Saturday 8 September 2012

- Đức Phật dạy có 3 hạng người trong xã hội với 3 cách nói


Đức Phật dạy có 3 hạng người trong xã hội với 3 cách nói :

''Một là nói như phân; 
hai là nói như hoa; 
ba là nói như mật."

Thế nào là hạng người nói như phân ? Hạng người nói không đúng sự thật, nói dối trá, nói hai lưỡi, nói thêu dệt, nói ác ngữ. Đây là hạng người nói như phân.

Thế nào là hạng người nói như hoa ? - Hạng người nói đúng sự thật, không dối trá không nói hai lưỡi, không nói thêu dệt, không nói ác ngữ. Đây là hạng người nói như hoa.

Thế nào là hạng người nói như mật ? - Hạng người không những nói đúng sự thật, không dối trá, không nói hai lưỡi, không nói thêu dệt, không nói ác ngữ, mà còn luôn luôn nói những lời lợi ích, nói những lời không hại, nói những lời hướng thiện, tai ưa nghe, khả ái, đi thẳng đến tâm, lễ độ, được nhiều người ưa thích, thích ý. Đây là hạng người nói như mật.

(Kinh A Hàm)

__(())__

- LUẬT...





- Ba ý muốn cuối cùng của Alexander Đại Đế :



Đại Đế Alexander III (-356 -323 [356-323 Trước Công Nguyên]) (Alexandre le Grand) : gốc Macédoine, học trò của Aristote. Được xem là một trong những vị tướng thành công nhất trong lịch sử, người đã chinh phạt gần như toàn bộ thế giới mà ông biết trước khi qua đời; ông thường được xem là một trong những nhà chiến lược quân sự vĩ đại nhất trong lịch sử.

Đế quốc vĩ đại của Alexandre chạy dài từ Hy Lạp đến Ấn Độ Dương

Những ý nguyện cuối cùng của ngài Alexander Đại Đế khi sắp chết. Ngài Alexander Đại Đế cho triệu tập các quan trong triều đình đến để truyền đạt 3 ý nguyện cuối cùng của mình. Ngài phán rằng:

1 - Quan tài của ngài phải được khiêng đi bởi chính các vị ngự y giỏi nhất của thời đó.

2 - Tất cả các báu vật của ngài (vàng, bạc, châu báu, ...) phải được rải dọc theo con đường dẫn đến ngôi mộ của ngài, và ...

3 - Đôi bàn tay của ngài phải được để lắc lư, đong đưa trên không, thò ra khỏi quan tài để cho mọi người đều thấy.

Một vị cận thần của ngài, rất đổi ngạc nhiên về những ý muốn kỳ lạ này, và đã hỏi ngài Alexander lý do tại sao.

Ngài Alexander đã giải thích như sau:

1 - Ta muốn chính các vị ngự y giỏi nhất phải khiêng quan tài của ta để cho mọi người thấy rằng một khi phải đối mặt với cái chết, thì chính họ (là những người tài giỏi nhất) cũng không có tài nào để cứu chữa.

2 - Ta muốn châu báu của ta được vung vãi trên mặt đất để cho mọi người thấy rằng của cải, tài sản mà ta gom góp được ở trên thế gian này, sẽ mãi mãi ở lại trên thế gian này (một khi ta nhắm mắt xuôi tay từ giã cõi đời).

3 - Ta muốn bàn tay của ta đong đưa trên không, để cho mọi người thấy rằng chúng ta đến với thế giới này với hai bàn tay trắng và đến cuối cuộc đời, khi chúng ta đã cạn kiệt kho tàng quý giá nhất là thời gian, thì chúng ta cũng sẽ rời khỏi thế giới với hai bàn tay trắng mà thôi!.

__(())__

- SỐNG TRỌN VẸN TỈNH THỨC


Câu hỏi:

Kính bạch Thầy cho con hỏi. Trong cuộc sống hàng ngày, làm thế nào để được trọn vẹn tỉnh thức ngay trong hiện tại ? Con cám ơn Thầy.

Trả lời:

Thường tự sáng suốt biết mình:
biết lắng nghe, biết quan sát,
biết cảm nhận mọi hoạt động của thân,
của những cảm giác, của trạng thái tâm đang diễn ra,
của sự tương giao nội ngoại giới v.v...
tức là đang sống trọn vẹn tỉnh thức.

HT Viên Minh

__(())__

- CỦA ÍT LÒNG NHIỀU



Ngày xưa, có một cô gái mồ côi cha mẹ, không ai nuôi. Cô phải đi ăn xin ngoài chợ. Tối lấy chiếu quấn nằm ngủ. Một hôm nghe nói Rằm Tháng Bảy cúng dường Tam Bảo có phước lắm, cô tự nghĩ làm sao mình tạo phước để khỏi nghèo khổ nữa.

Hôm đó xin được có hai xu, cô muốn cúng cái gì mà chư Tăng trong chùa đều hưởng được hết. Nghĩ vậy cô mua hai xu muối, đem vô chùa năn nỉ vị nấu cơm: "Con xin được có hai xu để mua muối, xin được cúng hết chư Tăng trong chùa, mong người giúp cho". Vị ấy liền bỏ nắm muối của cô vào nồi canh to, thế là chư Tăng đều được hưởng đầy đủ. Bẵng đi một thời gian dài, cô cũng không còn nhớ chuyện cúng muối nữa.

Lần lần lớn khôn, cô càng xinh đẹp lạ thường. Khi đó trong triều đình nhà Vua muốn chọn người làm vợ Thái Tử nhưng thấy mỹ nhân nào Thái Tử cũng từ chối. Vua ra lệnh cho các quan tìm người nào Thái Tử vừa ý sẽ được trọng thưởng. Bấy giờ một ông quan đi ngang vùng đó, thấy trên trời có vầng mây đỏ, ông nghĩ nơi đây chắc có dị nhân phước lớn.

Giờ trưa, trên đường trở về, ông thấy cô bé 16, 17 tuổi đang trùm chiếu ngủ. Ông đến gần nhìn, bất chợt cô bé thức dậy tốc chiếu ra. Thấy người con gái đẹp đẽ phi thường lại sống đầu đường xó chợ như vậy, ông tội nghiệp đem về nuôi. Được vài năm, cho ăn mặc dạy dỗ đàng hoàng, tới năm cô 18 tuổi ông dẫn đến trình nhà Vua. Vua gọi Thái Tử lại, vừa thấy cô bé Thái Tử đẹp lòng ngay. Cô được Đông Cung Thái Tử cưới làm vợ.

Khi Vua băng hà, Thái Tử lên ngôi vua và cô bé trở thành Hoàng Hậu. Khi làm Hoàng Hậu cô cứ nghĩ, không biết mình đã làm gì mà được phước thế này. Chừng ấy mới nhớ chắc do việc cúng muối năm xưa mà ra. Một hôm, Hoàng Hậu sắm đủ thứ vật dụng sang trọng truyền chở vô ngôi chùa ngày xưa.

Nhưng lúc trước chỉ với hai xu muối của cô bé ăn xin, mà Thầy trụ trì nói bữa nay có đại thí chủ đến cúng dường, bảo chư Tăng đánh chiêng trống đón. Bây giờ Hoàng Hậu đem nhiều tài vật đến nhưng Thầy trụ trì không đánh chuông trống đón. Lấy làm lạ, Hoàng Hậu gặp Thầy trụ trì hỏi "Thưa Thầy, ngày xưa con là đứa ăn mày, chỉ cúng dường có hai xu muối mà nghe chuông trống đánh rình rang. Ngày nay, con là Hoàng Hậu cúng cả xe trân bảo mà không nghe chuông trống gì hết?.

"Ngày xưa hai đồng xu quý vì đó là mạng sống của con. Muốn cúng chùa con phải nhịn đói, nên hai xu ấy lớn vô cùng. Ngày nay con là Hoàng Hậu, của cải đầy xe nhưng đó là của dân chớ đâu phải của con. Lấy của người làm phước cho mình thì đâu có gì quan trọng."

Nghe vậy Hoàng Hậu giật mình, thức tỉnh.

__(())__


- Duyên phận


.. Duyên phận giữa người với người thật sự rất sâu,
có thể gắn bó đến ngàn năm,
mặc cho phong trần lên xuống,
ôm mãi một mối tình không đổi.

Duyên phận giữa người với người cũng rất cạn,
chẳng qua là một khoảnh khắc gặp gỡ,
xoay người liền vĩnh viễn thành người lạ.

Phật dạy, duyên sâu thì hợp, duyên mỏng thì tan,
vạn pháp tùy duyên, không cầu sẽ không khổ.

Vì thế, phải chăng là nên lấy tư thái an tĩnh,
mỉm cười nhìn chuyện người chuyện đời chuyển biến,
nhìn lá rụng rời cành hôm nay thành mầm non nảy xanh biếc trên đầu cành ngày mai!.. (*___*)

Namo Buddhaya.

__(())__


- Bình thản trước thị phi



Một lần, Phật đi giáo hóa ở vùng có nhiều người tu theo Bà La Môn giáo. Các tu sĩ Bà La Môn thấy đệ tử của mình đi theo Phật nhiều quá, nên ra đón đường Phật mà mắng chửi. Phật vẫn đi thong thả, họ đi theo sau không tiếc lời rủa xả. Thấy Phật thản nhiên làm thinh, họ tức giận, chặn Phật lại hỏi:

– Ngài có điếc không?
– Ta không điếc.
– Ngài không điếc sao không nghe tôi chửi?
– Này tín đồ Bà La Môn, nếu nhà ông có đám tiệc, thân nhân tới dự, mãn tiệc họ ra về, ông lấy quà tặng họ không nhận thì quà đấy về tay ai?
– Quà ấy về tôi chứ ai.
– Cũng vậy, ông chửi ta, ta không nhận thì thôi.

- Trong kinh Phật viết rằng, khi người ác mắng chửi người thiện, người thiện không nhận thì người ác giống như người ngửa mặt lên trời phun nước bọt, nước bọt không tới trời mà rời xuống ngay mặt người phun. Có thọ nhận mới dính mắc đau khổ, không thọ nhận thì an vui hạnh phúc. Thế nên từ nay về sau nếu có nghe thấy ai đó nói lời không tốt về mình, chớ có thọ nhận thì sẽ được an vui.

Theo Phật giáo, khẩu nghiệp là một trong những nghiệp nặng nề nhất mà một người có thể tạo ra. Vết thương bạn gây ra trên thân thể người khác còn có ngày lành nhưng vếtthương gây ra bởi lời nói thì chẳng biết ngày nào mới lành lại được.

Vì vậy hãy cẩn trọng với lời nói của mình, đừng gây ra thị phi vì vô ý thức, cũng đừng trách móc người khác chỉ vì lỗi lầm của họ bởi:

“Every saint has a past, every sinner has a future”,

Nghĩa là : “Vị thánh nào cũng có một quá khứ, và tội đồ nào cũng có một tương lai”.

Namo Buddhaya

__(())__



- Bản chất của chiếc lá tự nó là yên, không động đậy, không phiền hà gì tới ai.
Khi nó chuyển động là do có điều gì đó tiếp xúc với nó.
Khi gió chạm vào, chiếc lá phe phẫy.

- Bản chất của tâm cũng thế. Không thương, không ghét, không trách móc ai. 
Nó ở yên như thế -trong điều kiện thật thuần khiết, rõ ràng và trong sạch.
Nó ở yên, không vui, không buồn, không có bất cứ cảm thọ nào.
Đó là trạng thái chân thật của tâm .

Thiền sư Ajahn Chah



- " Một khi đã hoàn toàn ý thức được giá trị của sự hiện hữu dưới hình dạng con người, thì tất chúng ta cũng sẽ hiểu rằng việc cố tình phung phí thời giờ trong các việc giải trí và chạy theo những tham vọng tầm thường, chỉ là vô nghĩa và mang đến cho mình một sự hoang mang tột độ mà thôi ".

Dilgo Khyentzé Rinpoché

Friday 7 September 2012

- Tám Kiếp Sống Bất hạnh nhất Trong Vòng Luân hồi Sinh Tử (Samsara)


Tám Kiếp Sống Bất hạnh nhất Trong Vòng Luân hồi Sinh Tử (Samsara)

Trong Kinh Dasuttara Sutta (Kinh Thập Thượng) thuộc Trường Bộ Kinh (Digha Nikaya) và Luận Giảng Tăng Chi Bộ Kinh (Anguttara Nikaya) đã ghi rõ tám (8) kiếp sống thật vô cùng bất hạnh hay không may mắn vào lúc Đức Phật Toàn Giác xuất hiện trên thế gian này. 

Bất hạnh vì khi có Đức Phật xuất hiện thì những chúng sinh đó không được đang làm người để gặp Phật hay nghe, học được Giáo Pháp của Đức Phật. Tám kiếp sống bất hạnh đó là:

1/.Kiếp sống liên tục đau khổ và đày đọa trong Địa ngục, không làm được điều gì công đức vì đang liên tục chịu những cực hình đau đớn.

2/.Kiếp sống Súc Sinh, luôn luôn sợ hãi và không làm được điều gì công đức, vì không có tri giác để biết được điều gì tốt, xấu.

3/.Kiếp sống ngạ Quỷ (Peta) hay ‘hồn ma’, không thực hiện được điều gì công đức, vì luôn luôn chịu đau khổ vì đói và khát liên tục của kiếp quỷ đói.

4/.Kiếp sống của Chúng sinh vô thức (asanna satta) ở cõi trời Phạm Thiên và không làm được việc gì công đức hoặc có thể nghe được giáo Pháp (Dhamma), vì không còn thức hay tri giác, ngoài sắc thân.

5/.Kiếp sống của một Trời Phạm Thiên ở cõi Vô Sắc giới và không thể gặp được Đức Phật hay nghe được Giáo Pháp của Đức Phật, bởi vì những chúng sinh này không có các căn như mắt, tai, mũi, lưỡi và thân.

6/.Kiếp sống ở những vùng xa xôi hẻo lánh không tiếp cận được Tăng Đoàn hay bất cứ một đệ tử nào của Đức Phật để được nghe giáo Pháp và vì thế cũng không thực hiện được việc công đức nào.

7/.Kiếp sống của người luôn dính chấp vào Tà Kiến (cách nhìn hay quan điểm sai lầm, lạc lối). Đây có thể gọi là một kiếp sống bất hạnh nhất trong 8 kiếp sống bất hạnh đang nói. Vì sao? Vì những người này đang sống ngay giữa trung tâm thế gian này thậm chí ngay giữa “Miền Phật Giáo” (kể cả những xứ Miền Trung Bắc Ấn Độ vào thời có Đức Phật tại thế đi thuyết giảng), nhưng vì dính chấp vào tà kiến mà cũng không được nghe Giáo Pháp (Dhamma) hay làm được những việc công đức ngay lúc Đức Phật truyền dạy khắp đất nước.

8/.Kiếp sống của những con người tật nguyền, hay những thiên thần, quỷ thần dị dạng trong cõi trời Tứ Đại Thiên Vương (Catumaharajika), đó là những chúng sinh mạng Thức tái sinh không có căn thiện (ahetuka), vì vậy họ không thể nào hiểu được hay thực hành Giáo Pháp Đức Phật, ngay cả khi họ đang sống giữa “Miền Phật Giáo” và không hề bị dính chấp vào Tà Kiến sai lạc. Chỉ đơn giản là trong Thức tái sinh của họ không có gốc rễ hay căn hướng thiện.

Namo Buddhaya

__(())__

- Một cái thấy sáng tỏ


Một cái thấy sáng tỏ

Vấn đề không phải là ta không nên làm gì hết, mà là ta phải thấy rõ mình đang làm gì. Làm với một cái thấy trong sáng và bao dung, hay làm theo sự thúc đẩy của những ưa thích, ghét bỏ của tập quán và thói quen. Và có nhiều khi tuy bên ngoài người ta có vẽ như ngồi yên, nhưng trong tâm mình thì đang “làm” đủ thứ chuyện hết: phiền muộn, lo toan, buồn giận, mong cầu… Bạn biết không, theo luật nhân quả, karma, thì cái tác ý đứng sau hành động mới là yếu tố chánh quyết định cho sự tốt, xấu của hạt giống ta gieo trồng trong hành động ấy.

Thật ra, ngồi yên không phải là một hình tướng ở bên ngoài, mà là một thái độ bên trong, một sự tĩnh lặng và trong sáng, thấy rõ được những gì đang thật sự xảy ra. Và vì đó là một thái độ trong tâm, nên có khi tuy ta đang làm mọi chuyện mà mình vẫn có thể “ngồi yên”. Ta vẫn có thể ngồi yên được trong khi mình đang bước đi, trong khi ta hành xử và tiếp xúc với cuộc đời.

Có lần tôi đọc được câu này,

Sometimes, the easiest way to solve a problem is to stop participating in the problem. ( Đôi khi, cách hay nhất để giải quyết một vấn đề là thôi đừng tham gia vào vấn đề ấy nữa. )

Câu ấy cũng hay phải không bạn, trong cuộc đời có nhiều lúc vấn đề có mặt cũng một phần là do sự đóng góp vô ý thức của mình.

Nhưng điều ấy không có nghĩa là ta cứ buông xuôi, tránh né hoặc không làm gì hết, mà nó chỉ có nghĩa là ta đừng tiếp tục đóng góp, tạo thêm năng lượng cho vấn đề ấy nữa thôi. Cũng như với một chảo dầu đang sôi, nếu như ta muốn cho nó bớt sôi thì cách hay nhất, và trước tiên hết, là bớt bỏ thêm củi lữa vào. Nhiều khi, nhờ không làm gì hết mà vấn đề lại tự nó lại được chuyển hóa.

N Duy Nhien

__(())__

- Chánh Niệm là gì?


THAM VẤN

Chánh Niệm là gì?

Bạch Sư Ông. Thưa Sư Ông, con nghe mẹ và bà ngoại con thường nói phải ăn, đi, đứng, nằm, ngồi trong chánh niệm. Nhưng thực ra con và mọi người cũng có ai hiểu được chánh niệm nghĩa là gì. Xin Sư Ông giải nghĩa cho ạ.

Trả lời:

Thực ra Chánh Niệm không đi riêng một mình mà khi nói Chánh Niệm là ám chỉ cả 3 yếu tố Tinh Tấn, Chánh Niệm và Tỉnh Giác.

Con người thường sống bị chi phối bởi hoàn cảnh bên ngoài, sống quên mình trong mê mờ như vậy dễ bị đắm chìm trong phiền phức và đau khổ:

+ Sống chạy theo bên ngoài gọi là buông lung,

+ Sống quên mất chính mình gọi là thất niệm và

+ Sống không biết rõ chính mình gọi là mê muội không tỉnh thức.

Vậy không buông lung theo lòng tham muốn bên ngoài mà biết trở về với chính mình, gọi là tinh tấn;

Sống trọn vẹn với chính mình, không quên mất chính mình nữa, gọi là chánh niệm;

Sống biết mình một cách rõ ràng trong sáng gọi là tỉnh giác.

Bà ngoại và mẹ nhắc con chánh niệm là ý nói rằng khi làm bất cứ việc gì như uống, ăn, đi, đứng, học bài... đều luôn trở về trọn vẹn trong sáng với việc ấy thì con sẽ thấy hứng thú và hiệu quả hơn, và vì không bị bên ngoài chi phôi, nên con sẽ không bị lo lắng buồn phiền gì cả, phải không nào?

Sư ông chỉ cho con một cách thực hiện ý của bà và mẹ dễ dàng hơn là con nên thường thận trọng, chú tâm và quan sát việc làm của mình thì con sẽ chánh niệm không gì khó cả...

TS Viên Minh




- Lệ thuộc cách nghĩ mọi người
Là ta bị họ mọi thời nhốt giam.


__(())__




- Thông Minh là biết được người
- TRÍ TUỆ là tự biết nơi chính mình.

__(())__


- '' THẤY VẬY MÀ KHÔNG PHẢI VẬY''




'' THẤY VẬY MÀ KHÔNG PHẢI VẬY''

Thiền sư Nguyện Thuyền là một họa sĩ tải năng, nhưng thật kỳ lạ, trước khi vẽ tranh cho ai ông đều đòi được trả tiền trước, nếu không quyết sẽ không động bút. Vì tác phong ấy nên có rất nhiều lời đàm tiếu sau lưng thiền sư.

Một hôm, có một nữ sĩ nhờ thiền sư vẽ cho cô ta một bức tranh, thiền sư nói:

- Cô nương trả thù lao cho ta bao nhiêu?

Vị nữ sĩ đáp:

- Ngài đòi bao nhiêu tôi trả bấy nhiều, nhưng ngài phải đến nhà tôi múa bút trước mặt mọi người.

Thiền sư Nguyện Thuyền đồng ý theo cô về nhà. Thì ra cô đang mở tiệc đãi khách trong nhà. Thiền sư cầm bút vẽ tranh cho cô ta, vẽ xong, nhận thù lao định đi, nhưng vị nữ sĩ kia liền nói với quan khách giữa bàn tiệc:

- Vị họa gia này chỉ biết có tiền thôi, tranh ông ta vẽ tuy rất đẹp nhưng tâm địa như vậy là bẩn thỉu, vàng bạc đã làm nhơ hết cái thiện cái mỹ, một tác phẩm xuất phát từ tâm hồn như vậy không thể treo ở phòng khách, chỉ có thể dùng trang trí cho cái quần của tôi thôi...

Vị nữ sĩ nói xong liền cởi chiếc quần mình đang mặc ra, muốn thiền sư vẽ tranh lên mặt sau của chiếc quần. Thiền sư Nguyện Thuyền lại hỏi:

- Cô nương sẽ trả cho ta bao nhiêu tiền?

Vị nữ sĩ đáp:

- Ông đòi bao nhiêu tôi cũng đưa.

Thiền sư Nguyệt Thuyền liền đưa ra một cái giá rất đắt, sau đó vẽ theo yêu cầu của nữ sĩ. Vẽ xong liền ra về.

Rất nhiều người thắc mắc, vì sao một thiền sư mà cứ phải có tiền mới được, bị làm nhục như thế sao thiền sư vẫn chịu đựng được?

Mãi về sau, mọi người mới vỡ lẽ. Thì ra, ở điạ phương của thiền sư Nguyện Thuyền thường xuyên gập nạn mất mùa, người giàu lại không chịu mở lòng bố thí cho dân nghèo, cho nên thiền sư xây một nhà kho dự trữ lương thực cứu tế. Ngoài ra, chính sư phụ của thiền sư Nguyện Thuyền khi còn sống cũng muốn xây dựng một ngôi thiền viện, nhưng chẳng may ý nguyện chưa thành thì đã qua đời. Thiền sư Nguyện Thuyền nguyện sẽ hoàn thành ý nguyện của sư phụ.

Sau khi hoàn thành các ý nguyện, thiền sư Nguyện Thuyền liền vứt bỏ hết bút vẽ, vào núi ở ẩn, không bao giờ vẽ tranh nữa. Thiền sư chỉ nói một câu rằng: 

"Vẽ hổ vẽ da khó vẽ xương,
vẽ người vẽ mặt khó vẽ lòng".

Ba Tê

- CÁI "TA" NHƯ HUYỄN




Đức Phật dạy: "Nên nghĩ đến tứ đại trong thân, mỗi thứ tự nó có tên, không có cái nào là 'ta' cả. Cái 'ta' đã không có thì nó chỉ như huyễn như hóa mà thôi."

Lược giảng: 

Nếu nói rằng cái thân này là "tôi," thì quý vị hãy xét lại xem 

- đầu thì có tên là "đầu"; 
chân có tên là "chân"; 
mắt có tên là "mắt"; 
tai có tên là "tai"; 
mũi có tên là "mũi"; 
lưỡi có tên là "lưỡi"; 
miệng có tên là "miệng." 

Từ đầu tới chân, mỗi bộ phận trên cơ thể đều có tên của nó. Cơ phận nào thì có tên của cơ phận đó, vậy quý vị hãy nói đi, cái "tôi" nằm ở đâu? Chỗ nào được gọi là "tôi"? Chẳng có nơi nào gọi là "tôi" cả! Như vậy, đã không có một nơi nào tên "tôi," thì tại sao quý vị lại chấp trước vào cái "tôi"? Tại sao lại quá coi trọng cái "tôi" như thế? Khắp cơ thể chẳng có cái gì tên "tôi," chẳng có cái gì là "tôi" cả kia mà!

(Tứ Thập Nhị Chương Kinh, chương 20)


Thursday 6 September 2012

- Hạnh phúc ở đâu ?


Hạnh phúc ở đâu ?

Hạnh phúc nằm ở đôi môi của bạn đấy.

Một đôi môi biết mỉm cười và biết nói lời yêu thương chính là cửa ngõ dẫn đến hạnh phúc an nhiên của con người. Nếu bạn chỉ biết than vãn, chỉ biết oán trách những trớ trêu của cuộc đời, chỉ biết dùng lời nói để chê bai, mỉa mai, công kích người khác thì đừng hỏi “Vì sao tôi không thấy hạnh phúc”.

Hãy nói về những yêu thương tốt đẹp, hãy mỉm cười với cuộc sống xung quanh, hãy dành những lời ngọt ngào cho những người bạn yêu quý và bạn sẽ thấy hạnh phúc nảy nở từ đôi môi.

(*___*)


- 6 CĂN CỦA CHÚNG TA NHƯ CÁI CAMERA


- NẾU MUỐN...




Nếu bạn muốn trở nên thú vị, hãy tươi cười, tế nhị, biết quan tâm..
Nếu bạn muốn được hài lòng, hãy làm hài lòng người khác,
Nếu bạn muốn được yêu, hãy tỏ ra đáng yêu,
Và nếu bạn muốn được giúp đỡ, hãy sẵn lòng giúp đỡ.

- Đơn giản là thế, bạn hãy làm và đừng mắc cỡ thì.. bông hoa hạnh phúc sẽ tự nhiên tươi nở. 
( Thành thật khai báo câu cuối này là của thầy Cà ri '' chua '' thêm! Hihii.. )

William Arthur Ward


Wednesday 5 September 2012

- "Giận Quá Mất Khôn " (Thành Cát Tư Hãn và con chim ưng)


" Giận Quá Mất Khôn "
(Thành Cát Tư Hãn và con chim ưng)

Thành Cát Tư Hãn (1162 – 1227), tên Mông Cổ là Thiết Mộc Chân là một Khản Hãn (tương đương với Hoàng Đế) của Mông Cổ, được truy xưng Nguyên Thái Tổ ở Trung Quốc, còn với thế giới xem ông như là một đại đế không kém gì A Lịch Sơn Hoàng đế (Alexandre Đại Đế). Cuộc đời ông luôn chinh chiến gắn bó trên lưng ngựa từ một người chiến binh bình thường đến một vị đại đế có những chiến công chói lọi khiến các quốc gia thời bầy giờ nhắc đến tên ông đều phải khiếp sợ.

Ông có tính cánh rất mạnh mẽ, quật cường, liều lĩnh, táo bạo nhưng lại rất khôn ngoan. Những yếu tố đó tạo nên phong thái của một thống lĩnh vĩ đại nhưng cũng đôi lúc tính cách đó cũng làm ông bộc lộ sự nóng giận mất tự chủ mà phải hối hận vì những hành động mình làm. Câu chuyện của ông và bạch điêu tuy là nhỏ nhưng bài học lớn của riêng ông và cũng là bài học cho sự tự chủ của những người làm việc lớn nói chung.

Chuyện kể vào buổi sáng nọ, Thành Cát Tư Hãn và các thuộc hạ của ông đi săn. Thành Cát Tư Hãn mang theo trên cánh tay của ông con chim ưng mà ông yêu quý. Đã đến trưa mà không săn được gì cả, Thành Cát Tư Hãn quay lại chỗ cắm trại, và để khỏi phải cáu kỉnh với đám thuộc hạ, ông rời nhóm, cỡi ngựa đi một mình.

Trong sức nóng của mùa Hè, ông khát nước nhưng mọi dòng suối đều khô cạn. Thế rồi, ông ngạc nhiên nhìn thấy một dòng nước nhỏ chảy ra từ một tảng đá ngay trước mặt ông.

Ông lấy ra chiếc cốc bằng bạc ra hứng dòng nước ấy. Thật lâu nước mới chảy đầy cốc và ngay khi ông đưa chiếc cốc lên môi thì con chim ưng bay lên giật chiếc cốc rồi ném nó xuống đất.

Thành Cát Tư Hãn giận lắm, nhưng vì con chim ưng rất được ông yêu quý nên ông cúi xuống nhặt chiếc cốc lên lau sạch bụi và lại hứng nước. Khi nước chỉ mới được nửa cốc, con chim ưng lại lao đến tấn công làm đổ nước.

Lần này, ông rút kiếm ra khỏi vỏ, nhặt chiếc cốc và lại hứng nước, vừa canh chừng dòng nước, vừa để ý đến con chim ưng. Ngay lúc ông hứng vừa gần đầy cốc thì con chim ưng lại lần thứ ba bay lên và lao về phía ông. Thành Cát Tư Hãn với một nhát kiếm đã đâm thủng lồng ngực con chim.

Dòng nước kia đã khô cạn. Thành Cát Tư Hãn leo lên tảng đá để tìm nguồn suối khác. Ông kinh ngạc khi thấy có một vũng nước, và ngay giữa vũng nước đó là xác một con rắn độc nhất của miền đất này. Nếu ông lỡ uống nước đó, chắc hẳn ông đã chết rồi. Thành Cát Tư Hãn quay hối hận vô cùng đến ngay con suối lúc nãy ôm xác của con chim ưng mang về trại.

Ông ra lệnh làm một bức tượng chim bằng vàng. Trên một cánh chim, ông khắc dòng chữ:

“Thậm chí khi một người bạn làm điều gì đó anh không vừa lòng, người đó vẫn cứ là bạn của anh”.

Và trên cánh bên kia, ông khắc dòng chữ :

“Bất cứ phản ứng nào được thực hiện trong cơn giận dữ đều là hành động đưa đến sự thất bại”.

Nói thêm :

Có câu "Giận quá mất khôn", khi làm bất cứ việc gì một người sáng suốt nhất là người biết vuốt cơn tức giận của mình trước sau đó mới giải quyết chuyện đó sau.

- Hạnh Phúc Xả Ly


Hạnh Phúc Xả Ly

Ở đời người ta thường cho hạnh phúc là có được cái này, cái kia: Có nhà lầu, xe hơi, có vợ đẹp, con ngoan, có tài sản, quyền thế, v.v... Khi chưa có thì muốn có, làm đủ mọi cách để cho có. Có rồi thì sợ mất hoặc xem thường rồi lại muốn có cái khác. Nếu không được thì buồn phiền, bất mãn, khổ sở.

Người biết tu thì thấy "không có" là một hạnh phúc. Không có ở đây là do trí tuệ quán chiếu thấy mọi sự phiền toái đều do ham muốn mà ra. Bởi thế người tu không muốn có, nếu đã có rồi thì tập xả ly. Vì những thứ "có" trên thế gian này đều là ràng buộc.

Tuy nhiên đối với những người chưa có, chưa thỏa mãn được những mong ước, thèm khát, còn mải mê chạy theo vật chất thì xả ly là một việc thật khó làm, vì họ chưa có thì lấy gì mà xả bỏ.

Ðức Phật khi còn là thái tử đã có vợ con, vàng bạc, của cải, cung phi mỹ nữ, đầy đủ vật chất mà trong lòng vẫn nặng trĩu âu lo, không cảm thấy hạnh phúc. Do đó Ngài mới xả bỏ ra đi tìm chân lý, tìm hạnh phúc chân thật. Trong khi đó có những người tu lại chạy theo vật chất, của cải, tài sản, danh lợi bởi vì trong đời họ chưa được thỏa mãn, chưa cảm thấy có đầy đủ. Chỉ khi nào có được rồi và trải qua kinh nghiệm thấy những thứ mà họ đã nhọc công tìm kiếm chỉ đem lại phiền toái và khổ đau thì lúc đó ý nghĩ xả ly mới xuất hiện.

Trước hết có thân thì phải lo cho thân ăn, mặc, ở, sống. Phải đi làm kiếm ăn, phải mua quần áo mặc, phải thuê nhà ở tránh mưa nắng. Khi thân đau ốm phải lo thuốc men, chạy chữa. Nếu có gia đình thì phải lo làm ăn buôn bán kiếm tiền nuôi vợ con. Suốt ngày chỉ lo suy nghĩ và làm đủ mọi chuyện cho cái ta và những thứ của ta.
Hạnh phúc xả ly tương đương với thiểu dục tri túc, có nghĩa là tâm không ham muốn, và luôn cảm thấy đầy đủ dù trong tay không có gì hết. Với người tu, không có sở hữu gì thật là một hạnh phúc. Nói như vậy có vẻ ngược đời, nhưng người tu là kẻ đi ngược dòng đời kia mà!

Xả ly giống như người đang mang gánh nặng trên vai mà đi, nay bỏ được gánh nặng xuống thì cảm thấy nhẹ nhàng sung sướng vô cùng. Người tu cần tập xả ly, vì xả nhiều chừng nào thì nhẹ chừng nấy. Xả ly không có nghĩa là phải vứt bỏ hết tài sản, của cải đang có.

Xả ly trước hết là xả bỏ sự ham muốn và buồn giận trong tâm, kế đến là xả bỏ sự bám víu vật chất bên ngoài. Tuy sống giữa tài sản, vật chất, nhưng tâm không còn nhớ nghĩ những thứ đó là của ta, nếu có ai xin hoặc mất thì xem như nhẹ gánh nặng.

Tập xả ly tới mức cùng cực thì khi chết, ta xem như trút hết gánh nặng, nhất là cái thân tứ đại già yếu, bệnh hoạn. Ta đã phải mang nó trên vai suốt cả cuộc đời, nay bỏ được nó, há không phải là sung sướng lắm sao? Vì thế các thiền sư đắc đạo, khi chết đều vui vẻ an nhiên tự tại ra đi.

Khi đói thì ta thèm ăn, nhưng khi ăn thì đòi thứ này thứ kia rồi ăn cho cố, đau bụng, nặng bụng, khó thở. Khi khát thì thèm uống, nhưng khi uống thì thích những thứ độc hại như rượu bia, rồi say mèm, ói mửa. Nhiều khi sinh ra ung thư hay sưng gan.

Người tu là người đi tìm hạnh phúc chân thật, hạnh phúc này chỉ có khi tâm không còn bám víu, dính mắc, thèm khát mọi sự vật trên đời này. Như vậy hạnh phúc chính là sự giải thoát của tâm ý. Và muốn có giải thoát thì phải tập xả ly. Hãy nhìn vào tự tâm, xem mình còn bám víu, dính mắc, ưa ghét cái gì không? Có người xả bỏ được vợ con nhưng lại dính mắc vào chùa chiền, xả bỏ được tài sản nhưng lại dính mắc vào danh lợi, địa vị. Xả bỏ được cái này nhưng rồi lại dính mắc vào cái khác!

Ý Tình Thân

___(())___

- Pháp Ngữ Của Hòa Thượng Tuyên Hóa


- Người tu tập thiền định thì nơi nào lúc nào cũng phải tu tập thiền định. Nghĩa là cần phải thu nhiếp thân tâm, không buông lung, không tán loạn.

- Bạn hãy đọc kinh Không Nổi Nóng,
đọc kinh Không Chửi Bới,
đọc kinh Không Sân Giận.
Ðọc được ba bộ kinh này rồi thì rất mau sẽ thành Phật.

- Người chân chính tu đạo thì: Cử động hành vi tự kiểm thúc, đi đứng nằm ngồi chẳng rời nhà. Ðừng nên làm cái gương, chỉ chuyên môn phản chiếu ảnh người ta (hiện lên trên gương) nhưng không tự phản chiếu chính mình.

- Người xuất gia là gương tốt cho kẻ tại gia. Nếu bạn không làm gương tốt thì người tại gia sẽ không tin tưởng. Lúc ấy sức ảnh hưởng của bạn sẽ chẳng còn. Do đó người xuất gia cần phải làm gương tốt cho người tại gia.

- Người tu chúng ta nên ăn đồ đạm bạc, chẳng có mùi vị gì cả. Vậy thì mới phá được chấp trước, trừ được tật xấu của mình.


__((()))__


- Hỏi :
...Sao tôi bị chìm đắm trong suy nghĩ ?

- Trả lời:

Bởi vì bạn bị đồng nhất với nó, các quá trình ý nghĩ vô tình mà bạn không nhận ra liên tục độc thoại hay đối thoại trong đầu bạn vào mọi lúc.

Bạn có lẽ đã bắt gặp người "điên" trên phố tự nói hay tự lảm nhảm không dừng. Vâng, điều đó cũng chẳng khác gì mấy với điều bạn và tất cả mọi người "bình thường" khác làm, ngoại trừ rằng bạn không nói to nó ra. Tiếng nói này bình luận, tự biện, phán xét, so sánh, phàn nàn, thích, không thích và vân vân.

Điều khá thông thường tiếng nói đó là kẻ thù tồi tệ nhất của riêng bạn. Nhiều người sống với kẻ hành hạ trong đầu mình liên tục tấn công và trừng phạt họ và làm suy kiệt sinh lực của họ. Đó là nguyên nhân của khổ và bất hạnh không nói ra được, cũng như bệnh tật.

Bất kì khi nào bạn có khả năng quan sát tâm trí bạn, bạn không còn bị mắc bẫy trong nó. Hiện diện như người chứng kiến quan sát tâm trí bạn đi - các ý nghĩ và xúc động của bạn cũng như phản ứng của bạn trong đa dạng tình huống.

Đừng phán xét hay phân tích điều bạn quan sát. Cứ quan sát ý nghĩ, cảm xúc, xúc động quan sát phản ứng. Bất kì cái gì vô ý thức đều tan biến khi bạn chiếu ánh sáng của ý thức lên nó.

Một khi bạn biết cách làm tan biến vô thức thông thường, ánh sáng của sự hiện diện của bạn sẽ bừng sáng quyền năng tự quan sát của bạn, quyền năng giám sát trạng thái bên trong của bạn sẽ trở nên sắc bén.

Rồi bạn có thể thấy rằng tình huống tự thay đổi mà không có nỗ lực nào về phần bạn. Trong bất kì trường hợp nào, bạn đều tự do...

Eckhart Tolle


- Sơn Phòng Mạn Hứng


Sơn Phòng Mạn Hứng

是非念逐朝花落,
名利心隨夜雨寒。
花盡雨晴山寂寂,
一聲啼鳥又春殘。

Thị phi niệm trục triêu hoa lạc,
Danh lợi tâm tùy dạ vũ hàn.
Hoa tận vũ tình sơn tịch tịch,
Nhất thanh đề điểu hựu xuân tàn

- Thị-phi tiếng rụng theo hoa sớm, 
Danh-lợi lòng băng với bão đêm. 
Mưa tạnh hoa rơi, non vắng-vẻ, 
Chim kêu xuân lại quá bên thềm.

Ngài Trần Nhân Tông

( Sơn Phòng Mạn Hứng: 
tức Khởi Hứng Nơi Phòng Trên Núi )


- Tu đi chứ đừng tìm chỗ để đi tu




Tu đi chứ đừng tìm chỗ để đi tu

Đây là chuyện có thật: Có một cô gái còn trẻ đến gặp Sư cô:
- Thưa cô, cuộc sống của con gặp nhiều khó khăn, hiện con rất hoang mang và chán nản. Xin cô cho con đi tu...
Sư cô trả lời dịu dàng:
- Con hãy tu đi, chứ đừng tìm chỗ để đi tu!...

Câu trả lời thật hay phải không các bạn. Như thầy VM từng nói: 

"...Bình an không thể tìm thấy trong cuộc đời, vì nó chỉ có ở trong tâm...".

Ngay bây giờ, ngay nơi mình buông xuống mọi ý đồ tìm cầu của bản ngã, thì tâm sẽ tự tu mỗi khi xúc chạm việc đời. Đơn giản chỉ có vậy, khi "quay đầu" thì ngay đó đã là "bờ"!

Lành thay!...

__(())__

- Bạch Thầy! Có cách nào loại bỏ khổ đau ra khỏi đời sống để chỉ còn một màu hạnh phúc không ạ? 
- Có chứ! 
- Cách gì thầy chỉ cho con với! 

- Con ra chợ mua một trái Thanh Long ăn và nhả hết hạt của nó.

( Dạ.. con bótay. com thầy ơi! )

Kí tên

Già Như Trái Cà (* __*)

- MƯỜI NGHỊCH LÝ CỦA CUỘC SỐNG:


MƯỜI NGHỊCH LÝ CỦA CUỘC SỐNG:

1. Người đời thường vô lý, không “ biết điều ” và vị kỷ.
Nhưng dù sao đi nữa, hãy yêu thương họ.

2. Nếu bạn làm điều tốt, có thể mọi người sẽ cho là bạn làm vì tư lợi.
Dù sao đi nữa, hãy làm điều tốt.

3. Nếu thành công, bạn sẽ gặp những người bạn giả dối và những kẻ thù thật sự. Nhưng dù sao đi nữa, hãy thành công.

4. Việc tốt bạn làm hôm nay sẽ bị lãng quên. Nhưng dù sao đi nữa, hãy làm điều tốt.

5. Thẳng thắn, trung thực thường làm bạn tổn thương. Nhưng dù sao đi nữa, hãy sống thẳng thắn.

6. Người có ý tưởng lớn lao có thể bị đánh gục bởi những kẻ suy tính thấp hèn. Nhưng dù sao đi nữa, hãy luôn nghĩ lớn.

7. Người ta thường tỏ ra cảm thông với những người yếu thế nhưng lại đi theo kẻ mạnh. Nhưng dù sao đi nữa, hãy quan tâm cho những người yếu thế.

8. Những thành quả mà bạn đã phải mất nhiều năm để tạo dựng có thể bị phá hủy chỉ trong phút chốc. Nhưng dù gì đi nữa, hãy cứ tiếp tục dựng xây.

9. Bạn có thể sẽ bị phản bội khi giúp đỡ người khác. Nhưng dù sao đi nữa, hãy giúp đỡ mọi người.

10. Bạn trao tặng cuộc sống tất cả những gì tốt đẹp nhất và nhận lại một cái tát phũ phàng. Nhưng dù sao đi nữa, hãy sống hết mình cho cuộc sống.

NAMO BUDDHAYA

__(())__

Kent M. Keitha Ph.D



- Tất cả chúng sanh luôn luôn ở trong Niết bàn của chư Phật. Có điều chúng sanh chúng ta luôn luôn chuyển hóa Niết bàn thành sanh tử bằng cái thấy sai lầm của mình, còn các Bồ tát thì chuyển hóa sanh tử thành Niết bàn cũng bằng cái thấy đúng của các vị... (Thực Tại Thiền)

Kính chúc cả Chùa ngày mới an lành (*___*)

Namo Buddhaya 

__(())__ 


- Cõi thiện chờ đợi một tâm không cấu uế




- Cõi thiện chờ đợi một tâm không cấu uế -

-- Này các Tỷ-kheo, như một tấm vải cấu uế, nhiễm bụi, một người thợ nhuộm nhúng tấm vải ấy vào thuốc nhuộm này hay thuốc nhuộm khác, hoặc xanh, hoặc vàng, hoặc đỏ, hoặc tía, vải ấy sẽ được màu nhuộm không tốt đẹp, sẽ được màu nhuộm không sạch sẽ. Vì sao vậy? Này các Tỷ-kheo, vì tấm vải không được trong sạch. Cũng vậy, Này các Tỷ-kheo, cõi ác chờ đợi một tâm cấu uế.

- Này các Tỷ-kheo, như một tấm vải thanh tịnh, trong sạch, một người thợ nhuộm nhúng tấm vải ấy vào thuốc nhuộm này hay thuốc nhuộm khác, hoặc xanh, hoặc vàng, hoặc đỏ, hoặc tía, vải ấy sẽ được màu nhuộm tốt đẹp, sẽ được màu nhuộm sạch sẽ. Vì sao vậy? Này các Tỷ-kheo, vì tấm vải được trong sạch. Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, cõi thiện chờ đợi một tâm không cấu uế.

(Trung Bộ Kinh 7 , Kinh Ví dụ tấm vải)

__(())___

- ÍT NÓI CHO LÒNG ĐƯỢC TỊNH THANH


Cái lưỡi tuy không có xương nhưng nó đủ cứng để phá vỡ trái tim. 
Hãy cẩn thận với lời bạn nói.

A tongue has no bones but it is strong enough to break a heart. 
Be careful with your words.

Namo Buddhaya 

__(())__


Sunday 2 September 2012

- Nhạn quá trường không


Nhạn quá trường không, 
鴈 過 長 空
Ảnh trầm hàn thủy 
影 沉 寒 水
Nhạn vô di tích chi ý 
鴈 無 遺 跡 之 意
Thủy vô lưu ảnh chi tâm
水 無 留 影 之 心

Hương Hải Thiền Sư

Dịch :

Nhạn tung cánh bên trời cao rộng
Bóng nhạn in trên nước sông dài
Nhạn chẳng có lòng lưu ảnh lại
Sông cũng không muốn giữ hình hài.

__(())__

- LỜI KHAI THỊ CỦA HÒA THƯỢNG VẠN ĐỨC


LỜI KHAI THỊ CỦA HÒA THƯỢNG VẠN ĐỨC
( Cố Đại Lão HT Thích Trí Tịnh )

1, SỐNG TRONG CUỘC ĐỜI, MUỐN ĐƯỢC THANH THẢN RẢNH RANG THÌ ĐỪNG DÍNH TỚI QUYỀN LỢI.

2, LÀM VIỆC HỄ THUẬN DUYÊN THÌ LÀM, KHÔNG THUẬN THÌ PHẢI KHÉO LÉO, NHẪN NHỊN ĐỂ VƯỢT QUA.

3, HÃY KHOAN HỒNG THA THỨ, BIẾT THIỆN THÌ THEO, TỚI ĐÂU THÌ TỚI.

4, THƯƠNG NGƯỜI, THƯƠNG VẬT, ĂN CHAY, NIỆM PHẬT, TỤNG KINH.

5, VIỆC ÁC CHỚ ĐỂ PHẠM, VIỆC LÀNH PHẢI NÊN LÀM.

6, NIỆM PHẬT VÀ THAM THIỀN

7, CHÁNH NIỆM ĐỨNG ĐẦU LÀ 3 NIỆM : NIỆM PHẬT, NIỆM PHÁP, NIỆM TĂNG.

8, HÀNG NGÀY ĂN THỊT CHÚNG SANH MÀ MONG GIẢI THOÁT- KHÔNG BAO GIỜ CÓ ĐIỀU ĐÓ ĐƯỢC

9, MÓT THỜI GIAN ĐỂ TU, ĐỪNG BỎ QUA. GẶP VIỆC THÌ LÀM, RẢNH VIỆC THÌ NHIẾP TÂM NIỆM PHẬT, NIỆM PHÁP, NIỆM TĂNG.

10, THÔNG MINH HIỂU BIẾT NHIỀU COI CHỪNG KHÔNG BẰNG ÔNG GIÀ BÀ LÃO ĂN CHAY NIỆM PHẬT.

NAM MÔ A DI ĐÀ PHẬT

__(())__


- Cuộc sống thực thụ không cần một danh tính.


Thật là một điều thú vị khi khám phá ra rằng,
cuộc sống thực thụ của chúng ta không cần đến một bản ngã cá thể để hiện hữu, cũng như “hoa hồng,dẫu bạn gọi tên nó là gì đi nữa thì hương thơm của nó vẫn là như thế”. 

Cuộc sống thực thụ không cần một danh tính.
Hạnh phúc thực thụ cũng không cần một danh tính. 
Bạn hãy một lần vô danh tính để thể nghiệm cuộc sống đang là.

Khải Thiên

__(())__


- Như Thế.. được gọi là Thiền



Như Thế.. được gọi là Thiền

Một vị Thiền sư đã giảng về Thiền như sau :

“Thiền có nghĩa là NHẬN BIẾT. Bất kỳ bạn làm điều gì có nghĩa “nhận biết” thì đó là Thiền. Hành động không phải là vấn đề, mà BẢN CHẤT bạn mang vào hành động đó mới là cốt lõi…”

Đi bộ có thể là Thiền nếu bạn bước đi trong Tỉnh Giác.

Ngồi có thể là Thiền nếu bạn ngồi với sự Tỉnh Giác. 

Nghe tiếng chim hót có thể là Thiền nếu bạn nghe với Nhận Biết. 

Lắng nghe tiếng ồn bên trong Tâm Trí bạn có thể là Thiền nếu bạn luôn Tỉnh Giác và Nhận Biết . 

Toàn bộ giá trị là ở chổ: Con người không nên hoạt động trong mơ ngủ. 
Thế thì bất cứ điều gì bạn làm đi đôi với Tỉnh Giác và Nhận Biết đều được gọi là Thiền.”

Namo Buddhaya

___(())___

- MƯỜI BA LA MẬT





Theo Thượng tọa bộ (hay Phật giáo Nguyên Thủy), 
mười điều hoàn thiện (pa. pāramī) là (từ gốc trong tiếng Pali):

1.Dāna (sa. dāna): bố thí

2.Sīla (sa. śīla): trì giới

3.Nekkhamma (sa. niṣkramaṇa): xuất gia (từ bỏ cuộc sống tại gia cư sĩ)

4.Paññā (sa.prajñā): trí tuệ

5.Viriya (sa. vīrya): tinh tấn

6.Khanti (sa. kṣānti): nhẫn nại

7.Sacca (sa. satya): chân thật

8.Adhiṭṭhāna (sa. adhiṣṭhāna): quyết định

9.Mettā (sa. maitrī): tâm từ

10.Upekkhā (sa. upekṣā): tâm xả 
(xem Tứ Phạm trú)

Namo Buddhaya

__(())__

- Nếu biết mở rộng lòng mình...



Một vị lão sư mệt mỏi về người học trò hay phàn nàn, than trách hoàn cảnh của mình. Một hôm Ông dẫn người học trò đến bên một bờ hồ rộng. Sau đó , lấy ly múc nước trong hồ, rồi lấy trong túi áo một nắm muối bỏ vào ly, khuấy đều và bảo người học trò nếm thử nước trong ly.

Người học trò nhăn mặt nói rằng nước mặn đắng, không uống được ! Vị thầy từ tốn lấy trong túi áo ra một nắm muối thứ hai, tương đương bỏ vào hồ nước, khuấy đều, rồi múc một ly nước bảo trò nếm thử: lần này, người học trò uống hết ly nước, rồi mỉm cười nói: " nước không có mặn ".

Lúc này, vị thầy mới kéo người đệ tử ngồi xuống bên hồ, nhỏ nhẹ dạy rằng:

- Đau khổ trong đời sống giống như muối mặn. 
Tuy nhiên, vị mặn đắng có hay không là do mình chọn cái đồ đựng.
Vì vậy, mỗi khi gặp điều không hài lòng, việc con có thể làm được là hãy mở rộng lòng mình. " Đừng là cái ly, mà hãy là cái hồ ".

Namo Buddhaya 

__(())__


- sống đơn giản cho đời thanh thản


'' Ghét 1 người thì có thể bởi muôn ngàn lí do, nhưng khi yêu thì sẽ chẳng có lí do nào cả, vì yêu đơn giản chỉ là yêu thôi.''

Thôi thì.. tui xin sống.. đơn giản cho đời thanh thản.. và để bớt đi nhiều chán nản, vi` khi tui ghét người ta thì tâm tui như có vật gì nó.. cản. Hì hì..

Kí tên

Thầy Cà ri.

__(())__