Saturday 3 March 2012

- 5 THÁI ĐỘ SỐNG ĐỂ TA CÓ HẠNH PHÚC



5 THÁI ĐỘ SỐNG ĐỂ TA CÓ HẠNH PHÚC :

1- Bớt lo lắng
2- Sống đơn giản
3- Tập tha thứ
4- Cho đi nhiều hơn
5- Đừng trông đợi quá nhiều.

Khi còn nhỏ ta hạnh phúc với những điều đơn giản.
Khi lớn ta sống đơn giản thì mới có hạnh phúc ( *__ * )

'' Nguyện ngày an lành đêm an lành '' cùng tất cả.

Bodhgaya monk
23/3/13

- CÓ NHỮNG CÁI....



CÓ NHỮNG CÁI....

Bạn biết không?

Có những cái nhìn như thật gần , mà tay không với tới được.
Có những cái nhìn thấy được, chứ không đi tới được.

Có những cái in hằn trong tiềm thức , muốn vất bỏ.. nhưng không làm được.
Có những cái cho đi thật nhiều , nhưng đôi lúc không nhận lại được.

Có những cái làm ta đau khổ tột cùng , vẫn biết thế mà không tránh được.
Có những ước mơ thật nhỏ bé, nhưng... có những mảnh đời lại không thể có được.

Có những cái, cảm giác được nhưng không sở hữu được.
Có những cái tưởng rất tầm thường bên cạnh, khi đánh mất đi thì ta không tìm lại được.

Những cái gì ... mỗi chúng ta phải tự hiểu lấy chứ nói ra cụ thể thì người khác không nói ra dùm ta được. Hì hì.. ( *__* )

Và...thời gian là cái ta không bao giờ làm ngừng trôi được.
Sinh ly tử biệt cũng là luật tạo hóa, mà con người không thay đổi được.

GATE, GATE, PARAGATE, PARASAMGATE BODHI SVAHAAAA......

Bodhgaya 21/3/13


- Năm Uẩn là gánh nặng.




Để dễ nhớ và thuộc nội dung Ngũ Uẩn, chúng ta nên học thuôc lòng bài kệ của Đức Thế Tôn về Ngũ Uẩn sau đây : 

“Năm Uẩn là gánh nặng.

Kẻ gánh nặng là ngươi

Cầm lấy gánh nặng lên ( tham ái và chấp thủ )

Chính là khổ ở đời.

Còn đặt gánh nặng xuống (đoạn dứt tham ái và chấp thủ)

Tức là lạc ở đời.

Đặt gánh nặng xuống xong

Không mang thêm gánh khác.

Nếu nhổ khỏi ái lên.

Tận cùng đến gốc rễ.

Không còn đói và khác.

Đã giải thoát Tịnh Lac.

- Nếu người làm điều thiện nên tiếp tục làm thêm



- Giá trị đích thực của bạn không phải là những gì bạn CÓ
mà là những gì bạn SỐNG . Mohandas Gandhi
 


- Hãy sống như trẻ thơ




'' Hãy sống như trẻ thơ, 
cười giòn tan khi vui,
khóc nức nở khi buồn,
dễ dàng quên đi & dễ dàng tha thứ ''

Uhm..
'' Trăm năm lòng vẫn dặn lòng
Chuyện đời như nước theo dòng mà trôi...

A Di Đà Phật. GOOD NITE cả nhà! ( * __ * )

- BẢY PHÁP BẤT THỐI



Namo Sakya Muni Buddha. 

BẢY PHÁP BẤT THỐI 

Đức Phật lưu tâm đến mọi hạng người trong xã hội, Ngài ban cho họ những lời dạy thiết thực, mong họ sống hòa thuận, an ổn và hạnh phúc. Trước giờ phút Niết-bàn, bậc Đạo sư đã dạy chúng Tăng 7 pháp bất thối:

1/ Phải giản dị ít việc, không rườm rà đa sự;

2/ Cần yên lặng, không nên nói nhiều;

3/ Bớt ngủ nghỉ, không mê muội;

4/ Không kết phe đảng, nói việc vô ích;

5/ Không được khoe khoang, cần phải khiêm tốn;

6/ Không làm bạn với những kẻ xấu;

7/ Nên ở những nơi nhàn tịnh để chiêm nghiệm đạo lý. [Kinh Đại bát Niết-bàn, bản Nam truyền].

ĐỆ TỬ CHÚNG CON NGUYỆN XIN Y GIÁO PHỤNG HÀNH LỜI VÀNG PHẬT DẠY

- Nhiều người cùng suy nghĩ chuyển đổi thế giới này...




Nhiều người cùng suy nghĩ
Chuyển đổi thế giới này
Mà tự thân của họ 
Lại chưa từng đổi thay.

Tạm dịch như ri, hi vọng là ổn ( *__* )
Với mình, câu này thì không mới nhưng vì thực hành chưa được nên mình vẫn cứ thấy nó mới hoài.. Hì hi..

Mến chúc cả nhà một ngày '' đổi mới '' nha!

Bodhgaya 16/3/13

- BÌNH AN NỘI TẠI



BÌNH AN NỘI TẠI

Bạn xem, đằng sau dòng thác trường lưu kia có một ngọn đèn đang tỏa ra một thứ ánh sáng thật an nhiên, tĩnh tại. Không gian chung quanh ẩm ướt, nước thì vẫn tuôn chảy miệt mài ngày đêm, song dường như không hề can dự gì đến sự tỏa sáng của ngọn đèn.

Đời sống cũng vậy, dòng đời vẫn trôi chảy chuyển biến bất tận, con người càng lao theo sự chuyển biến bên ngoài thì dần dần càng đánh mất mình và như thế cũng đồng nghĩa là đánh mất sự bình an tự hữu trong tâm hồn. Sự bình an đó rất quí báu, thế nhưng bạn chỉ cảm nhận được sự quí báu này một cách rõ nét nhất khi đời sống của bạn bỗng dưng có nhiều biến động, thăng trầm..

Một khung cảnh thanh bình hiền hòa của thiên nhiên có thể mang lại cho bạn cái cảm giác bình an trong giờ phút bạn ngồi nơi đó, thế nhưng khi trở về với đời sống với nhiều bộn bề, âu lo, sự bình an trong tâm hồn bạn lập tức đi vắng, nhường chỗ cho bao huyên náo, muộn phiền... trỗi dậy chiếm chỗ, ngự trị tâm tư...

Sự bình an đích thực là giữa những muôn vàn xáo động của đời sống mà bạn vẫn... không rời '' chiếc ngai an ổn '' của lòng mình, đó là niềm bình an nội tại không do hoàn cảnh bên ngoài '' ban phát '' cho bạn, điều này nhà Thiền có một câu rất hay đó là : '' Tâm bất biến giữa dòng đời vạn biến ''. Đây là một trạng thái tâm có thực, không hề chỉ nằm trên lĩnh vực lý thuyết suông. Nhưng muốn ngồi vững vàng trên chiếc ngôi bình an này trước tiên bạn hãy tập Sống, sống Thiền, hãy tập buông thả dần những đam mê, dính mắc, ( dính mắc với FB cũng là một loại dính mắc đấy chứ? ( *__* ) ưu phiền... và để cho dòng thác cuốn đi.

Mỗi ngày bạn nên ngồi tĩnh tọa ít nhất là 30 phút, ngồi thở những hơi thở có ý thức và thở thật sâu... Đó, chính là bạn đang Sống sâu sắc với thực tại và qua đó bạn đã đồng thời chế tác thêm năng lượng cho ngọn đèn tâm luôn tỏa sáng, một thứ ánh sáng an lành giữa những biến thiên bên dòng sống...

'' Một ngày tiếng nói âu lo ra đời nụ cười vội cát cánh bay.
Một đời với những chen đua lâu dài.. người người con tiếp nối người...'' TCS

Thích Tánh Tuệ
Bodhgaya 15/3/13

- Im Lặng, đến bờ kia..



Im Lặng, đến bờ kia..

Đôi khi im lặng bên đời
Mà trong tâm tưởng ngàn lời xôn xao.
Tâm ngôn bặt những tuôn trào!
Vô sinh mở cửa.. bước vào cõi uyên...

( T T Tuệ )

.. Có hai dạng im lặng, im lặng bên ngoài và im lặng bên trong.

Người khác đang lên án, phê bình và chỉ trích nhưng mình không nói lời nào, cái miệng không phân bua, không cần giải thích, đây gọi là im lặng bên ngoài. Tuy nhiên, im lặng bên ngoài nhưng trong lòng dậy sóng, trong lòng đang lên kế hoạch tấn công, chờ cơ hội để thực hiện cuộc tấn công của mình.

Chúng ta thực tập im lặng bên ngoài là đã giỏi, nhưng thực tập im lặng bên trong còn hay hơn nữa. Tâm không đòi hỏi phán xét, không nhìn người bằng con mắt kỳ thị, không tìm kiếm sự khác biệt để chứng minh ý niệm riêng.

Mọi thứ đang im lặng trong sự vận động của nó. Vạn vật đang vận động trong im lặng. Dù có nói nhiều cách mấy, có bàn cãi cách mấy, có tô điểm vẽ vời cách mấy, sự thật vẫn là sự thật, đó là mọi thứ đều thay đổi theo tính vô thường.
( Mặc như Lôi ).

Im lặng là chấp nhận vô thường, không tranh cãi về điều đang vô thường để thấy vô thường vẫn là bình yên, chứ không đơn thuần là sự đau khổ, mình cho vô thường là đau khổ vì mình có ý niệm về đau khổ trên sự vô thường. Im lặng thì bình yên có mặt và giải thoát ngay trong giờ phút im lặng đó.

Phật giải thoát vì Phật im lặng với sự hừng hẫy của tham, sân, si, mạn, nghi, kiến. Im lặng thì các tâm độc không làm hại được mình, mình sẽ giải thoát, mà giải thoát cái gì, giải thoát khỏi sự bủa vây của các tâm độc.

Người ta muốn làm mình giận, mình nổi giận thiệt, thế là mình sập bẫy trong sự bủa vây của người đó và trong sự bủa vây của chính mình.

Mình có ý niệm là người đó làm mình giận, ý niệm này là cái lưới mình tự giăng ra và quấn lấy mình.

Im lặng với người kia là im lặng bên ngoài,
Im lặng với ý niệm của mình là im lặng bên trong.
Làm được vậy, mình giải thoát, giải thoát khỏi cơn giận. ( * __ * )

- VÀI LÀN HƯƠNG PHÁP ( Kinh Di Giáo)



VÀI LÀN HƯƠNG PHÁP :

...Lời tán dương hay việc làm tôn vinh, kính ngưỡng Đức Phật đúng đắn nhất là nên làm theo di huấn của Đức Bổn Sư.

Đức Phật dạy: '' Này Anan, bất cứ Tỳ Kheo, Tỳ Kheo Ni, cư sỹ Nam, cư sỹ Nữ nào sống đúng với Chánh Pháp, tự mình ứng xử hợp với đạo, có hành động chân chính thì người đó đã tôn trọng, đảnh lễ, tán thán, quý mến Như Lai một cách hoàn hảo nhất.''

Những lời dạy được kết tập trong ba tạng Kinh điển, đức Phật đã khai thị cho chúng ta biết rằng : " Bất cứ một người nào với sự nỗ lực của bản thân, đều có thể vươn lên đỉnh cao của giác ngộ và giải thoát ''.

Không một hệ tư tưởng nào đề cao con người và đặt niềm tin vào con người như là Đạo Phật, dù sống trong những nghiệp quả bất đồng nhưng mỗi chúng sanh đều có hạt giống giác ngộ. Tránh mọi điều ác, làm mọi điều lành, gột rửa nội tâm để trở thành một con người hoàn thiện về đức hạnh và trí tuệ.
Mỗi người chúng ta đều có khả năng thực hành lời dạy mà đức Phật đã trao.

'' Hãy tinh tấn lên để giải thoát hỡi các con rất thân yêu của ta ! '' ( Kinh Di Giáo)

Bodhgaya 11/3/13
Thích Tánh Tuệ

- GIÁ TRỊ CỦA MỘT CHÚT



GIÁ TRỊ CỦA MỘT CHÚT

Một chút những viên đá nhỏ có thể tạo thành một ngọn núi lớn.

Một chút những bước chân có thể đạt đến ngàn dặm.

Một chút hành động của tình yêu thương và lòng khoan dung cho thế giới những nụ cười tươi tắn nhất.
...
Một chút lời an ủi có thể làm dịu bớt những đau đớn trầm thống.

Một chút vỗ về, ân cần có thể làm khô đi những giọt nước mắt.

Một chút ánh sáng từ những ngọn nến có thể xua đi bóng đêm của một gian phòng.

Một chút trải nghiệm có thể hữu ích cho nhiều nǎm sau.

Một chút những giấc mơ có thể dẫn đường cho những công việc vĩ đại.

Một chút khát vọng chiến thắng có thể mang đến thành công.

Đó là những cái "một chút" nhỏ bé có thể mang đến niềm vui hạnh phúc lớn nhất cho cuộc sống của chúng ta.

Và bây giờ chúng mình sẽ cùng gặp những ai đã trao tặng cho chúng mình những cái một chút trong cuộc đời để nói với họ rằng: "Cảm ơn bạn vì tất cả những một chút mà bạn đã giúp đỡ cho tôi".

Siu tầm
Bodhgaya
9/3/2013
Thích Tánh Tuệ

- Mấy dòng '' triết lí nhà wê '' gửi chư pháp hữu nơi ni, nơi tê.. !




Mấy dòng '' triết lí nhà wê '' gửi chư pháp hữu nơi ni, nơi tê.. !
( * __* )

- Cuộc sống như một quyển sách, kẻ rồ dại giở qua nhanh chóng . Người khôn ngoan vừa đọc vừa suy nghĩ vì biết rằng mình chỉ đọc ( sống ) được một lần.

- Cuộc đời như một dòng sông đang chảy trước mặt, chỉ 1 lòng sông đó thôi nhưng nước thì luôn luôn đổi mới.

- Người sống nhiều hơn không phải là người lớn tuổi hơn, mà là người ý thức được mạch nguồn Sự Sống trong từng ngày, từng giờ, từng khoảnh khắc.

- Một cuộc sống dễ dàng, hời hợt, vô tư lự là tồn tại chứ không phải sống . Ý nghĩa đích thực của cuộc đời chính trải rộng hạnh phúc quanh ta.

- Chiếc máy bay trước khi vượt lên mây nó phải chạy một đoạn khá dài từ mặt đất.

Lý tưởng đẹp luôn được bắt đầu từ những cử chỉ, hành động nhỏ nhặt, thực tiễn trong cuộc sống chúng ta.

'' Một ngày.. bỗng thấy yêu thương cuộc đời....''
( Vẫn nhớ cuộc đời - TCS )

Bodhgaya 8/3/13
Thich Tanh Tue

- Chúng ta là những cứu tinh của chính mình



Chúng ta là những cứu tinh của chính mình

( Tỳ Kheo Visuddhacara – )

Ðôi khi là một nhà sư tôi được yêu cầu đến tụng kinh cho tang lễ. Tôi cảm thấy buồn cho gia quyến của người chết nhưng đôi khi tôi cũng cảm thấy không giúp được gì vì có quá nhiều khó xử trong vai trò của một nhà sư đi tụng kinh đám tang. 

Một ngày nọ, một phụ nữ trẻ tuổi đến gặp tôi. Cha cô mới chết sáng hôm đó. Ông mới chỉ 42 tuổi.

Cô nói với tôi bằng tiếng Phúc Kiến:

“Xin mời thầy đến tụng kinh. Xin thầy mở con đường cho cha tôi”.
Tôi nhìn cô ta với tất cả tấm lòng từ bi mà tôi có thể tập trung.
Tôi có thể cảm thấy sự bối rối và đau khổ của cô.
Cô khoảng chừng 20 tuổi và là một người con gái có hiếu. Trong thâm tâm tôi nói thầm với mình:
“Trời ơi tôi sẽ mở đường cho người như thế nào đây? Con đường tưởng tượng nào tôi sẽ vẽ trong không khí cho hồn tưởng tượng đặt chân lên? Làm sao tôi có thể nói với người phụ nữ trẻ tuổi tội nghiệp đang ở trong tình trạng buồn phiền và bối rối rằng: "không có con đường nào như cô có lẽ đã tưởng tượng như thế?”

Ðức Phật cũng có lần ở trong tình thế như vậy và Ngài đã trả lời ra sao?

Một hôm một người trẻ tuổi lại gần Ðức Phật và hỏi Ngài:
“Bạch Thế Tôn, cha con chết. Xin mời Ðức Phật đến và cầu nguyện cho cha con, cứu độ linh hồn ông ấy để ông ấy có thể đi lên thiên đàng. Những người Bà La Môn cử hành những nghi thức này nhưng Ðức Phật lại còn mạnh hơn họ nhiều.
Nếu Ngài sẽ làm điều đó, chắc chắn hồn cha con sẽ bay thẳng về thiên đàng”.

Ðức Phật trả lời, “Rất tốt, hãy đi ra chợ và đem về cho ta hai cái bình đất và một ít bơ”.
Người trẻ tuổi sung sướng vì Ðức Phật đã hạ cố thi hành một số thần thông để cứu linh hồn cha của mình.
Anh ta vội vã đi ra phố và mua các thứ mà Ðức Phật bảo.
Ðức Phật chỉ dẫn cho anh ta để bơ vào một bình và để đá vào bình kia.
Rồi ném cả hai bình đó xuống ao.
Người trẻ tuổi làm theo và cả hai bình đều chìm xuống đáy ao.
Rồi Ðức Phật tiếp tục: “Bây giờ hãy lấy một cái gậy và đập vỡ hai bình đó ở dưới ao”.

Người trẻ tuổi làm theo. Hai cái bình bị đập vỡ và bơ thì nhẹ đã nổi lên còn hòn đá vì nặng nên vẫn ở dưới đáy ao.

Rồi Ðức Phật nói: “Bây giờ nhanh lên đi tập họp tất cả những thầy tu. Hãy nói với họ đến và tụng kinh để bơ chìm xuống và viên đá nổi lên.”
Người trẻ tuổi nhìn Ðức Phật, sửng sốt, nói, “Bạch Ðức Thế Tôn, Ngài có nói thật không ạ. Chắc chắn Ngài không thể trông chờ bơ nhẹ mà chìm và đá nặng mà nổi. Ðiều đó ngược lại với quy luật tự nhiên.”

Ðức Phật mỉm cười và nói: “Này con, con đã thấy nếu cha con có một cuộc đời LƯƠNG THIỆN thì những HÀNH VI của ông cũng nhẹ như bơ cho dù thế nào thì ông cũng lên thiên đàng. Không ai có thể cản được, ngay cả đến ta. Không ai có thể chống lại NGHIỆP luật thiên nhiên.

Nhưng nếu cha ngươi có một cuộc đời BẤT THIỆN thì cũng giống như hòn đá nặng, cha ngươi sẽ bị chìm vào địa ngục.
Dù tụng kinh nhiều đến đâu đi nữa bởi tất cả các thầy tu trên thế giới này cũng không thể gây thành khác được.”

Người trẻ tuổi hiểu rõ. Anh thay đổi quan niệm sai lầm của anh và ngừng đi loanh quanh đòi hỏi cái không thể được.

Nụ cười của Ðức Phật đã đi tới điểm: Không ai có thể cứu chúng ta, sau khi chúng ta chết. Theo NGHIỆP luật, chúng ta là sở hữu chủ của những hành vi của chúng ta, chúng ta là người thừa hưởng những hành vi của chúng ta. Những hành vi của chúng ta thực sự là tài sản của chúng ta. Chúng là chỗ nương tựa thực sự của chúng ta, là những thân nhân thực sự của chúng ta. Chúng là trung tâm từ đó chúng ta xuất phát.

Khi chúng ta chết, chúng ta không mang được dù chỉ có một xu với chúng ta, hay bất cứ thứ đồ gì của cá nhân chúng ta. Cũng chẳng có thể mang được một trong những người thân để cùng đi với chúng ta. Giống như chúng ta đến một mình theo NGHIỆP của chúng ta thì chúng ta cũng phải ra đi một mình.

Nếu chúng ta hiểu rõ NGHIỆP luật, thì chúng ta sẽ cảm niệm thấy sống một cuộc đời LƯƠNG THIỆN quan trọng đến như thế nào trong khi chúng ta còn sống.

Ðợi đến lúc chết thì sẽ quá muộn. Có một chút gì đó có thể làm được.

Sadhu, Sadhu, Lanh` thay!

- Là con Phật, nếu không nói được những gì Phật nói...




VÀI LÀN HƯƠNG PHÁP

“...Là con Phật, nếu không nói được những gì Phật nói, hãy im lặng như chánh pháp, đừng nói những lời ác, xuyên tạc, bịa đặt, vu khống, làm tổn hại kẻ khác, nếu không làm được những gì Phật làm, hãy im lặng và lắng nghe, quán sát, học hỏi những thiện tri thức, đừng vọng động làm những điều thương tổn đến tha nhân”.

Dalai Lama
 

- VÀI LÀN HƯƠNG PHÁP_Sư Viên Minh



VÀI LÀN HƯƠNG PHÁP :

..Cuộc đời tuy là giả tạm vì bản chất của nó là vô thường, khổ, vô ngã nhưng nó cũng chính là bài học duy nhất để giác ngộ giải thoát. 

Tất cả chân lý đều ở trong cuộc sống này, khi sống với tham sân si thì đó là luân hồi đau khổ, khi đoạn tận tham sân si thì đó là Niết-bàn tịch tịnh. 

- Vậy bài học là thấy ra đâu là đau khổ, đâu là Niết-bàn và nguyên nhân của nó ngay trong chính mình và cuộc sống chứ không phải cố gắng để đạt đến một trạng thái lý tưởng ở tương lai...

- Lắng nghe, quan sát lại chính mình trong tương giao với cuộc sống, sẽ thấy ra (vipassati) mọi chân lý mà chư Phật đã chứng ngộ.

Sư Viên Minh

ST 3/ 1/13

- NẮM ĐẬU CỦA MẸ



NẮM ĐẬU CỦA MẸ

Một người con không có khả năng nuôi mẹ già anh ta quyết định cõng mẹ lên núi bỏ.
Đến tối! người con nói với mẹ con cõng mẹ lên núi đi dạo , bà mẹ lấy hết sức đeo lên vai con.
Trên đường đi anh ta nghĩ rằng phải leo lên chỗ nào thật cao mới bỏ mẹ xuống.
Bỗng anh nhìn trên vai mình thấy mẹ đang cố giấu những hạt đậu rải suốt đoạn đường đi, anh tức giận hỏi mẹ :
- Mẹ rải đậu làm gì thế ???
Kết qủa câu trả lời của mẹ đã khiến anh bật khóc :

- Ngốc ạ ! Mẹ sợ lát nữa CÒN MÌNH CON XUỐNG NÚI SẼ LẠC ĐƯỜNG.

Con dù lớn vẫn là con của mẹ,
Đi hết cuộc đời lòng mẹ vẫn theo con.

U chao, răng mà mắt cay cay ri hè...

Bồ Đề Đạo Tràng rằm tháng giêng 2013

FB : Thích Tánh Tuệ
 —

- Khi một người thương yêu bạn



Khi một người thương yêu bạn
Họ không nhất thiết nói ra.
Bạn có thể cảm nhận được
Từ trong cư xử người ta. ( *__* )

Mình tạm dịch như rứa, bà con nào thấy chưa ổn thì dịch lại dùm nhé!

Have a nice day cả nhà!

Bodhgaya monk
23/2/13

- Đời người, tạm chia ra làm 3 giai đoạn



Đời người, tạm chia ra làm 3 giai đoạn :

1. Khi còn trẻ : Có thời gian, ít tiền bạc, có sức khỏe
2. Khi trưởng thành : Có tiền bạc, có sức khỏe mà có ít thời gian.
3. Khi về già : Có thời gian, có tiền bạc mà lại ít sức khỏe..

Sự chia chẻ trên có tính khái quát nhưng rất đúng cho hầu hết con người.

Đa phần, người con Phật chúng ta hay '' hò hẹn với chính mình '' để về già rồi mới tu, mới niệm Phật, mới ăn chay, mới đi chùa, mới làm những thiện sự vv.., tuổi đời còn trẻ phơi phới mắc mới chi tu hành... cho uổng cuộc đời. Thế nhưng, bạn thử đến gần hỏi mấy ông bà cụ đi chùa thì bạn sẽ nghe họ nói rất... chân thành rằng họ không thể ngồi lâu nghe thầy giảng được, không ngồi niệm Phật với đại chúng lâu được.. Úi chà, cái lưng tui nó đau, con mắt tui nó mờ.. có thấy chữ nghĩa gì đâu mà đọc kinh đọc kệ, già rồi đi chùa cũng phải nhờ con cái chở đi, nhờ một lần, hai lần nó còn chở tới lần thứ ba cái mặt nó nhăng như.. trái táo tàu, zậy hết dám nhờ... thầy ơi! Đấy, tuổi già là tuổi muốn tu nhất mà có hàng trăm lí do trở ngại đường tu cũng chỉ vì sức khỏe đã hao mòn.

Trình bày sơ sơ để chúng ta xác định mục tiêu cho đời mình, điều quan trọng là biết đâu là GIÁ TRỊ THỰC để định hướng lại, kẻo muộn màng rồi... tu không nổi như nhau. ( *__* )

Tóm lại, giữa giá trị vật chất và tâm linh, chúng ta phải có một cái '' ưu tiên một '', vì đời người rất khó ai trong cùng một nhịp điệu mà thành công được cả hai.

'' Mạc vị lão lai phương học đạo
Cô phần đa thị thiếu niên nhân ''

Đừng để tuổi già mới học đạo
Mồ hoang lắm kẻ tuổi còn xanh...

Bồ Đề Đạo Tràng 2/22/13
FB : Thich Tanh Tue

- MỌI CHUYỆN RỒI SẼ QUA Đi



Hãy nhớ rằng,
MỌI CHUYỆN RỒI SẼ QUA Đi
Nguyễn Minh Tiến dịch

Điều quý giá trong sự khôn ngoan để lại của người xưa đã giúp tôi rất nhiều là câu ngạn ngữ: «Mọi việc rồi đều sẽ qua đi.» Nó đã giúp tôi trong việc vượt qua những điều bực dọc hàng ngày mà mỗi người trong chúng ta đều phải đối mặt, cũng như nhiều giai đoạn khó khăn trong đời tôi.

Hãy nghĩ kỹ về điều này. Tất cả mọi việc đều đến, rồi đi. Những rắc rối được tạo thành, rồi tan biến. Một ngày kia, chúng ta đang trong kỳ đi nghỉ, ngày sau đó, trở lại với công việc. Chúng ta mắc phải một cơn cảm lạnh hay cảm cúm, và rồi nó qua đi. Chúng ta bị một vết thương, và rồi, trong hầu hết trường hợp, nó lành lặn trở lại. Chúng ta mong đợi một sự kiện, và rồi sau đó cũng biết là nó đã qua đi. Chúng ta mong đợi cúp bóng đá Super Bowl, và những ngày sau đó, lại mong đợi cho mùa bóng kế tiếp.

Có một cảm giác tự do lớn lao khi nhớ đến câu ngạn ngữ này. Trong thực tế, nó có thể là nền tảng của một cuộc sống thanh thản. Nó có tác dụng như một sự nhắc nhở quan trọng rằng mọi thứ đều có một không gian, thời gian nhất định của nó. Nó cho phép chúng ta nhìn thấy triển vọng tương lai trong những giai đoạn đang có khó khăn, một quy luật cơ bản là không có điều gì tồn tại mãi mãi. Nó mang lại cho chúng ta hy vọng và sự tự tin rằng chúng ta rồi sẽ vượt qua điều này – mọi việc sẽ trôi qua, chắc chắn như vậy.

Lấy ví dụ, khi bạn có con nhỏ, rất dễ có ý tưởng phàn nàn rằng: «Mình sẽ chẳng bao giờ có được một đêm yên giấc như xưa nữa.» Nếu không có triển vọng thấy trước là «Mọi việc rồi đều sẽ qua đi» thật rất dễ đi đến cảm giác quá sức chịu đựng, thậm chí thất vọng hoàn toàn trong những giai đoạn khó khăn này. Mỗi một đêm mất ngủ dường như là rồi sẽ kéo dài bất tận. Đầu óc bạn đầy sự lo sợ. Bạn cảm thấy tuyệt vọng, thấy trói buộc và như quá sức chịu đựng.

Nhưng chắc chắn là cũng giống mọi chuyện, giai đoạn này rồi cũng sẽ qua đi. Và bạn bước vào những giai đoạn thách thức mới. Cùng một khuynh hướng này sẽ áp dụng cho tất cả những thách thức khác nữa của cuộc sống. Bạn đang trải qua một cơn khủng hoảng và cảm thấy mình chẳng bao giờ có thể vượt qua nổi, nhưng rồi, bằng cách nào đó, bạn tìm được một giải pháp. Bạn có một trận cãi cọ dữ dội với vợ (hoặc chồng) mình, và thề là sẽ không bao giờ tha thứ. Nhưng cuối cùng thì bạn nhận thấy tận đáy lòng mình vẫn yêu thương như cũ. Bạn trải qua một giai đoạn cực kỳ bận rộn trong công việc, và bạn cảm thấy không thể nào chịu đựng lâu hơn nữa. Và rồi thời biểu của bạn cuối cùng cũng trở lại như bình thường. Lần này qua lần khác, chúng ta phấn đấu và vươn tới.
Khi chúng ta nhìn lại cuộc sống của mình, rất dễ dàng để nhận ra mọi việc đều đến rồi đi. Mùa xuân, mùa hạ, rồi mùa thu. Niềm vui, nỗi đau, sự khen ngợi, rồi chê trách. Khó khăn, dễ dàng, nghỉ ngơi và mệt nhoài. Thành đạt, thất bại, và bao nhiêu điều khác nữa.

Sự thanh thản và hạnh phúc chân thật chỉ đến khi chúng ta nhận ra được nguyên lý này, không chỉ bằng cách hồi tưởng lại, mà là ngay trong khi chúng ta đang trải qua những khó khăn. Bằng cách này, chúng ta giữ được trạng thái quân bình giữa sự hỗn loạn.

Khi bạn nhớ rằng mọi việc đều đến và đi, bạn giữ được cách nhìn của mình, một tâm hồn rộng mở, và thậm chí cả một tính khí khôi hài, vui vẻ trong mọi giai đoạn của đời mình.

Tôi khuyến khích bạn tự nhắc nhở mình câu ngạn ngữ này mỗi khi bạn cảm thấy bực dọc, căng thẳng hay khó chịu, cũng như trong lúc bạn trải qua những giai đoạn cực kỳ khó khăn. Cuộc sống rất ngắn ngủi. Con cái chúng ta nhỏ dại, rồi trưởng thành. Bản thân chúng ta trẻ khỏe, rồi già yếu. Chúng ta sẽ đi qua tất cả những điều đó.

Cách tốt nhất và hiệu quả nhất để duy trì một tâm hồn tươi đẹp và giữ cho chính mình không rơi vào cảm giác quá sức chịu đựng là luôn nhớ rằng, mọi việc – kể cả những việc rất khó khăn – rồi đều sẽ qua đi.

Trích từ sách:
Đừng mất thời gian vì những điều vụn vặt
Don’t worry about the Small Stuff with your Family
Richard Carlson

- Mệt...Không mệt...



'' Mệt quá đôi chân này tìm đến chiếc ghế nghỉ ngơi
Mệt quá thân ta này nằm xuống với đất ... cho rồi! '' TCS

M Ệ T

** Mỉm cười không mệt ...
Tức giận mới mệt ...
** Ðơn thuần không mệt...
Phức tạp mới mệt .
** Tương chao không mệt ,
Tương.. tư mới mệt .
** Tương ái không mệt ,
Tương tàn mới mệt .
** Chung tình không mệt ,
Ða tình mới mệt .
**Tình bằng hữu không mệt ,
Tình riêng mới mệt .

Chân thành không mệt,
**Giả dối mới mệt .
Rộng rãi không mệt ,
** Ích kỷ mới mệt .
Ðược mất không mệt ,
** Tính toán mới mệt .
Thể chất mệt không phải mệt ,
**Tâm can mệt mới là mệt .

Túm lại :
Người viết bài này không mệt
Người đọc bài này mới .. mệt ...
Vì... mới đọc cái tựa bài thôi đã thấy mệt rùi !...hì hì...

'' Lượm dọc đường ''
Bodhagaya 2/20/2013
FB : Thích Tánh Tuệ

Friday 2 March 2012

- Thế nào là Người đẹp?



Thế nào là Người đẹp?

- Gương mặt và ngoai hình hấp dẫn v.v… là cái đẹp sớm nở tối tàn.

- Giữ gìn trang nghiêm, đó là thân đẹp.

- Ăn ở hiền hòa, thủy chung, đó là nết đẹp.

- Thấy người ta ngã mà nâng lên, đó là cử chỉ đẹp.

- Thấy người ta đói cho ăn, rách cho mặc, nghèo túng mà giúp đỡ, đó là tấm lòng đẹp.

- Phụng dưỡng cha mẹ già, chu cấp người cô quả cô độc, tôn quý các bậc hiền đó là tâm hồn đẹp.

- Thấy người ta lâm nguy, sợ hãi mà nói lời an ủi giúp đỡ, đó là ngôn ngữ đẹp.

- Không một tà niệm nảy sinh, đó là ý đẹp.

- Thấy người ta u tối, không hiểu biết mà khai mở trí tuệ, cho học hành chữ nghĩa, đó là trí tuệ đẹp.

Tất cả những cái đẹp này cần phải được tuyên dương, chiêm ngưỡng.

Bodhgaya monk siu tầm
FB: Thích Tánh Tuệ 2/19/2013

- A DI ĐÀ PHẬT




Xuân- NÓI lời Bụt nói
Xuân- NGHĨ điều Bụt nghĩ
Xuân- LÀM việc Bụt làm.

Nam Mô Đương Lai hạ Sanh Di Lặc Tôn Phât....




Thảnh thơi trong chốn bụi hồng
Nụ cười hỷ lạc cõi lòng thênh thang..



Trong vô tận cuộc luân hồi
Biết đâu người đã cùng tôi một nhà!


- XUÂN ĐƠN GIẢN



XUÂN ĐƠN GIẢN

.. Khi còn nhỏ thì đơn giản, lớn lên trở nên phức tạp.
Khi nghèo khó thì đơn giản, lúc giàu có trở nên phức tạp.
Khi thất thế thì đơn giản, lúc có địa vị thì trở nên phức tạp.
Tự nhận bản thân đơn giản, đánh giá người khác thì phức tạp.
Thật ra, thế giới này rất đơn gỉan chỉ có lòng người là phức tạp.
Mà suy cho cùng thì... lòng người cũng đơn giản,
chỉ có lợi ích chi phối nên con người mới trở nên phức tạp.
Đời người, đơn giản thì vui vẻ. Nhưng người vui vẻ được mấy người..?
Vì vậy.. Xin chúc bà kon mình đón một mùa Xuân đơn giản cho nó..fẻ! hì hì

Bodhgaya monk siu tầm

- Biết Sống thì thảnh thơi.



Biết Sống thì thảnh thơi.

Ta nương tựa vào trời
Trời khi mưa, khi nắng
Ta nương tựa vào trắng
Trắng hết trắng thì đen
Ta nương tựa vào em
Em hết còn thì mất
Ta nương tựa vào ta
Người bạn đời duy nhất.

Đổi thay là bản chất
Của vạn hữu trên đời
Hạnh phúc từ nội tại
BIẾT SỐNG thì thảnh thơi.

A Di Đà Phật ( *__* )

IF YOU MAKE FRIENDS WITH YOURSELF YOU WILL NEVER BE ALONE - Maxell Maltz

Bodhgaya Jan 30.2013
FB : Thích Tanh Tue

- SOI GƯƠNG CHẲNG THẸN VỚI NGƯỜI TRONG GƯƠNG.




A Di Đà Phật. Sư cô Thích Nữ Huệ Trân vừa gửi tặng ''nhà chùa'' một bài thơ thiệt dễ thương, thích nhất là hai câu thơ cuối, bỏ lên đây mời bà con cùng thưởng thức trước khi đi ... khò ( *__* ) 

SOI GƯƠNG CHẲNG THẸN VỚI NGƯỜI TRONG GƯƠNG.

TN Huệ Trân

Lững thững đến, lững thững đi
Tử sinh vẫn đó, cần chi vội vàng.
Thở vào, mây tím giăng ngang
Thở ra, mưa đã nhịp đàn reo vui

Thế nên,
Em hãy mỉm cười
Trước tâm sân hận, trước lời nghiệt oan.
Hãy lặng thinh,
Thật nhẹ nhàng,
Rải hạt cơm nguội cho đàn kiến tha.

Đôi chim, trọ mái hiên nhà
Cọng rơm làm tổ cũng là từ-nhân.
Em ơi,
Hạnh phúc thật gần
Cho đi là nhận bội phần thiện duyên

Hãy cho,
Như kẻ xuống thuyền,
Trên bờ để lại trọn niềm an vui.

Hãy cho,
Để phút cuối đời
Soi gương chẳng thẹn với người trong gương.

- Bốn Người Tụng Kinh




Bốn Người Tụng Kinh

Việc tối quan trọng đối với chúng ta là làm sao biết được cách nào tốt nhất để tự hướng dẫn đời sống tâm linh của chính mình hàng ngày. Điều đó tùy thuộc sự nhận thức hành động nào có giá trị tinh thần thực thụ. Sự khác biệt giữa chúng là điều gì đúng với Chánh pháp hoặc không đúng Chánh pháp. Sự hiểu biết nầy đem đến những lợi ích thật kỳ diệu và vô hạn.

Lấy một thí dụ: Có 4 người đều cùng đang tụng kinh Phật giáo.

Người thứ nhất đọc Kinh với sự mong cầu đạt được Giác ngộ vì lợi ích cho tất cả hữu tình. Bởi động lực nầy, nên sự đọc Kinh trở thành nhân của Giác ngộ, không chỉ cho người hành giả mà cho tất cả chúng hữu tình.

Người thứ nhì đọc tụng kinh với ước muốn thoát khỏi luân hồi. Ước muốn nầy không phải vì nguyên nhân giác ngộ cho tất cả chúng sanh, nhưng chỉ vì sự hạnh phúc giải thoát vĩnh cữu của chính cá nhân đó.

Người thứ ba cũng đọc lời kinh nầy với sự mong muốn đạt được hạnh phúc trong những đời sống tương lai. Kết quả của sự mong cầu nầy không phải vì sự chứng đạo hoặc giải thoát, nhưng chỉ đơn giản là có được hạnh phúc cho đời sống mai sau.
Và, người thứ tư thì khi đọc kinh với ý hướng tham đắm vào hạnh phúc của của cõi đời nầy. Dù đó là đang thực hành Chánh pháp-được truyền dạy bởi Đức Phật-nhưng những lời đọc kinh của người hành giả nầy không phải là áp dụng hay làm đúng theo ý nghiã tinh thần của Giáo pháp. Đó là sự thực hành sai lạc, đưa đến đau khổ. Tại sao? Bởi vì động lực đó do tham đắm, bám víu vào cuộc đời nầy sẽ ảnh hưởng tiêu cực làm tâm rối loạn, đưa đến sự bất an. Do đó, mỗi ý tưởng đó tự nó đã mang ý nghĩa sai lầm, gọi là không đạo đức vì kết quả đưa đến khổ đau.

Lama Zopa Rinpoche

( LÀM THẾ NÀO ĐỂ MỖI LÚC
TRONG ĐỜI SỐNG CHÚNG TA ĐẦY Ý NGHĨA )

Bodhgaya Jan/28/2013
FB: Thich Tanh Tue


- CUỘC CHUYỆN TRÒ CỦA NÚI.





CUỘC CHUYỆN TRÒ CỦA NÚI.

Xin được kể lại vài mẫu đối thoại sau :

Đỉnh núi :"Này mấy anh Chân núi. Các anh có biết là ta quan trọng hơn mấy anh không? Người ta chỉ nói đỉnh núi cao bao nhiêu, chứ có ai hỏi chân núi to như thế nào đâu.Ta ở trên cao ngắm trời mây, non nước đến tận chân trời."
Chân núi :" Vâng anh thì 'cao cả', 'giỏi dang'. Vậy anh ở đây một mình nhé!"

Nói rồi chân núi lần lượt chuẩn bị dời đi chỗ khác. Đỉnh núí thấy dưới chân mình sụp xuống, vội la lên:
Đỉnh núi : " Mấy anh chân núi làm gì vậy.Tôi ngã té bây giờ."
Chân núi :" Bây giờ anh còn thấy mình quan trọng nữa hay không?."
Đỉnh núi : " Tôi đã hiểu là mấy anh quan trọng và cần thiết hơn tôi." Đỉnh núi xuống nước.
Chân núi : " Không phải vậy. Ai cũng quan trọng và cần thiết như nhau.Có chúng tôi thì mới có anh và ngược lại. Nếu mọi người ai cũng là bác sĩ, kỹ sư cả thì lấy đâu ra thực phẩm để ăn?."

Tôi quan trọng, giỏi dang, cần thiết cũng là nhờ có những người khác. Nếu chỉ có mình tôi thôi thì quan trọng với ai. Đó là lý do tại sao ta phải hồi hướng cho chúng sinh. Chúng sinh quan trọng và tôi cũng là phần nhỏ trong chúng sinh đó. Khi tôi không còn quan trọng, giỏi dang nữa thì lúc đó mới quan trọng và cần thiết.

Ai hay trong một trái cà
Có bàn tay của Mẹ già xới vun.
Em kiêu sa chiếc áo nhung
Biết chăng công thợ dệt cùng sớm hôm!
Ai hay trong một bát cơm
Có mưa, có nắng, có ơn vạn người..
Ai cũng quan trọng trên đời
Ta xin cất lời thâm tạ mười phương..
Lòng thành với chữ Kính, Thương.

Bodhgaya INDIA Jan 24/2013
FB: Thich Tanh Tue

- Bình an Phật tính trong ta xưa.. giờ!



Thiên Hương:

Hỏi tâm, tâm đã tịnh chưa
Hỏi mình, mình có quên buồn hay không
Hỏi trăng, hỏi gió, hỏi trời
Hỏi mây thanh tịnh, hỏi đời phù du
Hỏi hoa, hỏi bướm, hỏi chiều
Hỏi đêm, hỏi sáng, hỏi mình, hỏi ta
Hỏi trời, hỏi đất bao la
Sao cho tâm tịnh, cho lòng bình an…

Bodhgaya monk :

'' Đâu cần phải hỏi.. bao la
Bình an Phật tính trong ta xưa.. giờ!
Chỉ ta không biết, không ngờ... ''
Ngày đêm chung sống, hững hờ, cách xa.
Vô minh là.. lỗi tại ta?
Tuệ tri, về lại quê nhà, trạm nhiên.. ''

Mô Phật ( *__* )

- Tín nữ - Nhà Sư



MỘT MÌNH

Tín nữ :

Bạch Thầy con có gia đình
Nhiều khi vẫn thấy tâm tình trống trơn!
Thầy một mình, chắc buồn hơn
Vì sao thầy chọn con đường lẻ loi?..

Nhà Sư :

Mô Phật!

'' Một mình '' đi với '' một mình''
Một mình sống với tâm tình hắt hiu..
Hai mình zui ít, khổ nhiều...
Một mình lặng lẽ thương... đều chúng sinh..
Sinh sự thì sự sẽ sinh
Chi bằng Vô Sự, an bình, phải không?

( *__* )
Bodhgaya monk

- IM LẶNG, LẮNG NGHE MÌNH



IM LẶNG, LẮNG NGHE MÌNH 

Tùy bút
Th Tánh Tuệ

Bằng cấp, danh vọng, địa vị, sự thành công và sự giàu có thường có khuynh hướng gia tăng cái tôi của người ta.

Vì vậy, người ta sẽ lạc lối, giống như người lạc đường không thể về nhà được. Ai chứa đầy kiến thức thì dễ... điếc trước lời phải trái. Khi hai người đối thoại, một người thường đưa '' cái biết của mình '' ( ngã kiến ) vào. Cho nên rút lại chỉ nghe thấy tiếng của mình mà không học thêm được điều gì cả.. Có một câu nói ở đâu đó mà tôi đã đọc được, rằng : '' Một người có tài ăn nói không bằng một người giỏi lắng nghe''. Như thế người '' giỏi lắng nghe '' xem ra họ còn có tài hơn cả người ăn hay nói giỏi ? Đúng vậy, bởi vì họ đã chinh phục được cái tham của chính họ, một cái tham mà ít ai nhận diện rõ đó là '' Tham nói ''.

Một người vợ thường đi chùa và càng ngày cô ta càng trở nên ít nói, người chồng mới thở than cùng bạn của mình :

- Có lẽ mình phải xin ly dị.
- Sao vậy ?
- Vợ mình nửa năm nay không thèm nói với mình một câu nào.
- Cậu điên à! Biết tìm đâu ra một '' Người Vợ Tuyệt Vời '' như thế. ( *__* )

Phải chăng, có đôi khi biết im lặng là vô tình ta đã.. ban cho người khác một ân huệ rồi !

Bạn có biết khi bạn... chìm sâu trong im lặng, bạn có thể nghe được cả thế giới, cả muôn loài và ngay cả chính bạn nửa hay không?.. Xin mời bạn cùng tôi nghe một đoạn nhạc và cũng để tôi kết thúc mẫu tùy bút này ..

'' Im lặng giòng sông tôi đã lắng nghe
Im lặng ngọn đồi tôi đã lắng nghe
Im lặng thở dài tôi đã lắng nghe
Tôi đã lắng nghe im lặng thở dài..
.......
Khi hoa héo khô im lặng nụ tàn
Tôi đang lắng nghe, tôi đang lắng nghe
Tôi đang lắng nghe im lặng đời mình. TCS

Bodhgaya '' mùa Tịch lặng của riêng tôi ''.
20/Jan.2013

- Bồ Đề Đạo Tràng




Gửi cả nhà một góc Bồ Đề Đạo Tràng trong đêm Ngài lên ngôi Chánh Giác.( 8/12AL ) Jan 19.2013

Bodhgaya monk





















..Cội Bồ Đề Trang nhiêm thiền định
Thắng thiên ma vạn chướng trùng trùng..
Con xin lạy đấng Đại Hùng
Rọi vô biên trí tận cùng thế gian .

PHẬT LÀ NƠI NƯƠNG NHỜ TỐI THƯỢNG
CHO CHÚNG CON VÔ LƯỢNG AN LÀNH
TỬ QUY GIÁC TÁNH TỊNH THANH
BỒ ĐỀ TÂM, NGUYỆN VIÊN THÀNH TỪ NAY.

Nam Mô Bồ Đề Thọ Hạ Đại Thắng Ma Quân
Nhất Đỗ Minh Tinh Đạo Thành Chánh Giác Bổn Sư Thích Mâu Ni Phật.
Bodhgaya. Bihar. INDIA.- 8/12AL

- Xin vơi bớt si mê.



Xin vơi bớt si mê.

Chiều nay ngang qua dòng sông Ni Liên chợt thấy hai con lạc đà đang nhơi lại thức ăn và chờ chủ đến dắt về, hình ảnh con lạc đà gợi cho tôi thầm nhớ lại lời Đức Phật dạy rằng: “Cái khổ của con lừa, con lạc đà chở nặng, cái khổ của những kẻ trôi lăn trong sinh tử luân hồi chưa gọi là khổ. Ngu si không nhận chân được thực tướng, không biết được hướng đi ấy mới gọi là khổ”. ( Trong cuốn Sa Di Luật Giải )

Tại sao Ðức Phật nói cái chở nặng của con lừa, con lạc đà và những kẻ trôi lăn trong sinh tử chưa gọi là khổ? Là bởi vì con lừa, con lạc đà và những kẻ trôi lăn trong sinh tử chỉ khổ một đời thôi, còn đối với những người ngu si không nhận chân được thực tướng, không biết được hướng đi thì họ sẽ bị trôi lăn mãi mãi trong vòng sinh tử luân hồi mà không khi nào ra khỏi. Nói như nhà thơ Vũ Hoàng Chương :

'' Lang thang từ độ luân hồi ,
U minh nẻo trước xa xôi dặm về ''.

Xin nguyện cầu cho tôi, cho cuộc đời từng ngày, từng ngày vơi nhẹ bớt si mê.. trở về cùng nguồn Tâm trong sáng.

Bodhgaya monk

Bồ Đề ĐạoTràng mùa Phật Thành Đạo.

- Du lịch qua cuộc đời .



Du lịch qua cuộc đời .

Có người nọ nghe nói về một đạo sư nổi tiếng nên tìm đến hỏi đạo. Đến nơi, anh thấy trong nhà của vị đạo sư trống trơn, chỉ có một cái giường, một cái bàn, một cái ghế và một cuốn sách.

Anh ngạc nhiên hỏi: "Sao nhà đạo sư trống trơn, không có đồ đạc gì cả?"

Đạo sư hỏi lại: "Thế anh có hành lý gì không?"
Anh đáp: "Dạ có một va li".
Đạo sư hỏi: "Sao anh có ít đồ vậy?"
Anh đáp: "Vì đi du lịch nên đem ít đồ".
Đạo sư nói: "Tôi cũng là một người du lịch qua cuộc đời này nên không mang theo đồ đạc gì nhiều".

Chúng ta thường quên mất mình chỉ là khách du lịch qua cuộc đời này, cứ lầm tưởng mình sẽ ở mãi nơi đây, nên tham lam, ôm đồm, tích trữ quá nhiều đồ vật, tài sản. Đàn bà thì chất chứa quần áo, vòng vàng, nữ trang. Đàn ông thì máy móc, xe hơi, ti vi, máy điện tử...

Nào, '' Hãy nói về cuộc đời khi tôi không còn nữa, sẽ lấy được những gì về bên kia thế giới ngoài TRỐNG VẮNG MÀ THÔI...''

Khúc Thụy Du
Thơ Du Tử Lê
Nhạc: Anh Bằng

- Gieo hạt từng ngày



Gieo hạt từng ngày

Đời là một chuyến đi không biết điểm đến. Rất ít ai đến được điểm mình dự định. Thông thường ta bắt đầu cuộc hành trình với một ý niệm đích điểm trong đầu, chỉ để nhận ra rất sớm là cuộc đời có rất nhiều chỗ rẽ bất ngờ, và sau một lúc thì ta chẳng chắc là đời ta rồi sẽ về đâu. Nhưng như vậy thì đời mới vui. 

Nếu quan sát trẻ em và người già thì ta thấy rất giống nhau – cả hai cùng rất yếu về thể xác và cùng nhiều tình cảm hơn lý luận. Và ta bắt đầu từ bụi đất, sẽ trở về cùng bụi đất. Điểm cuối cũng là điểm khởi hành.

Khái niệm đường vòng này rất ích lợi trong kế hoạch sống của chúng ta. Nếu ta biết đời không phải là đường thẳng và ta có thể vòng lại điểm đã qua, thì tốt hơn là trên mỗi bước đi, ta nên ném ra vài hạt trái cây ngũ cốc bên đường, hy vọng là dọc đường sẽ mọc nhiều cây trái, để lúc nào đó ta vòng lại thì có thể đã có sẵn trái ngon chờ đợi! Đi đến đâu gieo hạt giống đến đó, tức là sống hôm nay mà trồng cho ngày mai đó, các bạn ạ.

Dĩ nhiên là không phải hạt nào cũng lên cây tốt. Nhiều hạt sẽ bị chim ăn, nhiều hạt sẽ chết đi, nhưng sẽ có một ít hạt nẩy mầm sinh cây. Và những cây này, biết đâu lại sinh hoa trái và chim chóc sẽ mang hạt của chúng gieo rắc hàng bao nhiêu dặm xa khắp nơi. Cuộc đời biến hoá vô lường, làm sao ta có thể đoán hết hậu quả của chỉ một hạt nẩy mầm, huống chi là khi ta gieo nhiều hạt mỗi ngày.

Chọn hạt tốt để gieo

Nếu sống khôn ngoan, thì ta gieo hạt trên mỗi bước đi.

Nhưng các hạt đó là những gì?

Thưa, chúng ta có thể chia các hạt ta có sẵn trong túi ra thành vài nhóm.

1. Những nụ cười, những lời cảm ơn, và những lời nói hiền dịu.
2. Tiền tài: nếu có thể cho ai một ít tiền, thì cho. Nếu có thể cho ai mượn ít tiền, thì cho mượn. Nếu có thể giúp ai đỡ đói một ngày, thì giúp.

3. Công việc: nếu có thể mách bảo ai một cơ hội làm ăn thì mách bảo. Nếu có thể chỉ ai có được một công việc thì chỉ. Nếu có thể dạy ai một cách kiếm tiền thì dạy.

4. Kiến thức: nếu có thể dạy ai đó biết đọc, biết làm toán, thì dạy. Nếu có tài năng gì đó có thể chia sẻ lại với mọi người thì chia sẻ. Nếu có kỹ năng sống nào đó có thể dạy lại cho mọi người thì dạy.

5. Đạo đức và triết lý sống: nếu ta đã có kinh nghiệm sống biết thế nào là đạo đức, thế nào là thiếu đạo đức, thế nào là tốt cho cuộc sống, thế nào là có hại, con đường nào sẽ đưa đến khổ đau, con đường nào sẽ đưa đến an lạc, thì hãy chia sẻ lại với anh chị em, nhất là những người ít kinh nghiệm sống hơn.

6. Cách tự sống vững trên hai chân: có lẽ điều tốt nhất ta có thể trao tặng một người là kiến thức và kinh nghiệm giúp cho người đó có thể tự sống, tự xoay xở, dù là họ có lọt vào bất kỳ tình huống khó khăn nào. Đây là cách giúp cho họ kỹ năng sống cũng như tự tin để sống mọi nơi, trong mọi hoàn cảnh. Phần cốt cán của nó là tư duy tích cực.

Tất cả những điều này mỗi chúng ta đều đã có sẵn trong túi không ít thì nhiều. Chẳng tốn kém tiền bạc hay công lao chỉ để lấy ra vài hạt trong túi ném ra bên lề đường mình đang đi.

Và tất cả các hạt này đều chỉ nằm trong một gia đình thực vật lớn, gọi là “tình yêu”.

Nếu mỗi người chúng ta đều gieo hạt dọc đường thì sẽ có hai chuyện xảy ra. Thứ nhất, riêng cá nhân ta, một lúc nào đó ta sẽ hưởng được trái ngọt của hạt giống ta gieo hôm nay. Bắt buộc là như vậy. Càng gieo nhiều và càng sống lâu, xác suất được hưởng của ta càng tăng rất cao. Thứ hai, khi nhiều người gieo dọc đường, thì ai đi đâu, dọc đường nào, cũng đều có trái ngon chờ mình trên cây.

Bài của Thanh Trúc share.

- ĐIỀU GÌ LƯU DẤU ? ( *__* )



ĐIỀU GÌ LƯU DẤU ? ( *__* )

....Dù đã sẵn sàng hay còn chưa chuẩn bị, nhưng rồi một ngày kia, chúng ta cũng phải chia tay thế giới này. Sẽ chẳng còn ánh mặt trời chói chan chào đón, sẽ chẳng còn một ngày mới bắt đầu bằng giọt nắng trong vắt của buổi bình minh.
Sẽ không còn nữa những ngày xuân hiền hòa, ấm áp. Tiền bạc, danh vọng, quyền lực, … tất cả với ta cuối cùng cũng sẽ trở thành vô nghĩa, còn ý nghĩa chăng là những gì ta đã lưu dấu lại đối với thế giới này

Vậy điều gì là thật sự quan trọng lưu lại dấu ấn của ta trong cuộc sống ?

Quan trọng không phải là những thứ mình mang theo bên mình, mà là những gì mình đã chân thành đóng góp cho tha nhân.

Quan trọng không phải là những thứ mình nhận được mà là những gì mình đã cho đi.

Quan trọng không phải là những thành công mình đạt được trong cuộc đời, mà là ý nghĩa thanh cao của chúng.

Quan trọng không phải là những thứ mình học được, mà là những gì mình đã truyền lại cho người khác.

Quan trọng không còn là năng lực của mình, mà là tính cách - là những gì mà mình đã cư xử với mọi người xung quanh.

Quan trọng là những khoảnh khắc cử chỉ, thái độ mà mình đã vô tình hay cố ý khắc ghi trong lòng người khác, khi mình cùng chia sẻ với họ những lo âu, phiền muộn, khi mình an ủi và làm yên lòng họ bằng cách riêng nào đó của mình, hay chỉ đơn giản là một nụ cười hoan hỉ hay một cái nắm tay, một đỡ nâng cho một người khỏi ngã.

Quan trọng không chỉ là những ký ức, mà phải là ký ức về những người đã yêu thương mình.

Quan trọng đâu chỉ là bạn sẽ được mọi người nhớ đến trong bao lâu, mà là họ nhớ gì về mình -cả tốt lẫn xấu-

Quan trọng không phải là mình được quen biết thật nhiều người, mà là bao nhiêu người sẽ đau xót khi họ mất bạn trong đời..

Vậy thì, bạn ơi, hãy nhìn cuộc sống bằng ánh mắt yêu thương và hiểu biết. Bởi vì, chỉ có tình yêu thương, sự hiểu biết mới đem lại những điều kỳ diệu cho cuộc sống, bạn ạ.

__ (())__

BẠN-BÈ

Trong cuộc đời dù hai tiếng BẠN-BÈ thật rất ư khác biệt
nhưng hai tiếng "bạn bè" vẫn thường được ghép đôi!

Khi Ðắc Thời đâu biết... AI là BẠN-
Lúc Thất Thời mới biết ... BẠN là AI
Trong Cuộc Vui vẫn coi BÈ là BẠN
Khi Hoạn Nạn mới biết BẠN là BÈ

Bodhgaya mùa Trăng Vàng Khai Hội. 2013

- Hươu và khỉ




Hươu : Ai dạy em bắt chí mà hay quá vậy, đã ngứa thiệt!
Khỉ : Hổng ai dạy em hết , ''năng khiếu bẩm sinh' của em mà anh Hươu!
Hươu : Zậy à, em bắt chí làm ta buồn ngủ rục rùi nè!
Khỉ : Í, chưa ngủ được đâu, anh phải NIỆM PHẬT trước đã. Hồi nãy Sư Phụ dặn trước khi ngủ mình phải niệm Phật, nhớ hông?
Hươu : Uhm, A Di Đà Phật, A Di Đà Phật, A Di Đà Phật, A Di Đà... khò khò khò..

Good 9 cả nhà! (*_* )

- Một bác sĩ sau khi chết linh hồn đã thấy gì trong 9 phút và hồi sinh...




Một bác sĩ sau khi chết linh hồn đã thấy gì trong 9 phút và hồi sinh...

George G. Ritchie

Trải nghiệm ở bên ngoài thân xác (OBE) và trải nghiệm cận tử (NDE) đã được biết đến từ lâu và vẫn bị tranh cãi, đơn giản bởi giới khoa học chủ lưu không tin là có linh hồn. Tuy nhiên, thật thú vị khi nghe một bác sỹ hàng đầu thế giới nói về trải nghiệm OBE và NDE của chính mình.

Giáo sư Bác sỹ George G. Ritchie (25/9/1923 – 29/10/2007) từng là chủ tịch của Học viện Trị liệu đa khoa Richmond, từng là trưởng khoa Tâm thần học củaBệnh viện Towers, người sáng lập và và chủ tịch Liên Đoàn Thanh niên Thế giới (Universal Youth Corps, inc) trong gần 20 năm.

Năm 1967, ông làm bác sỹ tư ở Richmond, và vào năm 1983 ông chuyển đến Anniston, Alabama làm trưởng khoa Tâm thần học tại Trung tâm y tế khu vực Đông Bắc Alabama, Hoa Kỳ. Ông trở về Richmond vào năm 1986 để tiếp tục làm bác sỹ tư cho đến khi nghỉ ngơi vào năm 1992.

Vào tháng 12/1943, George Ritchie đã chết trong một bệnh viện quân đội ở tuổi 20 vì bệnh viêm phổi và đã được đưa vào nhà xác. Nhưng kỳ diệu thay, 9 phút sau ông sống trở lại, và kể về những điều đáng kinh ngạc mà ông đã chứng kiến khi trong trạng thái ở bên ngoài thân xác. Ritchie đã viết về Trải nghiệm cận tử (NDE) của ông trong cuốn sách "Trở lại từ ngày mai", đồng tác giả với Elizabeth Sherrill, xuất bản lần đầu năm 1978. Cuốn sách đã được dịch sang 9 thứ tiếng khác nhau.

Bác sĩ George Ritchie đã kể lại rất chi tiết những gì mà mình đã trải qua trong suốt khoảng thời gian ông chết.

Đó là đầu tháng 12/1943, khi Ritchie được chuyển tới một bệnh viện tại trại Barkeley, Texas , Hoa Kỳ để điều trị bệnh viêm phổi. Ông không biết là mình bệnh nặng tới mức nào. Ông luôn chỉ nghĩ tới việc bình phục cho mau mà lên xe lửa tới Richmond, Virginia để nhập học trường y trong chương trình đào tạo bác sỹ quân y của quân đội. Theo hẹn, vào lúc 4 giờ sáng ngày 20/12, xe quân đội sẽ đến đưa ông ra nhà ga để tới trường.

Trái với mong muốn của ông, bệnh tình của ông không thuyên giảm. Vào đêm 19/12/1943, bệnh của Ritchie trở nặng. Ông bắt đầu sốt và ho liên tục. Ông lấy gối bịt miệng lại để đỡ làm ồn. 3 giờ sáng ngày 20, Ritchie cố gắng đứng dậy và thay quần áo đợi xe đến. Nhưng ông đã không thể làm được, và bất tỉnh sau đó.

"Khi tôi mở mắt ra, tôi thấy mình đang nằm trong một căn phòng mà tôi chưa từng thấy bao giờ. Một ngọn lửa nhỏ cháy trong một ngọn đèn ở bên cạnh. Tôi nằm đó một lúc, cố gắng nhớ lại là mình đang ở đâu. Thình lình tôi ngồi bật dậy. Xe lửa ! Mình trễ chuyến tàu mất !

Giờ đây tôi biết rằng những gì mình sắp mô tả sẽ nghe rất lạ thường... tất cả những gì tôi có thể làm là kể lại những sự kiện đêm đó đúng như chúng đã xảy ra. Tôi nhảy ra khỏi giường và tìm bộ đồng phục của tôi khắp phòng. Không có trên thành giường : tôi dừng lại, nhìn chằm chằm. Một người nào đó đang nằm trên cái giường mà tôi vừa mới rời khỏi.

Hình minh họa

Tôi bước lại gần gường trong ánh sáng lờ mờ, rồi lùi lại. Anh ta đã chết. Hàm răng khép hờ, làn da màu xám thật kinh khủng. Rồi tôi nhìn thấy chiếc nhẫn. Trên bàn tay trái của anh ta là chiếc nhẫn của hội sinh viên Phi Gamma Delta mà tôi đã đeo trong suốt hai năm qua.

Tôi chạy vào đại sảnh, mong muốn thoát khỏi căn phòng bí ẩn đó. Richmond, đó là điều quan trọng nhất – tới Richmond. Tôi bắt đầu xuống đại sảnh để ra cửa bên ngoài. "Coi chừng !" Tôi hét lên với một người phục vụ trong bệnh viện mà đang rẽ quay sang chỗ tôi. Anh ta dường như không nghe thấy, và một giây sau anh ta đã đi ngang qua chỗ tôi đứng như thể tôi không có ở đó.

Thật lạ lùng. Tôi tới chỗ cánh cửa, đi xuyên qua và phát hiện ra là mình đang tiến về Richmond rất nhanh trong bóng tối bên ngoài. Đang chạy ư ? Đang bay ư? Tôi chỉ biết rằng mặt đất tối tăm đang trượt qua trong khi những ý nghĩ khác chiếm lấy tâm trí tôi, những suy nghĩ đáng sợ và khó hiểu. Người phục vụ đã không nhìn thấy mình. Nếu mọi người tại trường y cũng không thể nhìn thấy mình thì sao ?

Tôi thấy một con sông rộng, rồi thấy cây cầu dài bắc qua sông để vào một thành phố. Tôi thấy một tiệm giải khát, quán bia và một quán cà phê. Tại đây tôi đã gặp một vài người và hỏi họ tên đường và tên thành phố nhưng chẳng có ai thấy và đáp lời tôi cả. Tôi nhiều lần đập tay lên vai một người khi hỏi nhưng tay tôi như chạm vào khoảng không. Đó là một người có gương mặt tròn và cằm có sợi râu dài. Sau đó tôi đi đến bên một người thợ điện đang loay hoay quấn dây điện thoại vào một bánh xe lớn.

Vô cùng bối rối, tôi dừng lại bên một buồng điện thoại và đặt tay tôi lên sợi dây điện thoại. Ít ra thì sợi dây nằm đó, nhưng bàn tay tôi không thể chạm vào nó. Tôi nhận thấy một điều rõ ràng: tôi đã mất đi xác thân của mình, cái bàn tay mà có thể cầm được sợi dây kia, cái thân thể mà người ta nhìn thấy.

Tôi cũng bắt đầu hiểu ra rằng cái xác trên chiếc giường đó chính là của tôi, không thể hiểu sao lại tách ra khỏi tôi, và việc mà tôi phải làm là phải trở về nhập lại vào nó càng nhanh càng tốt.

Việc tìm đường quay lại khu căn cứ và bệnh viện không có gì khó khăn. Thực sự tôi hầu như trở lại đó ngay tức khắc khi tôi nghĩ đến nó. Nhưng căn phòng nhỏ mà tôi đã rời đi thì ở đâu ? Thế là tôi bắt đầu một trong những cuộc tìm kiếm kỳ lạ nhất đời: cuộc tìm kiếm chính mình. Khi tôi chạy từ khu này sang khu khác, đi qua hết phòng này sang phòng khác lúc các bệnh binh đang ngủ – những người lính đều trạc tuổi tôi, tôi nhận ra rằng chúng ta lạ lẫm với chính khuôn mặt của mình như thế nào. Mấy lần tôi dừng lại bên một người mà tôi cứ ngỡ là mình. Nhưng chiếc nhẫn Hội sinh viên không có, và tôi lại vội tìm.

Cuối cùng tôi đi vào một gian phòng nhỏ với ánh sáng lờ mờ. Một tấm khăn trải đã được kéo phủ lên xác người trên giường, nhưng đôi cánh tay của người đó nằm dọc ở bên ngoài. Chiếc nhẫn tôi tìm nằm trên bàn tay trái của thân xác ấy.

Tôi đã cố kéo tấm vải ra nhưng không thể nắm được nó. Và lúc đó là lần đầu tiên tôi nghĩ điều mà đã xảy ra với mình, chính là cái mà nhân loại vẫn gọi là "cái chết".

Trong thời khắc tuyệt vọng nhất ấy, căn phòng bỗng sáng rực rỡ, một thứ ánh sáng lạ lùng tôi chưa từng thấy bao giờ, và tôi như bị lôi cuốn theo nguồn ánh sáng ấy. Tôi đã trông thấy những quang cảnh mà từ khi sinh ra cho đến bây giờ tôi chưa bao giờ được thấy, những cảnh trí mà tôi nghĩ rằng chỉ có ở thế giới bên kia, và tôi không nhìn được rõ các sinh linh ở đó. Có vùng tối tăm u ám, có vùng lại chan hòa ánh sáng vô cùng tươi đẹp với các sinh linh trông như những thiên thần.
Sau đó đột ngột vầng sáng giảm dần, tôi muốn quay về. Trong phút chốc tôi lại thấy những căn phòng, những thân xác bất động trên giường. Tôi tiến tới chiếc giường của thân xác mình. Tôi như bị cuốn hút vào cái thân xác đó. Rồi, từ từ cử động các ngón tay, cuối cùng tôi mở mắt ra. Một lúc sau, một bác sĩ và cô y tá đã ở trước mắt tôi, nét mặt rạng rỡ. Vậy là tôi đã sống lại, đã thật sự hồi sinh..."
Thời đó, thuốc penicilline chưa được phát minh nên việc chữa trị bệnh sưng phổi vô cùng khó khăn, 90 phần trăm người bệnh khó thoát khỏi lưỡi hái của tử thần. Vào buổi sáng ngày 20/12/1943 các bác sĩ ở bệnh viện đã xác nhận rằng George Ritchie đã chết nên người ta chuyển xác ông đến nhà quàn. Tại đây một số thủ tục giấy tờ, giấy khai tử và thủ tục chuẩn bị đưa người chết vào quan tài đã được tiến hành, và người ta chuẩn bị thông báo đi các nơi rằng George Ritchie đã chết. Không ai có thể tưởng tượng được, Ritchie sống lại và mang theo câu chuyện diệu kỳ mà ông trải nghiệm trong giây phút trái tim đã ngừng đập, khi mà mọi dấu hiệu của sự sống không còn.
Những điều George Ritchie kể lại sau khi sống dậy đã làm các bác sĩ trong bệnh viện kinh ngạc. Điều kỳ lạ đáng lưu ý là những gì Ritchie đã kể và ghi chép lại trong tập nhật ký trong 9 phút chết đó về sau đều được chứng minh là có thực.
Một năm sau, Ritchie trở về trại Barkeley và được gởi sang Âu Châu để phục vụ tại một bệnh viện quân y. Trên đường xe đã chở Ritchie đi ngang qua thành phố mà một năm trước trong khi bị coi là đã chết, Ritchie đã tới. Tiệm bán bia, tiệm cà phê, cây cầu dài bắc qua sông, những con đường, những bảng hiệu, cả cái buồng điện thoại năm xưa... tất cả đều có thật trong thực tế. Đó là thành phố Vicksburg thuộc tiểu bang Mississipi, nơi mà chưa bao giờ George Ritchie đặt chân đến.
George Ritchie sau này trở thành Viện trưởng Viện tâm thần học ở Charlotsville, bang Virginia Hoa Kỳ, và suốt đời ông không thể nào quên rằng mình đã có lần chết đi sống lại, cũng như không thể nào quên các cảnh giới lạ lùng ở bên kia cửa tử.
Giáo sư Bác sỹ George G. Ritchie mất vào ngày 29/10/2007 tại nhà riêng ở Irvington , Virginia , Hoa Kỳ, hưởng thọ 84 tuổi.

"Cái chết chẳng qua là một ô cửa, là một cái gì đó mà bạn bước qua" – George Ritchie nói.

Thủy Nguyên dịch- Bodhgayamonk sưu tầm.

Thursday 1 March 2012