” quá trời, che chở ân cao dày, cha mẹ nào tính toán. Không hiềm không mắt mũi, không ghét què chân tay. Con sinh từ bụng mẹ, con đổi dạ thương ai!

BẢY là ân tắm rửa săn sóc: Không nghĩ phận mình chỉ lo con bệnh tật, cho nên hết lòng tắm rửa và săn sóc. Áo quần lo cho con, rách rưới mẹ đành chịu. Thân con được kín đáo là lòng mẹ ấm áp.

TÁM là ân xa cách thương nhớ: Chết mà từ biệt đã đành khó nhẫn nại, sống mà biệt ly, lại càng rất nhớ thương. Con đi đường xa cách, lòng mẹ bóng theo hình. Ngày đêm không hả dạ, tối sớm nào tạm quên. Khóc như khóc vượn nhớ con, thương nhớ nát can trường.

CHÍN là ân vì con mà mẹ làm ác: Lao khổ đủ muôn bề, bữa ăn vẫn khó kiếm, vì muốn con no ấm, việc ác mẹ khó xa. Nuôi khôn lớn, lo hôn nhân, lo cơm áo, sợ cơ hàn. Kho nấu các sinh vật, cũng vì ngon miệng con.

MƯỜI là ân thương mến trọn đời: Ân đức của cha mẹ cao sâu hơn trời đất. Hy sinh hết tất cả, vẫn thấy chưa vừa lòng. Mẹ già hơn trăm tuổi, còn thương con tám mươi. Ân ái có đoạn chăng, chỉ hơi thở cuối cùng.

(Kinh Báo Ân Cha Mẹ)


Monday 6 August 2012



- Do NGHIỆP hiện hữu trong đời

Do NGUYỆN sáu nẻo luân hồi bước qua .
Không chọn được chốn sinh ra
Nhưng mà chọn được nẻo ta đi về.. 


Namo Buddhaya

__(())__


- Phật Ở Mô ?


Phật Ở Mô ?


Thuở xưa có anh chàng đọc kinh, nghe nói về Phật thích lắm, nhất định đi tìm cho gặp Ngài mới nghe. Anh chàng khăn gói quả mướp ra đi. Sau khi trải qua không biết cơ man nào là núi sông, hầm hố, gian nguy hiểm trở… chàng vẫn chưa được gặp Phật giống như hình dáng trong kinh đã diễn tả: “Thân Phật sắc vàng, cao một trượng sáu, đầy đủ 32 tướng tốt, 80 vẻ đẹp hào quang sáng chói.”



Hôm nọ tại một triền non, chàng trai tình cờ gặp một cụ già râu tóc bạc phơ cốt cách siêu phàm. Mừng quá chàng khẩn khoản:

- Thưa cụ, cụ có biết Phật đang ngụ ở đâu không? Xin chỉ dùm con với.

Ông lão mỉm cười:

- Ồ, chỗ nào mà không có Phật? Trên quảng đường vừa qua chả lẽ con không gặp được Ngài.

- Thưa cụ trên đường đi con đã từng gặp vô số người, nhưng đều là hạng phàm phu tục tử cả… con chưa từng thấy người nào có được vài tướng tốt như trong kinh đã mô tả về Phật cả.

Ông cụ cười ha hả:

- Chú mày ngốc nghếch thật! Chú không biết rằng cái thân đầy đủ 32 tướng tốt và 80 vẻ đẹp đó, dân Ấn đã đốt thành tro và chia nhau xây tháp thờ cúng cả rồi ư?

- Thưa thế thì Phật chết rồi sao?

- Hiện giờ đức Phật đang phân thân ở khắp mọi nơi. Ngài cũng mang thân tồi và xấu như chúng sanh vậy. Con còn có muốn gặp Ngài nữa không?

- Thưa dù với bất cứ hình dạng nào, nếu đích thực là Ngài thì con vẫn vô cùng khác ngưỡng.

- Vậy thì để ta mách nước cho con nhé… Con hãy quay về… Trên đường về, nếu gặp một người nào mang guốc trái ở chân phải, guốc phải ở chân trái thì chính người đó là một hóa thân của Phật. Hãy thừa sự và cúng dường vị Phật ấy như trong kinh đã dạy…

Chàng trai hối hả quay về, suốt quãng đường dài chàng không gặp đức Phật nào mang hình dáng như cụ già diễn tả. Chán nãn chàng quay về nhà. Trời đã khuya, bà mẹ còn chong đèn ngồi đợi con. Nghe tiếng gọi cửa bà mừng quá, tụt xuống phản quờ quạng tìm đôi guốc rồi chống gậy tất tả ra mở cửa. Chàng trai thấy mẹ tiều tụy, nước mắt chảy dài trên đôi má nhăn nheo, mang lộn chiếc guốc trái qua chân mặt, guốc mặt sang chân trái. Chàng ôm chầm lấy mẹ nghẹn ngào:

- Ôi! Ðức Phật yêu quý của con.

***
Em thân mến!

Trong kinh Phật có dạy: “Gặp thời không có Phật thì hai vị Phật đáng tôn thờ là cha và mẹ của mình, phải cung kính và thờ phụng hai vị này như tôn thờ đức Phật Thích Ca và Di Lặc vậy.” Ðó là lời dạy cho hàng Phật tử tại gia.
Riêng chúng ta hàng xuất gia đã lìa bỏ cha mẹ của xác thân này và để thừa sự cúng dường tất cả chúng sanh là những cha cùng mẹ trong vô lượng kiếp của mình.
Ngày xưa, trong hàng môn đồ của Ðại sư Trí Khải – một danh tăng đời Ðường – có một vị sư nhớ nhung cha mẹ, bèn bày tỏ cùng Ngài. Ðại sư dạy:
- Là người xuất gia ông chớ nên vì cha mẹ một đời mà xao nhãng bổn phận đối với cha mẹ nhiều đời, là tất cả chúng sanh đó vậy.
Câu chuyện anh chàng đi tìm Phật trên đây do người Trung Hoa đặt ra để nhắc nhở về chữ hiếu và bổn phận làm con. Nhưng qua câu chuyện này, em có thấy rõ chỗ oái oăm của nó là chúng ta bôn ba đi tìm Phật khắp nơi, trong khi Ngài ở kề cận bên mình mà chẳng hay. Vì thế mà có lẽ khi tăng Huệ Hải hỏi Mã Tổ về Phật, Mã Tổ đáp:

- “Hệt kẻ cỡi trâu đi tìm trâu” - Em có thấy như thế không?

SC Như Thủy


- TÂM


 ''..Đời người có một cái TÂM
cái TÂM ở giữa đời người
Tu sao tu cho ĐỀU tu cho KHÉO
Cho TÂM này đừng méo đừng vuông..'' (*___*)

Thích Tánh Tuệ 
phóng tác 

__(())__

- Con Đường có sẳn trong Tim

Đường không theo dấu chân chim qua trời...



Namo Buddhaya



__(())__


- SÁM VU LAN


Đệ tử chúng con,
Vâng lời Phật dạy,
Ngày rằm tháng bảy,
Gặp hội Vu Lan,
Phạm vũ huy hoàng,
Đốt hương đảnh lễ,
Mười phương tam thế,
Phật Pháp Thánh Hiền.

Noi gương đức Mục Kiền Liên,
Nguyện làm con thảo,
Lòng càng áo não,
Nhớ nghĩa thân sinh,
Con đến trưởng thành,
Mẹ dày gian khổ,
Ba năm nhũ bộ,
Chín tháng cưu mang,
Không ngớt lo toan,
Quên ăn bỏ ngủ,
Ấm no đầy đủ,
Cậy có công cha,
Chẳng quản yếu già,
Sanh nhai lam lũ,
Quyết cùng hoàn vũ,
Phấn đấu nuôi con,
Giáo dục vuông tròn,
Đem lòng học đạo.

Đệ tử ơn sâu chưa báo,
Hổ phận kém hèn,
Giờ nầy quì trước đài sen,
Chí thành cung kỉnh.
Đạo tràng thanh tịnh,
Tăng Bảo trang nghiêm,
Hoặc thừa tự tứ,
Hoặc hiện tham thiền,
Đầy đủ thiện duyên,
Dũ lòng lân mẫn.

Hộ niệm cho:
Bảy kiếp cha mẹ chúng con,
Đượm nhuần mưa pháp,
Còn tại thế:
Thân tâm yên ổn,
Phát nguyện tu trì,
Đã qua đời:
Ác đạo xa lìa,
Chóng thành Phật quả.

Ngửa trông các đức Như Lai,
Khắp cõi hư không,
Từ bi gia hộ.

Nam Mô Tây Phương Cực Lạc Thế Giới Đại Từ Đại Bi Tiếp Dẫn Đạo Sư A Di Đà Phật .

__(())__